Bàn về cấu trúc Luật Đất đai, các định nghĩa và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới kỹ thuật soạn thảo cấu trúc của Luật; những điểm đổi mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cấu trúc, định nghĩa và kỹ thuật trình bày.

Qua 4 lần được ban hành với tư cách là một Luật mới gồm Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 có thể thấy cấu trúc của Luật Đất đai đều được đổi mới để phù hợp với những nội dung thay đổi của Luật cũng như thực tế xã hội.

 1. Về kỹ thuật soạn thảo cấu trúc của Luật

Cấu trúc (structure) là một sự sắp xếp và tổ chức các yếu tố bên trong một vật hay hệ thống nào đó[1]. Theo Black’s law dictionary[2] thì “Cấu trúc” được hiểu theo ba nghĩa gồm 1. Bất kỳ công trình xây dựng, sản xuất hoặc phần công trình nào được xây dựng nhân tạo hoặc bao gồm các bộ phận được ghép với nhau một cách có chủ đích (một tòa nhà là một cấu trúc).; 2. Tổ chức của các yếu tố hoặc bộ phận (cấu trúc công ty)3. Một phương pháp xây dựng các bộ phận. Theo từ điển Tiếng Việt, “Cấu trúc” được hiểu là “quan hệ giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể”.[3] Như vậy, khi đề cập tới cấu trúc của một vật thể, người ta nói đến sự sắp xếp, bố trí và quan hệ giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể của vật đó.

Theo cách hiểu tương tự, cấu trúc của một đạo luật là cách sắp xếp bố trí hay quan hệ giữa các thành phần cấu tạo nên đạo luật đó, Brian M. McCall cho rằng: “Giống như Nhà thờ Chartres, luật có thể là một công trình kiến ​​trúc được trang trí theo phong cách Romanesque, Gothic và Baroque đan lại với nhau.”[4]

Luật là một văn bản quy phạm pháp luật chủ đạo nằm trong hệ thống pháp luật. Luật được cấu tạo từ các quy phạm pháp luật cụ thể thể hiện chi tiết nhất ở các điều, khoản điểm. Các quy phạm pháp luật này có mối quan hệ logic với nhau về nội dung và về hình thức được sắp xếp với bố cục theo những chuẩn mực nhất định.

Mỗi văn bản pháp luật có thể có cấu trúc khác nhau, phụ thuộc vào phạm vi điều chỉnh của văn bản đó[5]. Như vậy, cấu trúc của luật sẽ được hiểu là cách sắp xếp, bố trí hay quan hệ giữa các thành phần cấu tạo lên đạo luật đó, gồm các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật và các nội dung tạo thành bố cục của Luật.

1.1. Phạm vi điều chỉnh của Luật cho ta thấy các nội dung thuộc về cấu trúc bên trong của văn bản luật nó cho ta thấy các mối quan hệ xã hội được Luật điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật được xem xét ở hai khía cạnh là: Thứ nhất, phạm vi về số lượng, trong đó có cả phạm vi không gian, thời gian và đối tượng áp dụng. Thứ hai, phạm vi về mức độ can thiệp, điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác... [6]

Luật Đất đai của Việt Nam được đặt trong mối quan hệ với các Luật khác của Việt Nam hay khi so sánh với các đạo Luật về bất động sản trên thế giới có thể thấy được phong cách kiến trúc riêng với cấu trúc được tạo nên bởi những thành phần đặc trưng. Trong đó đặc biệt nhất là chế độ sở hữu đất đai [7] với quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”[8].

1.2. Bố cục của Luật cho ta thấy các thành phần thuộc về hình thức bên ngoài nguyên tắc của việc sắp xếp bố cục của dự thảo văn bản là cần phải bảo đảm tính chặt chẽ, logic, dễ theo dõi. Có thể phân loại bố cục của Luật thành hai loại:

a) Bố cục của Luật theo nhóm nội dung

Thông thường, tổ chức logic có thể bắt đầu từ quy định chung đến riêng và theo đúng trình tự thời gian của sự việc; quy định về nội dung trước quy định về trình tự, thủ tục (ví dụ: quy định thẩm quyền, quyền, nghĩa vụ, điều kiện trước các quy định về thủ tục, trình tự); quy định về quyền và nghĩa vụ trước quy định về chế tài; quy định về trường hợp phổ biến trước quy định về trường hợp đặc thù; quy định chung trước quy định ngoại lệ. Nếu văn bản điều chỉnh những vấn đề phát sinh theo một trật tự nhất định, văn bản nên được bố trí theo trật tự đó.

Các khái niệm và quy định liên quan cũng phải được nhóm lại với nhau theo cách có ý nghĩa bảo đảm trật tự từ, cụm từ, mệnh đề.

Cách bố cục một văn bản quy phạm pháp luật, cách sắp xếp vị trí của các điều, khoản, nhóm các vấn đề trong văn bản ở Việt Nam hiện nay như sau:

1. Phần chung

Phần này nằm ở phần đầu của văn bản gồm các quy định, bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; mục đích của văn bản (tuy không bắt buộc nhưng đây là cơ sở để phát triển các điều khoản tiếp theo và là sợi chỉ đỏ để người đọc thấy được tinh thần chung của văn bản); định nghĩa, giải thích các thuật ngữ; các nguyên tắc chung hay các quy định chung khác (nếu cần).

2. Phần nội dung chính

Phần này bao gồm:

- Các quy định về hành vi xử sự của đối tượng điều chỉnh (đối tượng điều chỉnh chính - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các đối tượng khác)”;

- Các quy định về hành vi xử sự của các cán bộ, công chức thực thi văn bản;

- Các quy định về chế tài;

- Các quy định về nguồn lực bảo đảm thực hiện văn bản.

3Phần các quy định về thi hành văn bản và các quy định khác

- Điều khoản sửa đổi, bãi bỏ;

- Điều khoản về thời điểm có hiệu lực/chấm dứt hiệu lực của văn bản;

- Điều khoản chuyển tiếp.

Ở một số nước, luật có thể kèm mục lục (thường đặt sau tiêu đề) nhưng không phải là một phần của luật và có thể thay đổi mà không cần phải thông qua thủ tục xây dựng pháp luật theo luật định, mục lục không phải lúc nào cũng cần thiết nếu văn bản soạn thảo không dài. Mục lục đưa ra cái nhìn tổng quát về cấu trúc cơ bản của văn bản. Nếu xây dựng mục lục thì sẽ dễ tránh được thiếu sót khi xây dựng bố cục của văn bản và dễ dàng hơn ngay từ khi bắt đầu soạn thảo.

b) Bố cục của luật theo cấu trúc chương, mục, điều khoản, điểm

Tùy theo nội dung, văn bản có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm.

2. Những điểm đổi mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cấu trúc, định nghĩa và kỹ thuật trình bày

2.1. Về cấu trúc

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được bố cục thành 16 chương. Trong đó bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất, 01 chương về tổ chức thi hành Luật Đất đai (bao gồm cả trách nhiệm tổ chức thi hành Luật đất đai và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành Luật Đất đai); tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương.

Các chương được sắp xếp, bố cục lại cho phù hợp, cụ thể: Bổ sung một mục quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai vào Chương II “Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai”; chuyển Chương quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Chương XI Luật 2013) lên ngay sau Chương II (quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai); các chương còn lại được sắp xếp theo bước trong chu trình nghiệp vụ của công tác quản lý Nhà nước về đất đai:

  1. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai;
  2. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
  3. Thu hồi đất, trưng dụng đất;
  4. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
  5. Phát triển quỹ đất;
  6. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
  7. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
  8. Tài chính về đất đai, giá đất;
  9. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai;
  10. Chế độ sử dụng các loại đất;
  11. Thủ tục hành chính về đất đai;
  12. Giám sát, thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Chúng tôi cho rằng, việc bổ sung một mục quy định về quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất đai và đưa Chương Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất lên ngay sau Chương Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, thể hiện tư duy mới trong việc coi trọng hơn vị trí của người sử dụng đất.

Xét về hình thức, chúng ta có thể thấy vị trí của người dân và người sử dụng đất trong quan hệ đất đai với Nhà nước được coi trọng hơn. Xét về kỹ thuật lập pháp cũng cho thấy sự tiến bộ hơn. Bởi lẽ, bất kỳ người dân hay cơ quan quản lý cần biết rõ các quyền của Nhà nước, công dân và người sử dụng đất thì mới có thể thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình một cách đúng đắn. Do đó, khi đọc Dự thảo Luật Đất đai mới có thể ban đầu nhiều người sẽ bỡ ngỡ do đã quen với cấu trúc, bố cục của Luật cũ. Song về lâu dài, việc đổi mới như vậy sẽ giúp nhiều chủ thể tiếp cận được các quyền của mình hơn, ngay cả cơ quan, người có trách nhiệm thuộc bộ máy Nhà nước sẽ biết được công dân có quyền gì trước tiên để từ đó có các hành xử đúng mực hơn. Chúng tôi đánh giá, đây cũng là biện pháp kỹ thuật pháp lý đã được các Nhà soạn thảo Luật Đất đai học hỏi từ quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 (một bản Hiến pháp mới với nhiều nội dung đổi mới về quyền của công dân).

Việc bổ sung một chương quy định về Phát triển quỹ đất cũng đã thể chế được Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”.

 Dự thảo cấu trúc của Luật Đất đai sửa đổi và so sánh với cấu trúc của Luật Đất đai 2013

Luật Đất đai sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

TT

     Chương

     Nội dung

   TT

   Chương

          Nội dung

1

    Chương I

  Những quy định chung

   1

  Chương I 

   Những quy định chung

2

   Chương II

  Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai

  2

 Chương II

 Quyền của nhà nước đối    với đất đai

3

  Chương III

  Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

    3

Chương III

 Địa giới hành chính và    điều tra cơ bản về đất đai

4

  Chương IV

Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai

   4

 Chương IV

 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

5

Chương V

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

  5

Chương V

Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

6

Chương VI

Thu hồi đất, trưng dụng đất

6

Chương VI

Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

7

Chương VII

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

7

Chương VII

Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

8

Chương VIII

Phát triển quỹ đất

8

Chương VIII

Tài chính về đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất

9

Chương IX

Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

9

Chương IX

Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai

10

Chương X

Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

10

Chương X

Chế độ sử dụng các loại đất

11

Chương XI

Tài chính về đất đai, giá đất

11

Chương XI

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

12

Chương XII

Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai

12

Chương XII

Thủ tục hành chính về đất đai

13

Chương XIII

Chế độ sử dụng các loại đất

13

Chương XIII

Giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

14

Chương XIV

Thủ tục hành chính về đất đai

14

Chương XIV

Điều khoản thi hành

15

Chương XV

Giám sát, thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo

16

Chương XVI

Điều khoản thi hành

2.2. Về các định nghĩa và kỹ thuật trình bày

Qua rà soát và so sánh chúng tôi nhận thấy: Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 có giải thích từ ngữ đối với 30 thuật ngữ. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục giữ nguyên đối với 13 thuật ngữ gồm: (1) Bản đồ địa chính, (2) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; (3) Cơ sở dữ liệu đất đai; (4) Đất để xây dựng công trình ngầm; (5) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (6) Hệ thống thông tin đất đai; (7) Hủy hoại đất; (8) Kiểm kê đất đai; (9) Quy hoạch sử dụng đất; (10) Thống kê đất đai; (11) Thửa đất; (12) Tiền sử dụng đất (13) Tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, có 12 các thuật ngữ được xem xét sửa đổi bao gồm: (1) Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất; (2) Chi phí đầu tư vào đất còn lại; (3) Chuyển quyền sử dụng đất; (4) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; (5) Giá đất; (6) Giá trị quyền sử dụng đất; (7) Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; (8) Kế hoạch sử dụng đất; (9) Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất; (10) Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; (11) Nhà nước giao quyền sử dụng đất; (12) Nhà nước thu hồi đất.

Việc sửa đổi các thuật ngữ nêu trên có thể xuất phát từ yêu cầu các nội dung quản lý và sử dụng đất trong Luật Đất đai đã có sự sửa đổi hoặc yêu cầu cần phải sửa đổi do đó các thuật ngữ cũng cần giải thích lại để đảm bảo yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện tại.

Có 04 thuật ngữ được bãi bỏ chuyển vào quy định cụ thể trong nội dung của các Điều Luật gồm: (1) Hộ gia đình sử dụng đất: khái niệm này được chuyển vào quy định tại Điều 5 của Dự thảo Luật. Đồng thời có quy định xử lý chuyển tiếp tại Điều 235 của Dự thảo Luật; (2) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thay bằng khái niệm cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; (3) Tổ chức kinh tế; (4) Tổ chức sự nghiệp công lập.

Có 26 thuật ngữ được bổ sung mới gồm: (1) Chiếm đất; (2) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; (3) Chuyển mục đích sử dụng đất; (4) Cộng đồng dân cư; (5) Dồn điền, đổi thửa; (6) Đất chưa giao, chưa cho thuê; (7) Đất có mặt nước ven biển; (8) Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất; (9) Gia hạn sử dụng đất; (10) Giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (11) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất; (12) Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; (13) Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; (14) Khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất; (15) Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; (16) Khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất; (17) Lấn đất; (18) Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (19) Nhà nước giao đất để quản lý; (20) Tài sản gắn liền với đất; (21) Tập trung đất nông nghiệp; (22) Thửa đất chuẩn; (23) Tích tụ đất nông nghiệp; (24 Tiền thuê đất; (25) Vùng giá trị; (26) Vùng phụ cận.

Việc bổ sung các thuật ngữ để làm rõ hơn nội hàm của các quan hệ đất đai được pháp luật điều chỉnh hoặc hoặc luật hoá từ văn bản dưới Luật hoặc để giải thích cho các nội dung mới được quy định trong Luật Đất đai.

3. Một số góp ý để tiếp tục hoàn thiện

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi tiến bộ về cấu trúc, bố cục và kỹ thuật trình bày. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy còn một số điểm bất hợp lý sau đây cần xem xét khắc phục:

Thứ nhất, tại Chương I những quy định chung vẫn còn những quy định mang tính kỹ thuật. Ví dụ: Quy định về phân loại đất, căn cứ để xác định loại đất. Đây là những nội dung mang tính chuyên môn, nghiệp vụ nên chuyển về quy định thống nhất tại Chương chế độ sử dụng các loại đất.

Thứ hai, tại Chương II nhà làm luật đã cố gắng cân bằng quyền và trách nhiệm của Nhà nước với đất đai và quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất đai. Theo đó đã lược bớt các điều luật cụ thể quy định về quyền của Nhà nước đối với đất đai như cách quy định của Luật Đất đai năm 2013 (theo chúng tôi đánh giá là có tính lý luận toàn diện hơn). Do đó, để hoàn thiện hơn thì nên quy định theo hướng chi tiết hơn nữa cả quyền và trách nhiệm của Nhà nước và công dân đối với đất đai. Đặc biệt đối với quyền và trách nhiệm của công dân đối với đất đai nên tiếp cận theo hướng công dân có các quyền sau:

Một là, công dân có quyền tiếp cận đất đai;

Hai là, công dân có quyền sử dụng đất và sở hữu quyền lợi trên đất khi trở thành người sử dụng đất hoặc có các giao dịch dân sự với người sử dụng đất;

Ba là, công dân có quyền tiếp cận thông tin đối với việc sử dụng đất;

Bốn là, công dân có quyền quyền giám sát của công dân đối với đất đai;

Năm là, công dân có trách nhiệm đối với đất đai gồm: (1) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai;  (2) Tham gia góp ý, giám sát, phản biện xã hội trong việc hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai; (3) Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất; (4) Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.

Ngoài ra, do Nhà làm luật đã đưa nội dung Điều 5 về “Sở hữu đất đai” của Luật Đất đai năm 2013 vào Chương II của dự thảo Luật. Do đó, có thể xem xét đổi tên Chương này thành “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai” để đảm bảo tính logic hình thức và sự ngắn gọn trong đặt tên chương.

Thứ ba, theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì một trong những nhiệm vụ được yêu cầu phải thể chế đó là “Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai”

Tuy nhiên, khi đọc Dự thảo Luật, chúng tôi thấy thiếu hẳn nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đồng thời quy định chế độ báo cáo của các cơ quan có tham gia quản lý Nhà nước về đất đai. Trong bối cảnh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản phân cấp thẩm quyền hoàn toàn cho chính quyền địa phương và Trung ương chỉ còn lại quyền xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát việt tổ chức thi hành pháp luật đất đai. Nhà làm luật nên thiết kế một chương quy định về tổ chức thi hành Luật Đất đai để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Thứ tư, về chế độ sử dụng các loại đất, hiện nay quá trình phát triển kinh tế đất nước đã dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiều loại đất mới như đất công trình trên không, đất công trình ngầm, sử dụng đất đa mục đích, các loại đất mới có thể xuất hiện trong tương lai như đất cho công trình hàng không vũ trụ, đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân như kinh nghiệm của một số nước. Do đó, có thể xem xét quy định các chế độ sử dụng đất tại Chương XIII chia thành các nhóm lớn như:

- Quy định chung;

- Chế độ sử dụng đất nông nghiệp;

- Chế độ sử dụng đất phi nông nghiệp;

- Chế độ sử dụng đất lâm nghiệp;

- Chế độ sử dụng đất ở tại đô thị và nông thôn;

- Chế độ sử dụng đất công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và chuyên dùng;

- Chế độ sử dụng đất công cộng (các công trình giao thông, sân bay, cảng…);

- Chế độ sử dụng đất văn hoá, du lịch;

- Chế độ sử dụng đất có mặt nước;

- Chế độ sử dụng đất ngầm, không gian trên không;

- Chế độ sử dụng đất dự trữ (các loại đất bảo tồn, đất chưa sử dụng)

- Chế độ sử dụng đất các khu vực đặc biệt (đất đặc khu, đất khu vực quốc phòng an ninh, điện hạn nhân, khu vực phát triển công nghệ vũ trụ..).

Thứ năm, chương thủ tục hành chính hiện nay còn quá đơn giản người dân không thể nắm được các nguyên tắc chung và quy trình thủ tục cơ bản và thời gian của mỗi thủ tục. Do đó, nên quy định cụ thể vấn đề này trong Luật để người dân dễ theo dõi và giám sát.

Cấu trúc Luật Đất đai là cách thức tổ chức, phân chia, sắp xếp và bố trí các phần, các chương, mục theo một hệ thống nhất định để thể hiện nội dung của Luật Đất đai. Cấu trúc của một luật hay một bộ luật thể hiện sự mạch lạc, quan điểm nhất quán có tính chiến lược và ý đồ của cơ quan lập pháp khi điều chỉnh các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Đồng thời, qua đó cũng thấy được tính hợp lý, logic, hệ thống của các nội dung được quy định. Cấu trúc của Luật hoặc Bộ luật có mối quan hệ biện chứng giữa nội dung của các quan hệ được pháp luật điều chỉnh với từng chương, điều, khoản, điểm. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức.

Thứ sáu, cần thiết phải bổ sung chương giao dịch về quyền sử dụng đất.

Với vai trò là luật chuyên ngành trực tiếp điều chỉnh các quan hệ liên quan tới đất đai và quyền sử dụng đất nhưng Luật Đất đai đặt riêng một phần với tên gọi là các giao dịch về quyền sử dụng đất mà thay vào đó là các quy định liên quan đến quyền của người sử dụng đất được đặt rải rác trong các mục, chương của Luật…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kế thừa và phát triển trên cơ sở của Luật Đất đai qua các thời kỳ. Dự thảo lần này đã có nhiều đổi mới về cấu trúc theo hướng tiến bộ hơn. Đặc biệt là: (i) vị trí của Chương quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; (ii) bổ sung thêm một số quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm đã cho thấy, nhà làm luật đã coi trọng hơn địa vị của người sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (iii) có giải pháp hiệu quả để thực hiện chủ trương “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất” đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

Ngày 21/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận về Luật Đất đại sửa đổi - Ảnh: Qh.vn


[1] "structure, n.". Oxford English Dictionary (Online ed.).

[2] Bryan A. Garner (2009), Black’s Law Dictionary, Thomson Reuters business, page 1559.

[3] “Cấu trúc, Danh từ.”. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn, truy cập ngày 16/7/2023.

[4] Brian M. McCall. Scribd (2018), Cấu trúc của luật: Xây dựng lại luật theo truyền thống cổ điển”, Notre Dame, Indiana: Aans phẩm của Đại học Notre Dame/Brian M. McCall. Scribd (2018), "The Architecture of Law: Rebuilding Law in the Classical Tradition", Notre Dame, Indiana : University of  Notre Dame Press. (Like Chartres Cathedral, the law may be a structure decorated with Romanesque, Gothic, and Baroque ornamentation woven together).

[5] Hoàng Thế Liên (Chủ biên) và tập thể tác giả (2010), Sổ Tay Kỹ thuật soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Nhà xuất bản Tư pháp, Việt Nam, tr. 124

[6] Trường Đại học Luật Hà Nội (2021), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

[7] Quốc hội (2013), Luật Đất đai, Hà Nội, Điều 1.

[8] Quốc hội (2013), Luật Đất đai, Hà Nội, Điều 5.

TS. HOÀNG THỊ LOAN (Giảng viên Đại học Luật Hà Nội)- PHẠM THÚY HẰNG (Phó Chánh án TAND huyện Nam Sách, Hải Dương)