Biện pháp bảo đảm ký cược theo Bộ luật Dân sự
Ký cược là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ tương đối đặc biệt trong Bộ luật Dân sự 2015 do phạm vi áp dụng tương đối hẹp cũng như là cơ chế xử lý tài sản bảo đảm ký cược tương đối đơn giản. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích các khía cạnh pháp lý của biện pháp bảo đảm ký cược theo quy định của pháp luật hiện hành.
1.Ký cược và đặc điểm của ký cược
Trong hợp đồng thuê tài sản, bên cho thuê phải đối mặt với rủi ro đối với tài sản thuê cao hơn nếu đối tượng của hợp đồng thuê là động sản. Đặc biệt là rủi ro về việc không nhận lại được tài sản thuê sau khi kết thúc thời hạn thuê do tài sản thuê bị hư hỏng, mất mát hoặc hữu ý chiếm đoạt của bên thuê. Để bảo vệ lợi ích của bên cho thuê, pháp luật quy định các bên có thể lựa chọn xác lập biện pháp bảo đảm ký cược để bảo đảm nghĩa vụ trả lại tài sản thuê trong hợp đồng cho thuê động sản.
Biện pháp bảo đảm ký cược được quy định trong các Bộ luật Dân sự (BLDS) ban hành năm 1995, 2005 và hiện tại (2015) với những thay đổi không đáng kể. Theo đó, đây là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê[1]. Từ định nghĩa trên, dễ dàng thấy được trong quan hệ ký cược bao gồm bên ký cược (bên thuê tài sản) và bên nhận ký cược (bên cho thuê tài sản). Việc ký cược chỉ được xác lập nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả lại tài sản thuê trong hợp đồng thuê, trong đó, tài sản ký cược được dịch chuyển sang cho bên nhận ký cược. Tài sản này có thể là tiền, hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.
Như vậy, so với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác, biện pháp ký cược có những đặc điểm tương đối đặc biệt.
Thứ nhất, ký cược được được xác lập bên cạnh hợp đồng thuê tài sản là động sản Chính đặc điểm này khiến cho việc áp dụng biện pháp ký cược tương đối hẹp trên thực tế. Đối với các loại hợp đồng khác như hợp đồng thuê bất động sản, hay hợp đồng mua bán, trao đổi hay mượn tài sản, các bên không thể giao kết hợp đồng ký cược để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp các chủ thể có thỏa thuận biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng này, chỉ có thể là một biện pháp bảo đảm khác ngoài ký cược được xác lập. Ví dụ đối với hợp đồng thuê nhà, nếu các bên thỏa thuận bên thuê giao cho bên cho thuê một khoản tiền để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trong thời gian thuê, thì trường hợp này, việc giao tài sản nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể là đặt cọc hay cầm cố, chứ không phải ký cược. Như vậy, pháp luật đã vạch ra một ranh giới rõ ràng để các bên tránh nhầm lẫn giữa biện pháp ký cược và các biện pháp khác; theo đó, ký cược chỉ được xác lập để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuê tài sản là động sản.
Thứ hai, nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản
Trong quan hệ thuê tài sản, pháp luật ấn định nhiều nghĩa vụ cho bên thuê tài sản. Tuy nhiên, nghĩa vụ được bảo đảm bằng ký cược phải là nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản. Ngoài ra, pháp luật quy định trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê. Do đó, trong trường hợp này, ký cược cũng có thể bảo đảm cho việc trả tiền thuê tài sản bên cạnh nghĩa vụ trả lại tài sản thuê.
Các nghĩa vụ khác được thỏa thuận trong hợp đồng thuê cũng sẽ không được bảo đảm bằng ký cược. Để làm rõ điều này, chúng ta cùng xem một ví dụ sau đây: A thuê xe ô tô của B trong thời hạn là 1 năm. A ký cược số tiền là 300 triệu đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả lại tài sản thuê sau khi thời hạn thuê kết thúc. Tuy nhiên, 6 tháng sau thì A đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn. Việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo hai bên thỏa thuận thì A phải có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho B. Dù vậy, B vẫn không có quyền giữ lại tài sản ký cược một khi A trả lại tài sản thuê. Qua đó cho thấy, nghĩa vụ được bảo đảm bằng ký cược tương đối hẹp hơn so với các biện pháp bảo đảm có nét tương đồng khác như đặt cọc và cầm cố: các bên có thể xác lập đặt cọc và cầm cố tài sản để bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nào trong hợp đồng mà không bị giới hạn. Ngược lại, đối với ký cược nghĩa vụ được bảo đảm chỉ có thể là nghĩa vụ trả lại tài sản thuê. Trường hợp các bên muốn bảo đảm nghĩa vụ khác như để giao kết, hay bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản thuê hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải áp dụng biện pháp đặt cọc hoặc biện pháp bảo đảm khác[2].
Việc thu hẹp phạm vi nghĩa vụ và loại hợp đồng được bảo đảm bằng ký cược dường như khiến biện pháp này ít nhận được sự quan tâm trên thực tế.
Thứ ba, có sự chuyển giao tài sản ký cược
Giống với biện pháp bảo đảm đặt cọc và cầm cố tài sản, pháp luật quy định phải có sự chuyển giao tài sản ký cược từ bên thuê sang bên cho thuê để thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, việc chuyển giao tài sản ký cược của bên thuê sẽ được thực hiện đồng thời với việc chuyển giao động sản cho thuê theo hợp đồng thuê.
Việc chuyển giao tài sản ký cược cho bên nhận ký cược không phải nhằm thực hiện việc trả tiền thuê, mà là việc bảo đảm nghĩa vụ trả lại tài sản thuê và tiền thuê tài sản. Do vậy, bên nhận ký cược không được sử dụng, mua bán hay tặng cho tài sản ký cược, trừ trường hợp có sự thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, đối với trường hợp tài sản ký cược là vật cùng loại, thì việc không cho phép sử dụng, khai thác tài sản ký cược dường như chưa phù hợp. Đây là những tài sản có tính thanh khoản cao, dễ dàng trao đổi và sử dụng trong giao lưu dân sự. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đối với tài sản cùng loại thì bên nhận ký cược hoàn toàn có quyền sử dụng, khai thác nếu các bên không có thỏa thuận khác[3].
Việc chuyển giao tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể khiến cho biện pháp ký cược dễ gây nhầm lẫn với cầm cố và đặt cọc, nếu các bên không có sự thỏa thuận minh thị giữa các bên. Ví dụ: A cho B thuê xe ô tô trong 1 năm. Trong trường hợp này A dùng tài sản là 300 triệu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuê tài sản. Trong trường hợp này, số tiền A dùng để giao cho B có thể là tài sản ký cược, tài sản đặt cọc hoặc kể cả tài sản cầm cố.
Hợp đồng ký cược là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê tài sản là động sản; trong đó bên thuê tài sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. Hợp đồng ký cược có thể xác lập riêng biệt, hoặc chung với hợp đồng chính là hợp đồng thuê tài sản. Trong trường hợp được xác lập riêng biệt, hợp đồng ký cược phải quy định rõ hợp đồng thuê tài sản mà các bên đã giao kết, cũng như đối tượng tài sản mà bên thuê có nghĩa vụ phải trả lại sau thời hạn thuê. Pháp luật không quy định về thời hạn ký cược, do đó thời hạn ký cược sẽ do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, ký cược được xác lập để bảo đảm nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản, do đó, trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thời hạn ký cược sẽ bằng với thời hạn cho thuê tài sản.
Về hình thức, hiện nay, pháp luật không yêu cầu phải được lập thành bằng văn bản. Yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm cũng không đặt ra đối với ký cược. Giống với đặt cọc, trong trường hợp tài sản ký cược là động sản có đăng ký quyền sở hữu, thì thỏa thuận bằng văn bản là bằng chứng để bên cho thuê thực hiện việc đăng ký chuyển quyền sở tài sản ký cược từ bên thuê sang cho mình[4].
Thời điểm có hiệu lực, xét về cơ bản, hợp đồng ký cược là một hợp đồng thực tế. Trong quan hệ ký cược, điều quan trọng là tài sản ký cược phải được chuyển giao cho bên nhận ký cược nắm giữ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Kể từ thời điểm chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản ký cược sang cho bên nhận ký cược, thì nghĩa vụ chuyển giao tài sản ký cược mới được hoàn thành và sự bảo đảm bằng ký cược mới phát sinh trên thực tế. Chính đặc điểm này, mà nhiều ý kiến cho rằng, hiệu lực của hợp đồng ký cược sẽ phát sinh kể từ thời điểm bên thuê chuyển giao tài sản ký cược cho bên cho thuê trên thực tế[5].
Giống với biện pháp đặt cọc, hiệu lực đối kháng của biện pháp ký cược không được đề cập trong Bộ luật Dân sự 2015. Về nguyên tắc, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm (Điều 297 Bộ luật Dân sự 2015). Do vậy, để ký cược phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, phải có sự chuyển tài sản ký cược từ bên ký cược sang bên nhận ký cược. Hay nói cách khác, hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận ký cược nắm giữ tài sản ký cược. Thực tế, điều này cũng đã được làm rõ trong Nghị định 21, theo đó: ký cược sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm (ký cược).[6]
3. Xử lý tài sản ký cược
Khác với các biện pháp bảo đảm khác, việc xử lý tài sản ký cược được các nhà lập pháp ấn định tương đối đặc biệt như sau:
Trường hợp tài sản thuê được trả lại cho bên cho thuê
Việc trả lại tài sản thuê cho bên cho thuê có thể xảy ra trong trường hợp bên thuê thực hiện một cách tự nguyện hoặc sau khi bên cho thuê tiến hành thu hồi tài sản thuê. Trong trường hợp này, bên thuê tài sản sẽ được quyền nhận lại tài sản ký cược sau khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê. Cần lưu ý, việc trả lại tài sản thuê phải theo hiện trạng như khi nhận hoặc theo thỏa thuận của các bên, trừ các hao tổn, hư hại theo tự nhiên. Trường hợp nếu người thuê sử dụng làm tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận, bên nhận ký cược có quyền cấn trừ các chi phí hợp lý cho việc sửa chữa tài sản trước khi hoàn trả lại tiền ký cược cho bên thuê.
Trường hợp nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê
Dự phòng trường hợp bên thuê không hoàn trả lại tài sản thuê do ý chí muốn chiếm đoạt sau thời hạn thuê, luật đã ấn định cho bên nhận ký cược được quyền đòi lại tài sản cho thuê từ bên thuê. Trường hợp nếu bên thuê vẫn không trả lại tài sản thuê, bên nhận ký cược có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê. Việc kiện đòi lại tài sản thuê là một quyền của bên cho thuê được ấn định. Do vậy, nếu bên cho thuê từ bỏ tố quyền đòi lại tài sản này, thì bên cho thuê có quyền lấy tài sản ký cược, nếu người thuê không sử dụng quyền đòi lại tài sản ký cược[7].
Việc không trả lại tài sản thuê của bên thuê cũng có thể xảy ra do nguyên cớ là tài sản thuê đã không còn để trả lại. Trong trường hợp này, một cách đương nhiên, quyền sở hữu tài sản ký cược được chuyển giao từ bên ký cược sang bên nhận ký cược. Theo một tác giả, trường hợp này đã có sự chuyển hóa từ cho thuê sang mua bán hay trao đổi tài sản. Cụ thể là bên thuê đã mua tài sản đó (nếu tài sản ký cược là tiền) hoặc đã đổi tài sản đó bằng tài sản ký cược (nếu tài sản ký cược là một vật)[8]. Nếu tài sản ký cược là động sản có đăng ký quyền sở hữu, thì bên ký cược phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản ký cược cho bên nhận ký cược đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu.
Chính vì đặc điểm này, cũng có ý kiến cho rằng: ký cược bản chất là một mua bán không chính thức và có điều kiện. Theo đó, bên thuê tài sản trở thành người mua, bằng cách không trả lại tài sản và việc mua bán coi như được giao kết, thực hiện và hoàn thành cùng thời điểm[9].
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp giá trị tài sản ký cược có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với giá trị của tài sản thuê. Đối với trường hợp này, pháp luật dường như vẫn chưa có quy định cụ thể, dẫn đến trên thực tế có các quan điểm khác nhau trong việc xử lý giá trị tài sản chênh lệch của tài sản ký cược và tài sản thuê.
Quan điểm đầu tiên, bên ký cược sẽ không có vấn đề hoàn trả chênh lệch nếu tài sản thuê lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị của tài sản ký cược[10]. Trong trường hợp này, có thể hiểu bên nhận ký cược sẽ không phải hoàn trả lại giá trị tài sản chênh lệch giữa tài sản ký cược và tài sản thuê. Vì vậy, các bên trong quan hệ cho thuê tài sản phải chấp nhận rủi ro thiệt hại; ngoài ra, nhiều trường hợp còn tạo ra sự tính toán, hoặc bội tín của các bên trong trường hợp có sự thay đổi giá trị của tài sản ký cược hoặc tài sản thuê. Ví dụ do tài sản thuê tăng giá, bên thuê không có ý định trả lại hoặc hữu ý muốn bán tài sản thuê để tìm kiếm lợi ích. Cách tiếp cận này, theo một ý kiến, đây là cách đơn giản hóa thủ tục xử lý hậu quả của một thiệt hại trong một giao dịch đặc thù[11].
Quan điểm hai cho rằng, việc xử lý tài sản ký cược nên áp dụng như việc cầm cố, thế chấp tài sản. Cụ thể, khoản 3 Điều 305 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Quy định này cũng áp dụng cho trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, nên có thể áp dụng được cho cả đặt cọc và ký cược[12].
Tương tự, trường hợp nếu giá trị tài sản ký cược thấp hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm. Bên cho thuê có quyền tiếp tục yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với phần tài sản cho thuê sau khi trừ đi giá trị tài sản ký cược[13].
Một cách tổng thể, cách tiếp cận thứ hai dường như có phần hợp lý và nên được áp dụng. Bởi lẽ, tương tự như việc xử lý tài sản cầm cố hay thế chấp tài sản, việc xác lập biện pháp bảo đảm bằng ký cược cũng nên được hiểu là một biện pháp mang tính chất dự phòng, khắc phục nghĩa vụ còn nợ của bên có nghĩa vụ chứ không phải một hoạt động kinh doanh tài sản, hay nhằm mục đích sinh lợi.
Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Tp HCM xét xử sơ thẩm vụ án dân sự - Ảnh: Khổng Sơn Tùng
[1] Điều 329 BLDS 2015.
[2] Trương Thanh Đức (2018), “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng” (Quy định, thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật Dân sự hiện hành), NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tr. 236.
[3] Tưởng Duy Lượng (2019), “Một số vấn đề về biện pháp bảo đảm bằng đặt cọc, ký cược, ký quỹ, tín chấp trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Kiểm Sát, (01), tr.17.
[4] Hoàng Thế Liên và các tác giả khác (2013), Bình luận Bộ luật Dân sự 2005, NXB Chính trị quốc gia, tr.156.
[5] Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp, Lê Nguyễn Gia Thiện (2015), Giáo trình Luật Dân sự (Tập 2), NXB Đại Học Quốc Gia TP. HCM, tr. 137.
[6] Điều 23, khoản 4 điểm a Nghị định 21.
[7] Nguyễn Ngọc Điện (2000), Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, NXB Trẻ, tr. 283.
[8] Phạm Văn Tuyết và các tác giả khác (2017), Hướng dẫn môn học Luật Dân sự - Tập 2, NXB Tư Pháp, tr. 186.
[9] Nguyễn Ngọc Điện (2000), tlđd, tr. 8.
[10] Nguyễn Ngọc Điện (2000), tlđd, tr. 285; Nguyễn Minh Tuấn và các tác giả khác (2016), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, NXB Tư Pháp, tr.503.
[11] Nguyễn Ngọc Điện (2000), tlđd, tr.9.
[12] Đỗ Văn Đại (2017), tlđd, tr.475.
[13] Cách tiếp cận này cũng thường được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Ví dụ trong một vụ tranh chấp, Hội đồng xét xử cũng đã áp dụng cách tính nêu trên để xác định phần giá trị nghĩa vụ mà bên thuê tiếp tục phải thực hiện cho bên cho thuê:
“sau khi trừ số tiền đã trả, số tiền ký cược bảo đảm, tiền miễn giảm VAT, giảm giá trị còn lại, bị đơn còn nợ nguyên đơn 1.985.564.762 đồng tiền thuê gốc (2.830.144.762 đồng tiền thuê gốc - 844.580.000 đồng tiền ký cược bảo đảm) và 360.211.052 đồng tiền lãi thuê trong hạn tính từ ngày bắt đầu thuê cho đến khi hết thời hạn thuê và 221.074.688 đồng tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền thuê gốc được tính từ ngày 12/5/2021 đến 28/4/2022.
Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán số tiền thuê gốc còn nợ là 1.985.564.762 đồng, tiền lãi thuê trong hạn tính từ ngày bắt đầu thuê cho đến khi hết thời hạn thuê là 360.211.052 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 221.074.688 đồng; tổng cộng 2.566.850.052 đồng là có căn cứ”. Xem Bản án số 01/2022/KDTM-ST ngày 28/04/2022 Về tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận