Bị cáo không có kháng cáo thì phần bản án sơ thẩm, quyết định đối với họ vẫn có hiệu lực pháp luật

Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm vi kháng cáo và hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm trong vụ án đồng phạm có bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án” của tác giả Nông Ngọc Mỵ, đăng trên Tạp chí ngày 15/12/20222, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất khi có nhận định cho rằng cần hiểu quyền kháng cáo bản án của bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS là kháng cáo toàn bộ những nội dung của bản án liên quan đến bị cáo có kháng cáo. Những nội dung liên quan đến các bị cáo không kháng cáo được coi là phần bản án không bị kháng cáo, phần này sẽ có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành theo quy định tại Điều 343 BLTTHS với các phân tích mà tác giả đã nêu.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả và cũng là quan điểm thứ hai, với các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 343 BLTTHS thì: “Bản án, quyết định và những phần bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn, kháng cáo, kháng nghị”

Về người có quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS thì: “1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.

Về phạm vi xét xử phúc thẩm Điều 345 BLTTHS quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 364 BLTTHS thì: “1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. 2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm.”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khi bị cáo không cáo và Viện Kiểm sát không có kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án mà không phục thuộc vào bản án, quyết định sơ thẩm có bị cáo khác kháng cáo toàn bộ bản án.

Ở đây, về mặt lý luận và thực tiễn cho chúng ta thấy chỉ bị cáo có kháng cáo toàn bộ bản án thì bản án, quyết định đối với riêng bị cáo đó là chưa có hiệu lực pháp luật, còn đối với các bị cáo khác vẫn có hiệu lực pháp luật, nên việc Chánh án ra quyết định thi hành là đúng theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đúng như một phần nhận định của tác giả khi cho rằng: “xét về tính chất của vụ án đồng phạm thì đồng phạm là trường hợp các bị cáo cố ý cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đều nằm trong mối liên kết thống nhất với nhau, hậu quả thiệt hại của tội phạm là kết quả chung do hoạt động của tất cả những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Trong vụ án đồng phạm, các bị cáo cùng bị xét xử về một tội danh; do đó, kháng cáo của một bị cáo sẽ liên quan trực tiếp đến các bị cáo khác”. Tuy nhiên, ở đây là xét về tổng thể bản chất của vụ án đồng phạm khi đánh giá ở giải đoạn xét xử, còn việc ra quyết định thi hành án là tính có hiệu lực đương nhiên theo quy định của pháp luật. Việc ra hay không ra quyết định thi hành án về mặt bản chất là theo quy định của pháp luật về thời hạn đối với chủ thể không có kháng cáo hay kháng nghị và việc ra quyết định thi hành án cũng không ảnh hưởng đến cấp phúc thẩm có hay không xem xét đối với bị cáo không kháng cáo trong vụ án đó. Vì theo quy định thì cấp phúc thẩm vẫn có quyền xem xét phần đối với bị cáo không kháng cáo theo hướng có lợi cho bị cáo như giảm hình phạt, giảm mức bồi thường.

Thứ hai, về thủ tục thi hành án không có quy định rằng trong bản án, quyết định sơ thẩm trong vụ án có đồng phạm khi có bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án, có bị cáo không kháng cáo thì bản án quyết định đó được xem là chưa có hiệu lực pháp luật phải chờ có bản án phúc thẩm thì Chánh án sơ thẩm mới ra quyết định thi hành án. Vì khái niệm đồng phạm là một loại hình thức tội phạm, tội phạm có thể là tội phạm đơn lẻ, tội phạm có tổ chức (là một loại hình của đồng phạm), vì vậy, đối với bản án, quyết định thì việc có bị cáo kháng cáo, có bị cáo không kháng cáo thì hiệu lực đối với phần của bị cáo không kháng cáo, không có kháng nghị mặc nhiên có hiệu lực pháp luật và phải được ra quyết định thi hành án theo quy định.

Mặc dù, như trên tôi đã phân tích cấp phúc thẩm có thể sửa theo 02 hướng đối với bị cáo không có kháng cáo: 1) có thể giảm nhẹ hình phạt, giảm mức bồi thương (theo hướng có lợi cho bị cáo); 2) cũng có thể tăng hình phạt, tăng mức bồi thường khi có kháng nghị theo hướng tăng nặng của Viện kiểm sát. (Theo quy định tại Điều 357 BLTTHS). Và dù có sửa theo hướng tăng hình phạt hay giảm hình phạt đối với bị cáo không có kháng cáo thì cũng không ảnh hưởng đến việc bị cáo đó do không có kháng cáo nên đã được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định thi hành và đã chấp hành trên thực tế.

Từ những phân tích trên quan điểm của tôi cho rằng đối với bị cáo không có kháng cáo thì phần bản án sơ thẩm, quyết định đối với họ vẫn có hiệu lực pháp luật và Chánh án phải ra quyết định thi hành án theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết  “Phạm vi kháng cáo và hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm trong vụ án đồng phạm có bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án”; xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

TAND thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”- Ảnh: Bùi Thị Thu Hằng

 

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)