Tòa án nào có thẩm quyền tổng hợp hình phạt?

Trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng khoản 3 Điều 56 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 để tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật còn nhiều quan điểm khác nhau. Dưới đây là một vụ án cụ thể, mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

Nguyễn Văn Đ và anh S (là quân nhân) bị bắt vì có hành vi đánh bạc. Quá trình điều tra, Đ khai có hành vi trộm cắp xe máy của chị H. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tách 2 hành vi trên của Đ thành 2 vụ án hình sự khác nhau.

Ngày 26/3/2018, TAND cấp huyện ra bản án số 6, phạt Đ 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Đ kháng cáo toàn bộ bản án này.

Ngày 15/4/2018, TAQS Khu vực ra bản án số 7, phạt Đ 10 tháng tù về tội đánh bạc. Đ kháng cáo toàn bộ bản án này.

Ngày 26/5/2018, TAND cấp tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm ra bản án số 08 quyết định y án sơ thẩm. Ngày 27/5/2018, TAND cấp huyện ra quyết định thi hành án phạt tù đối Đ, Đ chấp hành án tại trạm giam Bộ Công an 12 tháng tù từ ngày 30/5/2018.

Ngày 01/6/2018, Nguyễn Văn Đ rút toàn bộ kháng cáo đối với bản án số 07. TAQS Quân khu ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. TAQS Khu vực ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Đ theo bản án số 07.

Khi thi hành án phạt tù thì Cơ quan thi hành án hình sự xác minh Đ đang chấp hành án tại Trại giam Bộ Công an từ ngày 30/5/2018 nên quyết định thi hành án phạt tù của TAQS Khu vực chưa được thi hành.

Về nguyên tắc, trong trường hợp một người phải chấp hành hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS 2015. Vấn đề đặt ra là, Chánh án Tòa án nào có thẩm quyền tổng hợp hình phạt, các Tòa án tham gia giải quyết vụ án đều có quan điểm riêng của mình.

Quan điểm thứ nhất: Chánh án TAQS Khu vực không phải tổng hợp hình phạt, bởi vì thời điểm TAQS Khu vực xét xử bản án số 06 chưa có hiệu lực pháp luật. Bị cáo kháng cáo, TAQS Khu vực đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAQS Quân khu. Quá trình xét xử phúc thẩm, TAQS Quân khu có trách nhiệm xác minh bản án số 06 có hiệu lực pháp luật hay chưa để nếu có mở phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có trách nhiệm tổng hợp hình phạt. Bị cáo rút đơn kháng cáo, TAQS Quân khu đình chỉ xét xử phúc thẩm thì cũng phải ra quyết định tổng hợp hình phạt, bởi vì TAQS Quân khu là cấp sau cùng thực hiện nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Quan điểm thứ hai: Chánh án TAQS Quân khu cho rằng mình chỉ ra quyết định tổng hợp hình phạt khi TAQS Quân khu là cấp xét xử sau cùng. Bị cáo rút đơn kháng cáo, TAQS Quân khu không cần xác minh bản án số 06 có hiệu lực pháp luật hay chưa, việc đình chỉ xét xử phúc thẩm là đúng quy định.

Quan điểm thứ ba: Chánh án TAND cấp tỉnh cho rằng mình không phải tổng hợp hình phạt, bởi vì TAND cấp tỉnh không phải là cơ quan xét xử sau cùng nên không biết được bản án TAQS đã tuyên, không có quy định TAND cấp tỉnh phải theo dõi thông tin xét xử của Nguyễn Văn Đ tại TAQS để sau đó tổng hợp hình phạt.

Hiện nay, khoản 3 Điều 46 BLHS 2015 chưa được hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng tinh thần hướng dẫn tại điểm d mục 5 Thông tư liên ngành số 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS: “… Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Tòa án cấp huyện và của Tòa án quân sự khu vực hoặc là của Tòa án cấp tỉnh và của Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Tòa án đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt ra quyết định; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau và khác cấp, thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau…”.

Áp dụng tinh thần đó, trong tình huống này thì Chánh án TAND cấp tỉnh có trách nhiệm ra quyết định tổng hợp hình phạt. Thủ tục được hiểu như sau: TAQS khu vực gửi bản án số 07 có hiệu lực pháp luật tới TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp tỉnh căn cứ vào bản án số 06, 07, 08 ra quyết định tổng hợp hình phạt và gửi quyết định đó cho TAQS Khu vực ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, thực hiện thủ tục như vậy TAQS Khu vực sẽ vi phạm thời hạn ra quyết định thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 364 BLTTHS 2015 (thời hạn ra quyết định thi hành án kể từ ngày nhận được quyết định phúc thẩm).

Chúng tôi cho rằng quy định Chánh án Tòa án ra bản án sơ thẩm sau cùng có trách nhiệm tổng hợp hình phạt sẽ hợp lý hơn. Bởi vì, Tòa án xét xử sau cùng là cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, qua đó phải nắm được bị cáo có bao nhiêu bản án có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành. Khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ tổng hợp hình phạt, ra quyết định thi hành án bảo đảm đúng quy định pháp luật. Nếu việc tổng hợp hình phạt dẫn đến hình phạt tử hình thì Tòa án sơ thẩm cấp cao hơn (không căn cứ vào xét xử sau hay trước) sẽ ra quyết định thi hành án.

Trên đây là nội dung của vụ án và các quan điểm giải quyết khác nhau, rất mong nhận được sự đóng góp kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc./

VŨ QUANG CƯƠNG (Thẩm phán Tòa án quân sự Quân khu 1)