Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định tạm giam

Qua đọc bài trao đổi của tác giả Song Mai đăng ngày 14/6/2023 và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Đối với bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử, Điều 290 BLTTHS năm 2015 quy định: Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử (HĐXX) tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo; điểm b khoản 1 Điều 281 BLTTHS năm 2015 quy định: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình  chỉ vụ án.

Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của BLTTHS năm 2015. Với quy định này thì khi Toà án tạm đình chỉ vụ án do bị cáo trốn vẫn thuộc thẩm quyền trách nhiệm thụ lý giải quyết của Toà án, Toà án không trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. HĐXX chỉ có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Theo đó, nếu HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo thì việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của BLTTHS năm 2015.

Điều 231 BLTTHS năm 2015 không quy định việc truy nã bị cáo mặc dù đã có Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (TTLT số 13). Khoản 2 Điều 4; điểm f khoản 1 Điều 6; Điều 9; khoản 5 Điều 13 của TTLT số 13 đã hướng dẫn rất cụ thể trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã theo yêu cầu của Tòa án thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc đã bắt được người bị truy nã, Tòa án đã yêu cầu truy nã phải ra ngay Quyết định tạm giam và gửi cho cơ quan điều tra đã bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt, đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết về việc đã gửi Quyết định tạm giam.

Căn cứ vào Điều 44, Điều 109, Điều 113, Điều 119 của BLTTHS, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã phải ra Quyết định tạm giam đối với trường hợp nêu trên. Vì vụ án đang trong giai đoạn xét xử và Tòa án yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã đối với bị cáo bị xét xử vắng mặt. Đồng thời, việc tạm giam người bị truy nã bảo đảm thi hành án phù hợp với các quy định khác có liên quan của BLHS, Luật Thi hành án hình sự thì thời hạn này có thể áp dụng tương tự như khoản 3 Điều 329 của BLTTHS là 45 ngày, tính từ ngày bị bắt.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được các ý kiến trao để cùng nắm rõ, áp dụng đúng quy định của pháp luật.

 

Tòa án  huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

 

NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9)