Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến về bảo vệ bản quyền báo chí càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết.

Ngày 13/9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” với sự tham dự của gần 200 đại biểu.

Bảo vệ bản quyền báo chí là bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối internet và trí tuệ nhân tạo. Đây là một xu thế tất yếu đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thực hiện việc chuyển đổi số một cách linh hoạt và phù hợp thực tế. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, chuối khối, dữ liệu lớn… trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động giúp tạo ra các sản phẩm báo chí số phù hợp với nhu cầu của độc giả, thậm chí là những “tin tức biết tự tìm đến công chúng".

 

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Trần Trọng Dũng cho rằng, một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Theo đó, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”. “Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay” - ông Trần Trọng Dũng khẳng định.

Vi phạm bản quyền báo chí là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như: Bóng đá, phim, game show, ca nhạc….

Các hành vi vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp, nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá.

 

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tham luận tại Hội thảo.
- Ảnh: Quang Khánh

Theo PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hoá truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; Tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin: Đề cao sáng tạo và sự công bằng.

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng lý giải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí là do Internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng.  Bên cạnh đó, trên môi trường số, việc xác định nguồn gốc (sản phẩm gốc, tác giả của sản phẩm gốc) là khó khăn hơn, bởi trên môi trường số, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần và không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc xác định tác giả và nguồn gốc của một bài viết trở nên khó khăn.

Ngoài ra, thách thức về pháp lý đa quốc gia liên quan đến vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền nội dung số. Internet là một không gian trực tuyến quốc tế, trong đó vấn đề bản quyền báo chí có thể phát sinh ở nhiều quốc gia khác nhau với quy định pháp lý khác nhau, làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến sự thay đổi các quy phạm pháp luật không theo kịp, dẫn đến còn chưa có hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa theo kịp với thực tiễn.

Quan trọng nhất là vẫn còn tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả một số nhà báo và những nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền và có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý. Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hoá và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng với mức cần thiết của nó.

Coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm

Với sự phổ biến của Internet và công nghệ phát triển nhanh chóng, một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau ít phút có thể được cải biến một chút và trở thành video clip; voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng Youtube, Tiktok, Facebook…

Trong khi đó, việc bảo vệ bản quyền dù đã có quy định nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ, chủ yếu chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống.

 

Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, cần cả ba chân kiềng: Một là, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; Hai là, hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; Ba là, sự hỗ trợ của công nghệ.

Đồng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới cho rằng, các cơ quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tăng cường các tuyến tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí.

Các cơ quan cũng cần tự mình phát hiện, lưu vết, áp dụng các biện pháp pháp lý nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình, bao gồm việc kiện các trang web hoặc cá nhân vi phạm bản quyền; có nhân viên hoặc đội ngũ chuyên gia để giúp đỡ trong việc quản lý bản quyền và giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng các tác phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản.

Với giải pháp về kĩ thuật, các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; ứng dụng Blockchain trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu. Các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng Blockchain...

Cùng với đó, các cơ quan báo chí có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm báo chí. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm của cơ quan báo chí giữ bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước. Các tác phẩm báo chí có thể bao gồm các bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các cơ quan báo chí. Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các cơ quan báo chí. Việc này giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và các cơ quan báo chí nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, đưa ra một số giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí; tăng mức xử phạt; thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí; bổ sung quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ; hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, nhất là báo điện tử tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và hướng dẫn cho các nhà báo và tổ chức báo chí về quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến bản quyền; hỗ trợ các nhà báo và cơ quan báo chí trong việc đăng ký bản quyền và giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

Quang cảnh hội thảo - dangcongsang.vn

HUY LÊ