Cần rà soát các thuật ngữ pháp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát một số quy định pháp luật, đặc biệt trong BLTTHS 2015, tác giả nhận thấy rằng có một số điểm bất cập trong việc sử dụng thuật ngữ pháp lý được thể hiện trong bài viết này.
Thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015
Theo đó tại khoản 1 Điều 248 có quy định như sau: “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.”. Qua quy định trên tác giả nhận thấy rằng chưa hợp lý và tạo ra cách hiểu không thống nhất khi áp dụng trên thực tiễn, cụ thể về việc quy định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật này”. Với quy định này sẽ tạo ra 02 cách hiểu:
Cách hiểu thứ nhất, “01 trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và 01 trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS”, nghĩa là phải có 01 trong các căn cứ quy định tại cả 2 Điều luật này vì BLTTHS có sử dụng thuật ngữ là từ “và”, theo cách hiểu có thuật ngữ từ “và” là giữa quy định này với một quy định kia tức là mang tính đảm bảo cả 02 điều này (Điều kiện tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015) và điều kiện kia (Điều kiện tại Điều 157 BLTTHS 2015). Vì vậy cách hiểu này đưa ra: Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi thỏa mãn 02 điều kiện sau:
Điều kiện thứ nhất: Phải có 01 trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015, với điều kiện này, tác giả đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS thì chỉ cần rơi vào 01 điều kiện duy nhất là “người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu”.
Như vậy, việc quy định “khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155” là không phù hợp, bởi lẽ quy định tại khoản 2 Điều 155 đã được dẫn chiếu về việc Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án thì chỉ có 01 căn cứ là “người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu”. Do đó, việc sử dụng cụm từ “khi có một trong các căn cứ” là chưa chuẩn xác về mặt pháp lý, trong trường hợp này đáng lẽ phải viết là “Khi có căn cứ người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu” thì mới chuẩn sát về mặt thuật ngữ pháp lý.
Mặt khác, khi đối chiếu giữa quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 với quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 thì tác giả nhận thấy có điểm mâu thuẫn trong việc quy định, cụ thể nếu như tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 đưa ra quy định là: “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155”. Tuy nhiên tại đoạn 2 khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 lại quy định “trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”
Do đó, việc quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS là “ra quyết định đình chỉ vụ án”, còn tại đoạn khoản 2 Điều 155 BLTTHS thì “vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Từ đó, nhận thấy rằng quy định pháp luật vẫn chưa rõ ràng, chưa khoa học và bất hợp lý. Chính điều này dẫn đến cách hiểu khác nhau khi vận dụng.
Điều kiện thứ hai: Phải có 01 trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 157 với điều kiện này thì chỉ cần rơi vào 01 trong 08 trường hợp sau đây: (i) Không có sự việc phạm tội; (ii) Hành vi không cấu thành tội phạm; (iii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; (iv) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; (v) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (vi) Tội phạm đã được đại xá; (vii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; (viii) Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Cách hiểu thứ hai, chỉ cần một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 hoặc một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS 2015. Nghĩa là không cần đủ cả 02 điều kiện tại một trong các căn cứ của khoản 2 Điều 155 và Điều 157 mà chỉ cần 01 trong 02 điều kiện rơi vào khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 hoặc Điều 157 BLTTHS 2015.
Tuy nhiên qua đối chiếu với quy định của BLTTHS thì đây là cách hiểu được vận dụng đúng tinh thần của BLTTHS nhưng lại vướng từ “và”, bên cạnh đó cũng tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 cũng có đề cập các quy định phía sau như “hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự.”. Từ đó, có thể đối chiếu với đoạn đầu khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 thì là “một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS”. Do vậy, từ “và” cần phải được thay đổi bằng “hoặc” để đảm bảo đúng tinh thần chung của BLTTHS và cách thức áp dụng.
Thứ hai, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 282 và Điều 359 BLTTHS 2015
Trước hết, tại điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS 2015 thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: “Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này”. Với quy định này, theo quan điểm của tác giả về góc độ thuật ngữ pháp lý là chưa phù hợp. Cụ thể:
Một là, đối với quy định “có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155” thì Thẩm phán sẽ ra quyết định đình chỉ. Như đã phân tích phía trên, thì tại đoạn 2 khoản 2 Điều 155 BLTTHS có quy định “trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”. Với quy định này giữa điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS thì quy định là đình chỉ nhưng khi dẫn chiếu đến đoạn 2 khoản 2 Điều 155 BLTTHS thì lại quy định vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Vì vậy, việc dẫn chiếu này có sự mâu thuẫn và sẽ dẫn đến cách hiểu cũng như quá trình áp dụng pháp luật vào giải quyết vụ án sẽ không chính xác.
Hai là, đối với quy định “hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157”. Theo quan điểm của tác giả việc sử dụng từ “điểm” đối với ký hiệu là số “3, 4, 5 và 6” cho Điều 157 là không phù hợp với kỹ thuật trong văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quy định: “Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm”. Bên cạnh đó, thông qua quá trình rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt là những văn bản luật do Quốc hội ban hành thì “điểm” trong một điều luật thông thường được ký hiệu bằng chữ cái “a, b, c,…”; còn “khoản” trong một điều luật thì được ký hiệu bằng chữ số “1, 2, 3,…”. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều 282 BLTTHS 2015 khi dẫn chiếu đến Điều 157 BLTTHS 2015 thì dùng từ “điểm” cho các chữ số “3, 4, 5, 6 và 7” mà không phải là “khoản”, nhưng qua khảo sát quy định tại Điều 359 BLTTHS 2015 thì khi nhà làm luật cũng dẫn chiếu lại quy định tại Điều 157 BLTTHS 2015 thì sử dụng từ “khoản”.
Cụ thể, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 359 BLTTHS 2015 có quy định sau: (i) Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; (ii) Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Như vậy, rõ ràng cũng quy định nêu trên nhưng tại điểm a khoản 1 Điều 282 và Điều 359 BLTTHS 2015 lại quy định khác, thiếu thống nhất về cách thức sử dụng thuật ngữ pháp lý, điều này đã vi phạm đến quy tắc kỹ thuật trong văn bản quy phạm pháp luật.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
Thông qua việc phân tích một số bất cập về cách hiểu và quy định thiếu thống nhất các thuật ngữ pháp lý trong Điều luật của BLTTHS 2015 tại mục 1 của bài viết này, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về sử dụng các thuật ngữ pháp lý trong BLTTHS 2015 như sau:
Thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015
Nhà làm luật cần tiến hành sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 một cách rõ ràng và dễ hiểu, cụ thể cần sửa đổi theo hướng sau:
“1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật này hoặc có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.”.
Thứ hai, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 282 và Điều 359 BLTTHS 2015
Nhà làm luật cần tiến hành sửa đổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 282 thống nhất với quy định chung về thuật ngữ tại Điều 359 BLTTHS 2015 như sau:
“1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật này hoặc các khoản 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 157 của Bộ luật này”.
Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Phạm Văn Triết
Bài liên quan
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
-
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của BLHS năm 2015 – Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2015 - Một số vấn đề lý luận, bất cập và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận