Các đối tượng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cướp tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”

 Nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Các đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Lê Đình Nghĩa, trên bài đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 20/10, tác giả đồng ý với một phần quan điểm của tác giả và xin bổ sung thêm một số ý kiến.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất: “Võ Văn K, Nguyễn Thị T phạm tội “Cướp tài sản” và “Cưỡng đoạt tài sản”; Võ Văn M phạm tội “Cướp tài sản”, bởi vì:

Thứ nhất về hành vi “Cướp tài sản” của K, T và M: Vì cho rằng nhóm H chơi bài gian lận, cho bên T có hành vi gọi báo cho K nhằm mục đích đòi lại số tiền đã mất. Khi đến thì K có cầm dao, vừa đi vừa chửi bới, và dọa giết nếu như nhóm H không trả lại tiền. Bên cạnh hành vi cầm dao và lời nói là chửi bới, dọa giết, K còn có hành vi đạp S xuống đất và đá chân vào mặt S khi yêu cầu trả lại tiền cho T.

Vì quá sợ hãi hành vi của K cho nên S đã đưa bóp cho M, M lấy trong bóp của S số tiền 12.000.000 đồng. Từ hành vi đánh S, thì H và những người bị yêu cầu đưa tiền  thấy sợ hãi, hiểu là sẽ bị  dùng vũ lực giống như S nếu như không đưa tiền cho T, nên H, L, N đã đưa tiền cho T khi T yêu cầu.

Một hành vi nữa của T khi kiểm tra túi của N thấy còn tiền và yêu cầu N đưa, N có năn nỉ nhưng K quát “Lấy hết tiền của nó”. N nắm chặt  tiền trên tay nhưng T vẫn cố gắng giật lấy bằng được. Như vậy, hành vi của của K, T và M là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, khiến người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được. Do đó, hành vi của K, T và M đã phạm vào tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Đây là vụ án đồng phạm, tuy không có sự bàn bạc từ trước nhưng các đối tượng đã cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Tổng số tiền các đối tượng cướp được là 36.500.000 đồng.

Thứ hai về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của K, T: Sau khi chiếm được số tiền 36.500.000 đồng, K và T còn có hành vi yêu cầu S phải đem cho K số tiền 200.000.000 đồng, nhưng vì S nói không có tiền nên K yêu cầu S mang đến số tiền 100.000.000 đồng thì K mới cho S và nhóm của H về. S đồng ý và xin K về nhà để mượn tiền, K yêu cầu S để lại vàng, xe mô tô cùng với sự bảo lĩnh của Q thì K đồng ý. Như vậy, hành vi của K là uy hiếp tinh thần của S, nếu như S không mang tiền đến thì K sẽ không cho S và nhóm của H về.

Hành vi của K và T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” với số tiền là 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS (Đối với số vàng và xe ô tô thì tình huống không nói đến. Do đó, tác giả không phân tích thêm về việc đã trả hay chưa số vàng và xe tô tô).

Thứ ba, về hành vi “Giữ người trái pháp luật”, sau khi thực hiện một chuỗi các hành vi phạm tội, để đạt được mục đích chiếm số tiền 100.000.000 đồng thì nhóm của K đã giữ người cụ thể là nhóm của H trái pháp luật, để chờ S mang tiền đến thì mới thả ra. Hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật”, số lượng các đối tượng giữ là hơn hai người. Hành vi đã phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 157 BLHS.

Ngoài ra, sau khi phân tích các hành vi phạm tội diễn ra sau khi có sự việc các nhóm chơi bài tây ăn tiền, với số tiền T mượn để tiếp tục chơi là 20.000.000 đồng. Thì cần làm rõ hành vi của nhóm T và nhóm H về hành vi “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Cụ thể, là khi T hết tiền thì S đã có mặt ở đó cho T mượn tiền để tiếp tục chơi. Dù S không tham gia đánh bạc nhưng có thể thấy việc chơi đánh bạc của hai nhóm này mang tích chuyên nghiệp và có tổ chức.

*Thư ký TAND tp Pleiku, tỉnh Gia Lai

 Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, Tây Ninh xét xử 50 bị cáo về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” - Ảnh: Gia Huy

TRẦN THỊ NGỌC HÀ*