Công đoàn có quyền khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động nộp tiền BHXH hay không?

Quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội cho thấy có tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, chậm đóng tiền BHXH... Vấn đề đặt ra là Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu người sử dụng lao động nộp khoản tiền này cho cơ quan BHXH hay không?

Công đoàn có quyền khởi kiện trong một số trường hợp

Luật Bảo hiểm xã hội (LBHXH) số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của LBHXH thì Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn.

Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn quy định Tổ chức Công đoàn đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.

Theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì Công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền, trách nhiệm: (1) Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm theo quy định của pháp luật; (2) Đại diện cho người lao động khởi kiện ra Tòa án nếu được người lao động ủy quyền để giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm theo quy định của pháp luật; đại diện cho người lao động khởi kiện ra Tòa án nếu được người lao động ủy quyền để giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật.

Vấn đề đặt ra là khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) vi phạm pháp luật bảo hiểm cụ thể là có các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thì tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu NSDLĐ nộp khoản tiền này cho cơ quan BHXH hay không?

Về vấn đề này, hiện nay có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quan hệ giữa cơ quan BHXH và NSDLĐ là quan hệ hành chính. NSDLĐ có các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tùy theo mức độ vi phạm mà NSDLĐ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Do đó Tổ chức Công đoàn không có quyền khởi kiện yêu cầu NSDLĐ nộp tiền BHXH cho cơ quan BHXH.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù quan hệ BHXH giữa cơ quan BHXH và NSDLĐ là quan hệ hành chính nhưng liên quan đến quyền được bảo hiểm của người lao động, tập thể người lao động. Đây là quyền dân sự theo nghĩa rộng của người lao động, tập thể người lao động. Khi NSDLĐ không nộp tiền BHXH cho cơ quan BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tập thể người lao động. Do đó tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện yêu cầu NSDLĐ nộp tiền BHXH cho cơ quan BHXH theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật BHXH.

Không có quyền khởi kiện yêu cầu NSDLĐ nộp tiền BHXH

Tác giả bài viết này nghiêng về quan điểm thứ nhất, bởi lẽ: (1) Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 LBHXH năm 2014 thì người lao động và NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc; (2) Cơ quan BHXH đã được Nhà nước trao cho quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH của NSDLĐ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật BHXH thì cơ quan BHXH có trách nhiệm: “Tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc thu tiền BHXH từ NSDLĐ thuộc trách nhiệm của cơ quan BHXH.

Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của LBHXH thì người lao động và NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc. Các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của LBHXH. Tùy theo mức độ vi phạm mà các hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp NSDLĐ không nộp, nộp không đủ, không đúng, theo quy định tại khoản 9 Điều 22 của LBHXH thì cơ quan BHXH có quyền: Xử lý vi phạm pháp luật (trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính) hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự).

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 121 của LBHXH, cụ thể như sau:

“1. Thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội bao gồm:

  1. a) Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
  2. b) Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
  3. c) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao cho cấp phó thực hiện xử lý vi phạm hành chính.
  5. Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Đồng thời, LBHXH cũng quy định việc xử lý vi phạm pháp luật BHXH đối với NSDLĐ tại khoản 3 Điều 122: “NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, để bảo đảm lợi ích cho người lao động, để bảo Tòan Quỹ BHXH, cơ quan BHXH phải triển khai thi hành LBHXH. Khi NSDLĐ có hành vi vi phạm luật BHXH thì Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập (hoặc cấp phó được giao) xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, phải ban hành quyết định xử phạt và buộc NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 (trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp) phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng, nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu người có hành vi vi phạm mà không thực hiện thì Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập (hoặc cấp phó được giao) có quyền yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc trích chuyển tiền không cần sự đồng ý của người bị cưỡng chế.

Điều 12 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể:

“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

  1. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  2. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.
  3. Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.…”

Trường hợp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập (hoặc cấp phó được giao) không xử phạt hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với NSDLĐ chậm đóng, đóng không đủ BHXH là vi phạm Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp NSDLĐ đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của BLHS năm 2015 (khi Bộ luật này có hiệu lực thi hành) về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.”

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn thì tổ chức Công đoàn có quyền Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn. Và như đã nêu ở trên, việc thu BHXH là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Do đó, việc cơ quan BHXH không tổ chức thu BHXH, không xử lý vi phạm hành chính đối với NSDLĐ không đóng, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH là vi phạm LBHXH, Luật Xử lý vi phạm hành chính và tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với cơ quan BHXH theo quy định tại Điều 119 LBHXH để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

Còn đối với các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của NSDLĐ là những hành vi vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật hình sự cần được xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Quan hệ về BHXH giữa cơ quan BHXH và NSDLĐ là quan hệ hành chính được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính. Hành vi vi phạm pháp luật BHXH tùy theo mức độ vi phạm mà phải được xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, tổ chức Công đoàn không có quyền khởi kiện yêu cầu NSDLĐ nộp tiền BHXH cho cơ quan BHXH.

Đây là vấn đề còn đang bỏ ngỏ, rất mong ý kiến trao đổi của bạn đọc.

 

 

 

 

 

VŨ THÁI - HỒNG THỊ HẠNH THÚY ( Trường chính trị tỉnh Tuyên Quang )