Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo hiếp dâm người dưới 18 tuổi
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Trần Hải Phong về việc áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS đối với Bùi Văn M phạm tội “Hiếp dâm” người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 141 BLHS như thế nào? tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.
Thứ nhất, Hội đồng xét xử khi quyết định hình phạt ngoài việc áp dụng các quy định trong các trường hợp cụ thể theo quy tại Điều 54 quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, thì phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt tại 1 Điều 50 BLHS: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, ngoài căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân người pham tội, Hội đồng xét xử phải cân nhắc, xem xét đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Ở tình huống tác giả Trần Hải Phong đưa ra Bùi Văn M thực hiện hành vi hiếp dâm cháu Nguyễn Thị T sinh ngày 20/10/2003 tại thời điểm M thực hiện hành vi phạm tội cháu T hơn 17 tuổi. Căn cứ theo Điều 141 BLHS M phạm tội thuộc trường hợp hiếp dâm người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 4 Điều 141 BLHS. Tuy nhiên, M đã thực hiện hành vi hiếp dâm 2 lần đối với cháu T nên thuộc trường hợp định khung tăng nặng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 141 “phạm tội từ 02 lần trở lên” với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.
Mỗi khung hình phạt trong từng điều luật là biểu hiện về mặt “chất” - tính chất nguy hiểm và “lượng” - mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trong tình huống này, lỗi hoàn toàn do M, M đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội 2 lần (mức độ nguy hiểm rất lớn), hành vi phạm tội của M đối với người dưới 18 tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt (tính chất nguy hiểm rất lớn) và hậu quả của hành vi phạm tội gây ra rất lớn không chỉ gây thiệt hại về mặt vất chất còn gây thiệt hại về mặt tinh thần không chỉ trước mắt mà còn lâu dài đối với bị hại. Hơn nữa nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội của M chỉ để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
Việc cho M được áp dụng khoản 1 Điều 54 theo quan điểm thứ hai và quan điểm thứ ba xử phạt M với khung hình phạt nhẹ hơn sẽ dẫn đến sự không tương thích giữa khung hình phạt với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không đảm bảo yêu tố răn đe, giáo dục riêng, phòng ngừa chung đối với các tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Việc M có 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình được quy định tại Điều 51 BLHS, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự nên xem xét khi lượng hình theo khung hình phạt tại khoản 2 Điều 141 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của tội phạm gây ra, đảm bảo răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa chung đối với tội phạm.
Thứ hai, tác giả không đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng, do Bùi Văn M có 3 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS, nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, nên HĐXX có căn cứ áp dụng khoản 1 Điều 54, tuyên bị cáo với khung hình phạt nhẹ hơn được quy định tại khoản 1 Điều 141.
Quan điểm này khi áp dụng Điều 54 chỉ xem xét hai căn cứ: Một là, đủ các điều kiện để áp dụng theo khoản 1 Điều 54 (có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ); hai là xem xét, đánh giá nhân thân người phạm tội như nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự chứ không xem đánh giá toàn diện tính chất, mức độ hành vi phạm tội của M là một căn cứ bắt buộc khi quyết định hình phạt tại Điều 50 BLHS là thiếu căn cứ. Mặt khác, pháp luật chưa có hướng dẫn về việc áp dụng khung hình phạt liên kề nhẹ hơn. Hiện đang có hai quan điểm, có quan điểm cho rằng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khung hình phạt liền kề về vị trí và liền kề về mức hình phạt đối khung hình phạt được áp dụng. Có quan điểm khác cho rằng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khung hình phạt liền kề về mức hình phạt được áp dụng. Đối với tình huống, người bị hại là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khung hình phạt cơ bản phải là khoản 4 Điều 141, chứ không phải khoản 1 Điều 141 (khoản 1 Điều 141 áp dụng đối với các trường hợp thông thường bị hại là người từ đủ 18 tuổi trở lên) khung hình phạt tăng nặng liền kề là khung hình phạt tại khoản 2 và khoản 3 Điều 141. Do đó việc áp dụng khung hình phạt liền kề theo quan điểm thứ ba là chính xác.
Thứ ba, tác giả không đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng quá trình xem xét toàn diện tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, nhân thân, tiền án tiền sự nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS đối với bị cáo M nên căn cứ vào khoản 4 Điều 141 BLHS để quyết định hình phạt đối với M. Mặc dù, quan điểm này có xem xét đầy đủ các căn cứ tại Điều 50 BLHS trước khi áp dụng khoản 1 Điều 54, nhưng lại đánh giá không đúng về mực độ của hành vi phạm tội, M đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội 02 lần là tình tiết tăng nặng định khung tăng nặng được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 141, đây là tình tiết nhấn mạnh đến mức độ nguy hiểm rất lớn của hành vi phạm tội. Việc áp dụng áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS áp dụng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khoản 4 Điều 141 đối với M sẽ dẫn đến sự không tương thích giữa khung hình phạt với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của M, không đảm bảo yêu tố răn đe, giáo dục riêng, phòng ngừa chung đối với các tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả về tình huống trên và việc áp dụng Điều 54 BLHS. Rất mong nhận được sự trao đổi, phản hồi từ các đồng nghiệp và bạn đọc.
Hình phạt nào cho bị cáo hiếp dâm?
Áp dụng khoản 4 Điều 141 đối với bị cáo Bùi Văn M
Hình phạt cho bị cáo phải nằm trong khoản 4 Điều 141 BLHS
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận