Cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội

Sau khi đọc được bài viết "Tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội?” của tác giả Vũ Văn Hoàng đăng ngày 18/4/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho hình phạt đạt hiệu quả. Đây là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong BLHS, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để vụ án hình sự; góp phần ngăn ngừa tội phạm, loại bỏ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội; khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.

Tại Điều 47 BLHS năm 2015, biện pháp ‘‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’’ quy định như sau:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách: nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không được tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.”

Từ đó, có thể nhận thấy việc xử lý với tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được giải quyết cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội: Đây là những công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, như: dao, súng, xe mô tô của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà người phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ mà có.

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc đổi do đổi chác, mua bán những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm như tham ô, trộm cắp, cướp, lừa đảo hoặc do sự mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành là những vật mà người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đối tượng của việc thực hiện tội phạm, những vật này thuộc loại nhà nước cấm lưu hành như: Văn hóa phẩm đồi trụy, vũ khí quân dụng, ma túy, chất cháy, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ.

Thứ hai, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác và xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, trường hợp vật, tiền thuộc tài sản của người khác nếu người này có lỗi trong việc để cho người khác sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp này tùy vào từng vụ án, với loại tiền hoặc vật cụ thể Tòa án quyết định biện pháp xử lý có tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hay không.

Trong trường hợp tác giả Vũ Văn Hoàng đưa ra, cũng như tác giả đã trích dẫn, thì TANDTC đã ban hành Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 trao đổi nghiệp vụ, theo hướng không tịch thu tài sản thu lợi bất chính do phạm tội mà có với lý do là: Theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền, tặng cho hay từ bỏ quyền sở hữu, do đó: “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”.

Theo tôi, mặc dù công văn của TANDTC không phải là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong thực tế có giá trị bắt buộc đối với hoạt động xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn này đã góp phần tích cực đối với việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử.

Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, cần phải cân nhắc bởi vì các lý do sau:

Một là, theo quy định của pháp luật, quyền tặng cho, hay từ bỏ quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu, nhưng nếu cho phép người phạm tội được hưởng lợi từ việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản thì việc làm này đã vô tình khuyến khích việc thực hiện tội phạm.

Hai là, việc không tịch thu tài sản do thu lợi bất chính mà có sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật hình sự, làm giảm hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm thứ 2 của tác giả là cần tịch thu số tiền 1 triệu đồng từ Nguyễn Văn A để sung vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tôi đề nghị TANDTC nghiên cứu và thống nhất liên ngành tư pháp trung ương vấn đề này để áp dụng hợp lý, thống nhất.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.

 

TAND thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk xét xử rút kinh nghiệm vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Nông Thị Mai

 

 

TRẦN KIM TUYẾN (VKS quân sự Khu vực 41)