Cầm cố tài sản – Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự
Nghiên cứu quy định về cầm cố tài sản – một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tác giả thấy rằng bên cạnh những mặt đã đạt được nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao lưu dân sự thì vẫn còn những vấn đề hạn chế, bất cập mà trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh hơn cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
1. Quy định pháp luật về cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản được hiểu: “Là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận, theo đó bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cùng các giấy tờ có liên quan cho bên nhận cầm cố giữ hoặc giao cho người thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố hoặc người thứ ba có quyền chiếm hữu tài sản cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm hoàn thành hoặc có quyền xử lý tài sản theo thoả thuận hoặc theo luật định khi bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Thứ nhất, hiệu lực của cầm cố tài sản
Điều 310 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “1.Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác; 2.Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tách thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm với thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Trên quan điểm này, Điều 310 BLDS năm 2015 đã quy định tách biệt về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cầm cố được thực hiện theo các nguyên tắc và quy định chung về thời điểm có hiệu lực với người thứ ba. Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cầm cố được thực hiện theo các nguyên tắc và quy định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự theo Điều 400 và Điều 401 BLDS năm 2015. Còn thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố thì tuỳ thuộc vào từng loại tài sản cầm cố, việc xác định thời điểm nói trên được thực hiện theo nguyên tắc[1]:
(i) Nếu tài sản cẩm cố là bất động sản thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
(ii) Nếu tài sản cầm cố không phải là bất động sản thì việc cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Thứ hai, nghĩa vụ và quyền của bên cầm cố
(ii) Đối với nghĩa vụ của bên cầm cố, Điều 311 BLDS năm 2015 quy định rằng: “1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thoả thuận; 2. Báo cho bên nhận cầm cố về quyền lợi của người thứ ba đối với tài sản cầm cố nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm có quyền huỷ hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố; 3. Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”. Có nghĩa rằng, sau khi các bên thoả thuận xác lập biện pháp cầm cố, thì thoả thuận đó có hiệu lực pháp luật, bên cầm cố phải chuyển giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố giữ. Thông thường, tài sản cầm cố là vật đặc định, nên bên cầm cố phải giao đúng vật đó. Nếu tài sản cầm cố gồm nhiều vật thì phải giao đầy đủ và đúng các vật đã thoả thuận khi xác lập giao dịch về cầm cố.
Trường hợp người thứ ba có quyền đối với tài sản cầm cố như người nhận thế chấp, người bán trả chậm… thì bên cầm cố phải báo cho bên nhận cầm cố biết về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố để bên nhận cầm cố quyết định có xác lập giao dịch cầm cố hay không. Nếu không thông báo thì bên nhận cầm cố quyền huỷ bỏ giao dịch cầm cố và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có. Ngược lại, bên nhận cầm cố không huỷ bỏ giao dịch mà tiếp tục thực hiện giao dịch cầm cố thì phải chịu sự bất lợi khi có tranh chấp về tài sản cầm cố. Đối với những tài sản cần phải áp dụng biện pháp bảo quản riêng thì phải cần chi phí bảo quản, cho nên bên cầm cố phải thanh toán chi phí cần thiết đó cho bên nhận cầm cố.
(ii) Đối với quyền của bên cầm cố, Điều 312 BLDS năm 2015 quy định rằng: “1. Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 của Bộ luật này nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; 2. Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; 3. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố; 4. Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật”. Quy định này gián tiếp được hiểu rằng, trường hợp các bên có thoả thuận thì bên nhận cầm cố được thuê, cho mượn tài sản cầm cố mà người thuê, người mượn vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản và có nguy cơ hư hỏng, giảm giá trị hoặc mất mát thì bên cầm có có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố phải đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu hồi tài sản để tránh thiệt hại xảy ra. Nếu bên nhận cầm cố không chấm dứt hợp đồng mà tài sản bị thiệt hại thì bên nhận cầm cố phải bồi thường.
Thứ ba, nghĩa vụ và quyền của bên nhận cầm cố
(i) Đối với nghĩa vụ của bên nhận cầm cố, Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rằng: “1.Bảo quản, gìn giữ tài sản cầm cố; nếu làm mất mát, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố; 2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; 3. Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác; 4. Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác”. Quy định trên có thể luận giải rằng, bên cầm cố giữ tài sản cầm cố cho nên có nghĩa vụ phải giữ gìn, bảo quản tài sản như của chính mình. Mỗi loại tài sản có phương thức bảo quản, cất giữ riêng, thậm chí pháp luật quy định về biện pháp quản lý tài sản, cho nên bên nhận cầm cố phải tuân thủ theo các phương thức quản lý, bảo quản tài sản như thoả thuận hoặc theo quy định.
Bên nhận cầm cố không được định đoạt tài sản cầm cố như bán, tặng cho, đổi hoặc cầm cố cho người thứ ba. Trường hợp người nhận cầm cố bán, đổi, cầm cố cho người thứ ba mà tài sản bị bán để thanh toán nghĩa vụ thì người nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại. Người cầm cố có quyền đòi lại tài sản do người thứ ba chiếm hữu theo Điều 166 BLDS. Đồng thời, bên nhận cầm cố không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Mặc dù tài sản cầm cố được chuyển giao cho bên nhận cầm cố nắm giữ nhưng tài sản cầm cố vẫn thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố, do đó, chỉ có bên cầm cố mới có quyền định đoạt tài sản cầm cố. Mục đích của việc nắm giữ tài sản của bên nhận cầm cố là để bảo đảm bên có nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố sẽ thực hiện nghĩa vụ đối với mình, do đó, bên nhận cầm cố không được khai thác và hưởng lợi từ việc khai thác tài sản cầm cố nếu không có sự đồng ý của bên cầm cố.
Trong thời hạn cầm cố, bên nhận cầm cố không được sử dụng tài sản, không chuyển giao tài sản cho người khác giữ hoặc sử dụng trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên cầm cố. Nếu vi phạm nghĩa vụ giữ tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên cầm cố. khi nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt do bên cầm cố thực hiện xong hoặc chấm dứt theo các căn cứ khác thì bên nhận cầm cố phải trả lại tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đã nhận, nếu làm hư hỏng giảm giá trị hoặc mất mát tài sản thì phải bồi thường.
(ii) Đối với quyền của bên nhận cầm cố, Điều 314 BLDS năm 2015 quy định rằng: “1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó; 2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật; 3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố nếu có thoả thuận; 4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản của bên cầm cố”. Quy định trên có thể luận giải rằng, tài sản cầm cố do bên nhận cầm cố giữ, tuy nhiên có thể tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái phép như trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc bên nhận cầm cố cho mượn, cho thuê, những trường hợp này thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người chiếm hữu bất hợp pháp phải giao lại tài sản cầm cố cho mình để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của bên nhận cầm cố là giữ gìn bảo quản tốt tài sản cầm cố. Trường hợp bên nhận cầm cố vi phạm nghĩa vụ hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố sẽ xử lý tài sản cầm cố để thanh toán nghĩa vụ. Nếu giá trị tài sản cầm cố nhỏ hơn nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố quyền yêu cầu bên cầm cố dùng tài sản khác để thanh toán nghĩa vụ. Ngược lại, nếu giá trị tài sản cầm cố lớn hơn giá trị nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố phải trả lại phần giá trị vượt quá đó cho bên cầm cố.
Các bên trong giao dịch dân sự cầm cố có quyền thoả thuận bên cầm cố cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố thì bên nhận cầm cố được phép cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố và phải tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu tài sản bị hư hỏng, mất mát. Nếu bên nhận cầm cố cho thuê, thì tiền cho thuê phải trả lại cho bên cầm cố hoặc được khấu trừ vào giá trị nghĩa vụ. Đối với những tài sản cầm phải bỏ chi phí để bảo quản thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu bên cầm cố thanh toán chi phí bảo quản đó, trường hợp tài sản cầm cố bị xử lý thì chi phí bảo quản được thanh toán từ xử lý tài sản.
Thứ tư, chấm dứt cầm cố tài sản
Theo Điều 315 BLDS năm 2015, cầm cố tài sản chấm dứt trong trường hợp: “1.Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; 2. Việc cầm cố tài sản được huỷ bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; 3. Tài sản cầm cố đã được xử lý; 4. Theo thoả thuận của các bên”. Ở đây ta có thể luận giải rằng, cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ đang tồn tại, nếu nghĩa vụ này được thực hiện xong thì cầm cố không có giá trị nữa cho nên cũng chấm dứt. Trong thời hạn cầm cố, các bên có thể huỷ bỏ cầm cố theo những căn cứ đã thoả thuận trong hợp đồng cầm cố như bên nhận cầm cố gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cầm cố hoặc theo các căn cứ khác. Trường hợp biện pháp cầm cố được thay thế bằng biện pháp khác như thế chấp hoặc bảo lãnh thì cầm cố chấm dứt. Trường hợp bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố thanh toán nghĩa vụ và cầm cố chấm dứt.
Các bên có thể thoả thuận chấm dứt việc cầm cố mặc dù nghĩa vụ được bảo đảm vẫn tồn tại. Trường hợp này phụ thuộc vào bên nhận cầm cố quyết định, khi chấm dứt cầm cố thì nghĩa vụ đang thực hiện không có bảo đảm, cho nên bên có quyền trong nghĩa vụ này có thể chịu rủi ro.
Thứ năm, trả lại tài sản cầm cố
Theo Điều 316 BLDS năm 2015 “Khi việc cầm cố là tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 315 của Bộ luật này hoặc theo thoả thuận của các bên thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Trường hợp bên cầm cố thực hiện xong đầy đủ nghĩa vụ, hoặc chấm dứt thì nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt, bên nhận cầm cố phải hoàn trả tài sản cầm cố trong tình trạng nắm giữa ban đầu. Ngoài ra, cầm cố có thể chấm dứt theo các căn cứ như huỷ cầm cố, thoả thuận chấm dứt cầm cố, thay đổi biện pháp bảo đảm khác… Khi chấm dứt cầm cố theo những căn cứ này thì bên nhận cầm cố phải hoàn trả tài sản cầm cố. Ngoài ra, bên nhận cầm cố phải hoàn trả giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản cầm cố nếu có.
2. Về tài sản cầm cố
Thứ nhất, tài sản cầm cố là tiền mặt (ngoại tệ và Việt Nam đồng)
Theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015, tiền là một loại tài sản. Tiền bao gồm hai loại: ngoại tệ và Việt Nam đồng, đối tượng được nhắc tới ở đây là tiền mặt (tiền giấy, tiền xu) đang được lưu hành chứ không phải là tiền gửi ngân hàng hay các hoản tiền đầu tư. Về mặt lý thuyế, tiền là một loại tài sản có thể là đối tượng của biện pháp cầm cố. Nhưng trên thực tế gần như không có giao dịch cầm cố mà đối tượng cầm cố là tiền mặt, bởi tiền là thước đo giá trị, nếu dùng tiền để cầm cố thì mục đích kinh tế trong quan hệ các bên không đạt được. Sẽ không có chủ thể nào lại mang tiền mặt đi cầm cố cả.
Nhưng hiện nay vẫn đang tồn tại một số giao dịch mua bán những tờ tiền có seri số đẹp, những tờ tiền này luôn được giới sưu tập tiền định giá cao hơn giá trị mà chúng tượng trưng. Lúc này, tiền sẽ là vật đặc định, bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy chế quản lý seri tiền mới in (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2007/QĐ-NHNN), Seri: Gồm vật seri và dãy số tự nhiên với số lượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đã được in trên mỗi tờ tiền, mỗi tờ tiền có một seri riêng”. Mỗi tờ tiền đều có một số in riêng xác định mỗi tờ tiền với nhau. Nếu như một người có tờ tiền số seri đẹp, khi cầm cố, trong văn bản cầm cố có phải ghi rõ ràng đối tượng cầm cố là tờ tiền có mệnh giá xxx, xác định rõ về tờ tiền thì hoàn toàn có thể cầm cố được. Pháp luật tôn trọng sự thoả thuận của các bên nên mọi người được làm những điều không trái với điều cầm của pháp luật và không vi phạm đạo đức xã hội thì hoàn toàn có quyền giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, một vấn đề này sinh chính là việc định giá các tờ tiền này là một vấn đề khó. Pháp luật chưa có quy định chuẩn nào về việc định giá những loại tài sản đặc biệt này mà thực tiễn việc định giá chủ yếu dựa theo quan điểm của các chuyên gia hoặc giá thị trường, nhưng các chuyên gia cũng không có chứng chỉ liên quan mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Tác phẩm nghệ thuật hay các loại động sản khác giá theo thị trường thì đó là dựa vào thoả thuận của các bên. Nhưng tiền là loại tài sản đặc biệt, là thước đo gia trị của nền kinh tế. Nên việc định giá các loại tiền này cần một cơ quan định giá chuyên nghiệp tránh dẫn tới tình trạng lợi dụng, tuỳ tiện gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, tài sản cầm cố là quyền sử dụng đất
Hiện nay, pháp luật áp dụng tài sản cầm cố là quyền sử dụng đất đang có sự không thống nhất và có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Trên thực tiễn, giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất được diễn ra thời gian dài, đặc biệt là khu vực phía nam dưới dạng hợp đồng cồ đất. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp cầm cố quyền sử dụng đất vẫn có nhiều vướng mắc mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 và BLDS năm 2015. Từ đó dẫn tới việc khi giải quyết tranh chấp, các Toà án không công nhận hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Trong giao dịch cầm cố quyền sử dụng đất, các bên giao dịch trên tinh thần tự nguyện xuất phát từ tập quán cầm cố đất từ xưa tới nay.
Thiết nghĩ, việc cầm cố quyền sử dụng đất là chưa được điều chỉnh chứ không phải cấm, nhưng một số Toà án lại hướng theo tư duy rằng pháp luật cấm cầm cố quyền sử dụng đất. Tác giả kiến nghị, các nhà xây dựng luật nên nghiên cứu và bổ sung thêm biện pháp cầm cố vào các quyền của người có quyền sử dụng đất. Đồng thời cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung quy định về cầm cố tài sản là bất động sản quy định tại Điều 309 BLDS năm 2015 sao cho bao quát cả tài sản cầm cố là quyền sử dụng đất và phải xác định quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt để có quy định hợp lý về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cầm cố tài sản. Đồng thời, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 sẽ được sửa thành: “Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố, góp vốn quyền sử dụng đất”.
Thứ ba, rủi ro xác định quyền sở hữu tài sản cầm cố
Pháp luật dân sự hiện hành quy định tài sản cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố. Bên nhận cầm cố chỉ có thể xử lý được tài sản cầm cố nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm cố. Đối với loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì việc xác định chủ sở hữu sẽ dễ dàng hơn so với tài sản không đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề nảy sinh chính là tình trạng giấy tờ giả. Hiện nay có rất nhiều vụ việc giấy tờ giả mà ngay đến cả người có chuyên môn như Công chứng viên cũng khó có thể nhận biết được đó là giấy tờ giả và vẫn tiến hành công chứng các hợp đồng mua bán, cầm cố, thế chấp bình thường. Chỉ đến hi cơ quan điều tra triệt phá đường dây làm giấy tờ giả thì bên mua, bên nhận bảo đảm…mới nhận ra mình bị lừa. Lúc này, các nghĩa vụ có bảo đảm trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm khi tài sản bảo đảm bị tịch thu, trả lại chủ cũ, trở thành tang chứng.
Thứ tư, tài sản cầm cố là tài sản có thể bị chuộc lại bởi bên thứ ba
Theo Điều 454 BLDS năm 2015 về chuộc lại tài sản đã bán: “1. Bên bán có thể thoả thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thờ hạn chuộc lại. Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận; trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn chuộc lại hông quá 01 năm đối với động sản và không quá 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hơp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và thời điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác; 2.Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể hác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Quyền chuộc lại tài sản chính là một trong các quyền của người thứ ba được đề cập tới trong nghĩa vụ thông báo cho bên cầm cố tại khoản 2 Điều 311: Nghĩa vụ của bên cầm cố. Quyền này được hiểu là sau hi bán tài sản, bên bán có một thời hạn nhất định được chuộc lại tài sản nếu có thoả thuận. Trước đây, tại BLDS năm 2015 thì chỉ quy định là không được chuyển quyền sở hữu cho chủ thể khác mà thôi. Ta có thể thấy được tinh thần của BLDS năm 2015 có tính “mở”, “tôn trọng sự thoả thuận của các bên” hơn so với Bộ luật cũ. Việc cấm các quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố là quá gượng ép, không linh hoạt. Ở BLDS năm 2015, kết hợp Điều 311 và Điều 452 ta thấy có một sự hợp lý thống nhất của các nhà xây dựng luật.
Do đó, tác giả kiến nghị BLDS nên bổ sung yếu tố thời gian thông báo vào khoản 2 Điều 311 như sau: “Trước khi biện pháp cầm cố có hiệu lực, bên cầm cố phải báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền huỷ hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố”.
3. Về đăng ký biện pháp cầm cố
Đăng ký biện pháp bảo đảm cầm cố là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảm đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định. Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thực tế hiện nay, nhiều người có nhu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm cầm cố để cảm thấy “chắc chắn”, đồng thời cũng công khai tài sản cầm cố. Bởi mặc dù bên nhận cầm cố ban đầu chỉ có quyền chiếm hữu tài sản, nhưng nếu có thoả thuận thì họ vẫn có quyền mang cho thuê, khai thác lợi tức, thậm chí là cho bên cầm cố thuê lại tài sản.Và đề đề phòng các đối tượng thuê lại tài sản mang đi cầm cố, thế chấp tài sản, bên nhận cầm cố nếu cẩn thận có thể kiểm tra tài sản đó đã là tài sản bảo đảm của giao dịch bảo đảm nào chưa. Từ đó phần nào ngăn chặn việc mang tài sản đó sử dụng làm tài sản bảo đảm cho giao dịch khác. Nhưng như đã đề cập, pháp luật hiện nay chưa quy định về việc đăng ký cầm cố tài sản ngoại trừ cầm cố tàu bay, tàu biển nên dẫn tới việc lúng túng của các cơ quan chức năng liên quan tới thủ tục đăng ký biện pháp cầm cố.
Do đó, dựa vào nhu cầu thực tiễn của các chủ thể tham gia, nhu cầu xã hội về đăng ký giao dịch bảo đảm, pháp luật cần bổ sung quy định tại Điều 4 Nghị định số 102/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:
Điều 4. Các trường hợp pháp đăng ký
1. Các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:
a) Thế chấp, cầm cố quyền sử dụng đất;
b) Thế chấp, cầm cố tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
d) Thế chấp tàu biển, cầm cố tàu biển.
2. Các biện pháp bảo đảm sau đây được đăng ký khi có yêu cầu:
a) Thế chấp, cầm cố tài sản là động sản khác;
b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
c) Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
Những tài sản phải đăng ký giao dịch bảo đảm là những tài sản có tính chất đặc biệt, việc bắt buộc đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với loại tài sản đó. Tài sản là quyền sử dụng đất là loại tài sản “đặc thù” ở Việt Nam nói riêng và một số nước theo chủ nghĩa xã hội nói chung. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Việc bắt buộc đăng ký giao dịch bảo đảm giúp nhà nước quản lý được loại tài sản này, đồng thời hạn chế được những tranh chấp, cũng như giúp cho việc giải quyết tranh chấp được dễ dàng. Cùng với quyền sử dụng đất, pháp luật cũng cần lưu ý đến tài sản gắn liền với đất.
Tài sản là tàu bay, tàu biển khi sử dụng làm giao dịch bảo đảm phải đăng ký, bởi đây là loại tài sản có giá trị vô cùng lớn, chỉ những cá nhân, pháp nhân được phép mới có quyền sở hữu; đồng thời, loại tài sản này còn liên quan đến các vấn đề quốc tế. Khi hai loại tài sản này đi ra thường xuyên khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ là những đối tượng đặc biệt của Công pháp quốc tế như quốc tịch, quyền tài phán…Vì vậy cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với loại tài sản này khi có sự chuyển dịch, thay đổi các quyền đối với chúng.
4. Về xử lý tài sản cầm cố
Đối với quyền ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm, Điều 308 BLDS năm 2015 quy định khá cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm: “1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau: a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng; b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm; 2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền”. Theo như Điều luật này, mọi người đều có thể hiểu việc quyền ưu tiên thanh toán sẽ dành cho biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng trước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn có những vụ án khi có sự tham gia của thi hành án dân sự để xử lý tài sản bảo đảm đã vi phạm quyền ưu tiên này và ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm cho thi hành án, do đó luật cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
[1] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb Công an nhân dân, tr.506 – tr.507.
Bài liên quan
-
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai
-
Mang ô tô người khác đi cầm cố lấy tiền trả nợ, lĩnh 12 năm tù
-
Quyền của các bên trong biện pháp bảo đảm cầm cố tài sản theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia
-
Những bất cập trong thực hiện quyền thế chấp tài sản của các chủ thể hộ gia đình là quyền sử dụng đất và giải pháp khắc phục
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận