Hoàn thiện quy định về thủ tục tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong tố tụng hình sự

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vẫn còn nhiều bất cập. Qua bài viết này tác giả rất mong sớm nhận được sự phản hồi của các đọc giả và mong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn, bổ sung kịp thời để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

1. Cơ sở pháp lý và vướng mắc trong thực tiễn 

Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 62, điểm i khoản 2 Điều 63, điểm i khoản 2 Điều 64, điểm đ khoản 2 Điều 65 BTTHS năm 2015 thì bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (sau đây gọi chung là đương sự) đều có quyền “Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 84 BLTTHS thì bị hại, đương sự có thể nhờ Luật sư, Người đại diện, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

So với quy định tại khoản 1 Điều 59 BLTTHS năm 2003 “Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình” thì khoản 2 Điều 84 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung và quy định cụ thể những chức danh làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng của BLTTHS năm 2015 về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tác giả nhận thấy còn một số vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 chưa quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự dẫn đến thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

BLTTHS năm 2015 dành hai Điều 78 và 79 để quy định về thủ tục đăng ký bào chữa và trách nhiệm thông báo cho người bào chữa của cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người bào chữa.

Điều 78 quy định “Thủ tục đăng ký bào chữa.[1]

Điều 79 quy định:Trách nhiệm thông báo cho người bào chữa

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này.

2. Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 của Bộ luật này”.

Tuy vậy, không có quy định nào nói đến thủ tục đăng ký và trách nhiệm thông báo cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Bên cạnh BLTTHS năm 2015 thì khoản 4 và khoản 5 Điều 75 BLTTDS năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.[2]

 Trên thực tế, khi thực hiện thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự thì một số cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận việc đăng ký và thủ tục đăng ký như đối với người bào chữa theo hướng: sửa đổi nội dung biểu mẫu thông báo về việc đăng ký người bào chữa quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA  thành thông báo đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, hay sửa đổi nội dung biểu mẫu Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng Mẫu số 13-HS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) thành Thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng hoặc Tòa án vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo như thủ tục tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, một số cơ quan tiến hành tố tụng lại viện dẫn việc không có quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự và không có biểu mẫu nên đã từ chối yêu cầu của họ tham gia vào quá trình tố tụng.

Thứ hai, BLTTHS năm 2015 không có quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là chưa đáp ứng đầy đủ nguyên tắc Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sựdẫn đến việc không xác định được thời điểm nào luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Tại khoản 2 Điều 59 BLTTHS năm 2003 có quy định về thời điểm người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can nhưng so với thực tế hiện nay thì quy định như vậy là chưa phù hợp vì tham gia từ khi khởi tố bị can là quá muộn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong vụ án hình sự.

Do đó, theo tác giả, tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự cần được tham gia vào cả giai đoạn tiền tố tụng để hỗ trợ và cùng với bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Một số kiến nghị

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, trên cơ sở những phân tích trên đây, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, sửa đổi Điều 84 BLTTHS năm 2015 theo hướng bổ sung  khoản 5 quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Theo đó, Điều 84 BLTTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:

“5. Thủ tục đăng ký tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thực hiện tương tự như thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật này”

 Thứ hai, sửa đổi Điều 84 BLTTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về xác định thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự từ giai đoạn tiền tố tụng.

Thứ ba, ban hành biểu mẫu thông báo đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

 

Tòa án huyện  huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Đinh Thùy

 

[1] Điều 78 quy định “Thủ tục đăng ký bào chữa:

1. Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.

2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:

a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;

b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

d) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:

a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân;

b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

c) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.

6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:

a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;

b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.

7. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa”.

 

[2] “4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;

c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động xuất trình văn bản của tổ chức đó cử mình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể người lao động;

d) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.

5. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị”.

ĐINH THỊ THUỲ (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)