Cần phải xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện

Sau khi nghiên cứu bài viết “Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?” của tác giả Trương Minh Tấn, đăng ngày 23/01/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì bắt buộc người khởi kiện phải nộp văn bản xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do cơ quan, tổ chức cấp hoặc xác nhận.

Bởi lẽ, căn cứ khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015 đối với nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.”

Như vậy, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì người khởi kiện có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền đối với người bị kiện và trong đơn khởi kiện phải có thông tin tên, nơi cư trú, làm việc việc của người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp không xác định rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện.

Do đó, khi ghi rõ và xác nhận về nơi cư trú của người bị kiện trong đơn khởi kiện giúp cho cơ quan Tòa án xác định rõ về mặt thẩm quyền giải quyết, phạm vi, nội dung mà người khởi kiện yêu cầu giải quyết và đảm bảo trong việc tống đạt các văn bản tố tụng đến người bị kiện trong thời gian thụ lý đúng với quy định của pháp luật. Đồng thời, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án thì: “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Vì vậy, khi người khởi kiện đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận địa chỉ nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung. Bên cạnh đó, việc xác nhận rõ địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhằm hạn chế việc che dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện.

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

TAND tỉnh Đồng Nai xét xử một vụ án dân sự - Ảnh: T.Tâm