Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Ngày 13/12/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 BLTTDS 2015, Điều 370 Luật TTHC 2015 và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả[1].
Về mặt quy định pháp luật, đối với chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015 còn chưa có sự thống nhất cũng như còn tồn đọng những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa vụ chịu chi phí này khi Tòa án là chủ thể thực hiện thủ tục (không xuất phát từ yêu cầu của đương sự) và vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua các quy định của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng[2].
1. Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là chi phí tố tụng khác
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tòa án, tiến độ giải quyết vụ án đôi khi có thể bị chậm lại, không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS 2015 do vấn đề nguyên đơn không đồng thuận với việc đóng tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và nghĩa vụ chịu chi phí này theo luật định. Bởi họ cho rằng trách nhiệm chịu chi phí này thuộc về bị đơn như những chi phí tố tụng khác khi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
Về góc độ quan điểm, có hai quan điểm đang được thừa nhận đối với nghĩa vụ chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng đây không phải là chi phí tố tụng khác vì theo quy định tại Mục 2, Chương IX, Phần thứ nhất của BLTTDS 2015 không liệt kê chi phí này là chi phí tố tụng khác. Và cho rằng tống đạt là nghĩa vụ của Tòa án như vậy Tòa án phải chịu chi phí này.
Quan điểm này dựa trên cơ sở là các quy định hiện hành của BLTTDS 2015, khi BLTTDS 2015 không liệt kê chi phí này là chi phí tố tụng khác. Tuy nhiên, Tòa án thực hiện chức năng xét xử, không vì lợi ích riêng biệt của bất kỳ chủ thể nào, ngay cả chính Tòa án và để có thể thực hiện chức năng này thì phải thông qua những thủ tục tố tụng khác, trong đó có thủ tục tống đạt nên nếu cho rằng Tòa án phải chịu chi phí này là điều chưa hợp lý.
Quan điểm thứ 2 cho rằng chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác, và xác định trong trường hợp Tòa án phải thực hiện tống đạt văn bản tố tụng theo phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng đương sự không có yêu cầu thực hiện thì Tòa án sẽ yêu cầu nguyên đơn phải tạm ứng chi phí dự tính để thực hiện tống đạt tất cả các văn bản tố tụng trong vụ án cụ thể từ khâu thụ lý cho đến khi phát hành bản án. Sau đó, chi phí phát sinh thực tế sẽ được xử lý trong quyết định, bản án giải quyết vụ án và nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt thuộc về chủ thể tạo ra hoàn cảnh là điều kiện phải thực hiện tống đạt bằng phương thức này, đây là hậu quả pháp lý mà các đương sự phải gánh chịu vì họ là người cố ý vắng mặt, không cung cấp địa chỉ mới theo nghĩa vụ luật định của mình[3].
Tác giả đồng thuận với quan điểm thứ hai khi cho rằng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là chi phí tố tụng khác và nghĩa vụ chịu chi phí này thuộc về đương sự. Bởi đây là chi phí phát sinh trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, Tòa án là chủ thể thực hiện chức năng xét xử, giải quyết tranh chấp để đưa ra phán quyết nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm quyền lợi, và tống đạt là phương thức, thủ tục để bảo đảm sự có mặt của các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án không vì lợi ích của mình nên không thể là chủ thể có trách nhiệm chịu chi phí thông báo này.
Về góc độ quy định của Luật, chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong giải quyết vụ việc dân sự là lệ phí - lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (chi phí tố tụng gồm án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác) theo quy định của BLTTDS 2015. Nhưng xét về bản chất, tác giả cho rằng đó là chi phí tố tụng khác (không phải là lệ phí).
Khoản 4 Điều 143 BLTTDS 2015 quy định: Lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án, lệ phí nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, lệ phí giải quyết việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà luật có quy định.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 178 BLTTDS 2015 thì việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.
Vì vậy, theo quy định của BLTTDS 2015 thì chi phí thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là khoản lệ phí mà đương sự có yêu cầu thực hiện thủ tục này phải chịu.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 109 Luật TTHC 2015 quy định việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác. Trường hợp này, đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, Luật TTHC 2015 quy định đây là khoản “chi phí” thay vì là “lệ phí” như BLTTDS 2015. Đồng thời, Điều 370 LTTHC 2015 quy định về các chi phí tố tụng khác thể hiện căn cứ vào quy định của Luật TTHC 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Như vậy, phần chi phí tố tụng khác của Luật TTHC 2015 cũng không thấy đề cập đến chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được đề cập tại Điều 109 LTTHC 2015.
Đối chiếu sang Luật Phí, lệ phí 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đều không đề cập đến loại “lệ phí” thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hay “chi phí” thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng này.
Lệ phí được định nghĩa là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015.
Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện qua dịch vụ của các cơ quan báo chí, truyền thông là đơn vị trực thuộc của tổ chức chính trị - xã hội (Báo Tuổi trẻ), thuộc Tòa án nhân dân tối cao (Cổng thông tin điện tử của Tòa án), Đài truyền hình, Đài phát thanh trung ương và không nằm trong phạm trù cơ quan nhà nước “phục vụ công việc quản lý nhà nước” (đó là các đơn vị sự nghiệp công lập) nên tác giả cho rằng khoản phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được xác định là “chi phí” và là chi phí tố tụng khác sẽ phù hợp hơn với nội hàm của khái niệm “lệ phí” theo định nghĩa của Luật Phí và Lệ phí 2015[4].
Tương tự như đối với những khoản tạm ứng chi phí tố tụng khác: người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án; người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí trưng cầu giám định…
Vì vậy, theo logic, người yêu cầu thực hiện thủ tục là chủ thể có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng dù họ chưa hẳn phải là chủ thể chịu các chi phí này khi có bản án, quyết định. Nên chủ thể BLTTDS 2015 đã quy định là chủ thể chịu “lệ phí” hay “chi phí” thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chính là chủ thể phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng cho “lệ phí”, “chi phí” này.
Về nghĩa vụ chịu khoản chi phí này, dù BLTTDS 2015 quy định đương sự có yêu cầu thực hiện thủ tục này phải chịu nhưng trong trường hợp tại thỏa thuận, hợp đồng, các đương sự có thỏa thuận bên vi phạm nghĩa vụ tại hợp đồng dẫn đến việc bên còn lại phải tiến hành thủ tục khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện là có căn cứ thì bên vi phạm nghĩa vụ có trách nhiệm phải chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện, trong đó có lệ phí thực hiện thủ tục thông báo thì tác giả cho rằng đây là thỏa thuận hợp pháp, có giá trị ràng buộc thực hiện nên cần được xem xét trong quá trình tuyên án về nghĩa vụ của bên bị kiện đối với phần chi phí theo đuổi vụ kiện, bao gồm khoản “lệ phí” thực hiện thủ tục thông báo này. Khoản 2 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đại đức xã hội trong quá trình tố tụng tại Tòa án được tôn trọng thì thỏa thuận tiền tố tụng cũng cần phải được ghi nhận và tôn trọng.
Ở khía cạnh khác, trong trường hợp việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì Tòa án phải thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, chưa có hướng dẫn về người có nghĩa vụ chịu chi phí trong trường hợp này. Do chi phí của việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là khá cao, đối với nhiều đương sự trong những tranh chấp giá trị không cao là gánh nặng đối với họ nên không phải lúc nào đương sự cũng hợp tác để làm đơn yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo và nếu Tòa án thực hiện thông báo, trong khi luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chủ thể chịu chi phí cho trường hợp Tòa án thực hiện thủ tục, nếu dùng tiền từ Ngân sách Nhà nước thì sẽ là gánh nặng cho Ngân sách và dễ dẫn đến tình trạng ỷ lại từ đương sự, đẩy gánh nặng về phía Tòa án và Ngân sách Nhà nước.
2. Quy định của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Để khắc phục tình trạng chưa thống nhất về cách định danh loại chi phí này giữa BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015 này, dự thảo Pháp lệnh chi phí tố tụng[5] tháng 9/2023 đã xác định thống nhất đó là khoản “chi phí tố tụng” (không phải là lệ phí[6]) như quy định của BLTTDS 2015 và nằm trong mục quy định về chi phí tố tụng khác của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Chi phí tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng được định nghĩa là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật do cơ quan có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Pháp lệnh này và của pháp luật có liên quan.
Vì vậy, chi phí cần thiết và hợp lý cho hoạt động thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, chi phí cho hoạt động tống đạt văn bản tố tụng đến đương sự trong vụ việc (hoạt động tố tụng) là chi phí tố tụng.
Thứ nhất, đối với nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí thông báo, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định như sau:
Điều 68. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
1. Đương sự yêu cầu Tòa án thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Trường hợp Tòa án thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì:
Phương án 1: Nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Phương án 2: Tòa án phải nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tác giả đồng thuận với phương án 1 của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, nguyên đơn là chủ thể phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định theo phương án 2, Tòa án phải nộp tiền tạm ứng chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì quy định tại khoản 1 Điều 68 của dự thảo Pháp lệnh sẽ khó được phát huy hay được áp dụng trên thực tiễn khi đương sự có khả năng sẽ đẩy trách nhiệm tống đạt theo phương thức này về phía Tòa án, cũng chính là đẩy nghĩa vụ tạm ứng chi phí này về phía Tòa thay vì đương sự đưa ra yêu cầu và phải thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng.
Với việc chiếm tỷ trọng lớn trong hầu hết các vụ việc tranh chấp như án tranh chấp tín dụng, khi giai đoạn cấp vốn vay ban đầu các tổ chức tài chính đã có sự sơ suất hoặc thiếu sự thẩm tra kỹ lưỡng dẫn đến thông tin người sử dụng vốn thực tế không phải là người đứng tên trên hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp dẫn đến phần lớn vụ việc/nhiều vụ việc phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và nếu đẩy nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí này về phía Tòa án thì đó chắc chắn không phải là một con số nhỏ. Đặc biệt là tranh chấp tín dụng từ phía bên cho vay là các công ty tài chính, với số lượng hợp đồng cực kỳ lớn, người vay đa phần là người lao động tự do, không có nơi cư trú ổn định (cho vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm là động sản như xe máy…)… thì việc phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với một số lượng rất lớn tranh chấp tín chấp là điều có thể tiên liệu được và đó sẽ là gánh nặng, là áp lực khi Tòa án thực hiện nghĩa vụ tạm ứng chi phí này[7].
Thêm vào đó, với sự ra đời của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đối với những tổ chức tài chính cho vay theo hình thức tín chấp sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp xúc, liên lạc với khách hàng để thu hồi khoản vay khi khó khăn hơn trong việc liên hệ, xác minh thông qua người thân của khách hàng bởi chưa được sự cho phép của chủ thể dữ liệu (chủ thể dữ liệu là người thân của những khách hàng này, và những trường hợp này đã rất khó khăn để liên hệ được với chính khách hàng được cấp tín dụng). Điều này dẫn đến hệ quả, các tổ chức tài chính này sẽ phải thu hồi khoản vay thông qua con đường tố tụng và với tình trạng khách hàng đã cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay, cố tình không cung cấp, cập nhật địa chỉ cư trú mới theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng thì để giải quyết những vụ việc này đúng theo quy định của BLTTDS 2015, khi có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện. Và mặc dù là nguyên đơn khởi kiện, nhưng để tối ưu hóa chi phí hoạt động, khi nguyên đơn so sánh với khả năng thu hồi lại được khoản vay tín chấp không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm là động sản bị khấu hao giá trị do quá trình sử dụng, khó khăn trong giai đoạn thi hành án đối với loại tài sản bảo đảm là động sản này với nguồn kinh phí khổng lồ phải chi trả cho nhiều tranh chấp thì nguyên đơn chưa hẳn đã sẵn sàng để đưa ra yêu cầu và đóng tạm ứng chi phí. Trong khi đó, khi đã thụ lý vụ án, áp lực phải tuân thủ, bảo đảm về thời hạn tố tụng có khả năng Tòa án sẽ phải là chủ thể thực hiện thủ tục khi đương sự không yêu cầu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, đối với nghĩa vụ chịu chi phí thông báo, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định như sau:
Điều 69. Nghĩa vụ chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
1. Đương sự yêu cầu Tòa án thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì có nghĩa vụ chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Trường hợp Tòa án thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì:
Phương án 1: Nguyên đơn phải chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Phương án 2: Tòa án thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có nghĩa vụ chịu chi phí. Chi phí này được lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của Tòa án nhân dân.
Tương tự như nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí, tác giả đồng thuận với phương án 1 của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, nguyên đơn chính là chủ thể phải chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng dù không có yêu cầu mà Tòa án thực hiện thông báo khi có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt. Bởi Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước giải quyết các tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, thực hiện chức năng xét xử nhằm bảo đảm công bằng xã hội cho nên về nguyên tắc, nghĩa vụ chịu các chi phí tố tụng nói chung, chi phí tống đạt dưới hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nói riêng phải thuộc về các đương sự, tránh việc đẩy trách nhiệm và áp lực về chi phí cho Tòa án, Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng, BLTTDS 2015 còn quy định về nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ của đương sự cho các đương sự khác trong vụ án. Cụ thể, khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 quy định khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTDS 2015 hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
Như vậy, trong trường hợp có căn cứ cho rằng bị đơn không thể nhận được các văn bản của Tòa án thông qua các hình thức tống đạt khác thì bị đơn cũng không thể nhận được đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ kèm theo trong trường hợp nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ này. Vì vậy, việc thực hiện thủ tục tống đạt của Tòa án dưới hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng còn là cơ chế, phương tiện để thay thế việc nguyên đơn thực hiện trách nhiệm sao gửi tài liệu, chứng cứ theo quy định của BLTTDS 2015 hoặc là phương thức gián tiếp qua thủ tục này để nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ. Vì nguyên do sâu xa này, nguyên đơn có nghĩa vụ chịu chi phí thực hiện thủ tục như phương án 1 của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng là quy định có căn cứ và hợp lý, thống nhất với quy định về nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ.
3. Đề xuất, khuyến nghị
Thứ nhất, về mặt lý luận, với sự liên kết với những quy định khác của BLTTDS 2015 về nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ của đương sự, phương án 1 của Điều 68, Điều 69 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định nguyên đơn là chủ thể có nghĩa vụ đóng tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi phí thông báo trong trường hợp Tòa án thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là có cơ sở.
Thứ hai, về mặt cơ sở thực tiễn, để đánh giá tác động của mỗi phương án tại dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tác giả cho rằng, để có thể có phương án phù hợp nhất, hài hòa lợi ích của nhiều chủ thể, trong đó bảo đảm tránh thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước và vẫn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự thì cần có sự đánh giá tổng thể đối với mỗi phương án.
Đối với quy định về nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí thông báo cũng như nghĩa vụ chịu chi phí này trong trường hợp Tòa án là chủ thể thực hiện thủ tục mà không xuất phát từ yêu cầu của đương sự thì để có phương án tối ưu nhất, tác giả cho rằng có thể cân nhắc thực hiện việc thống kê tổng thể số lượng vụ việc phát sinh thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm liên tiếp (đặc biệt là kể từ thời điểm Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực). Trong đó, thống kê số lượng phát sinh thủ tục có yêu cầu của đương sự và số lượng án tồn đọng, chậm tiến độ tố tụng theo thời hạn luật định do đương sự không thực hiện việc yêu cầu, không đồng ý đóng tạm ứng chi phí này. Đặc biệt, cần thống kê số lượng tranh chấp tín dụng (đặc biệt là tranh chấp cho vay tín chấp từ các ngân hàng và tổ chức tài chính) bởi bị đơn hầu hết đều không có nơi cư trú ổn định, không có địa chỉ rõ ràng và khả năng phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là rất cao trong khi không phải lúc nào nguyên đơn cũng sẵn sàng chi trả cho các khoản tạm ứng và chịu chi phí này bởi những lý do nhất định. Tác giả cho rằng, trên cơ sở thống kê này, ngành Tòa án sẽ có con số dự toán trước khoản kinh phí hằng năm ở Tòa án mỗi tỉnh về con số chi phí dự kiến có thể sẽ phát sinh đối với thủ tục này trong trường hợp phương án 2 của dự thảo được thông qua. Ngành Tòa án là cơ quan hoạt động không có nguồn thu và hoạt động dựa vào kinh phí từ Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, với khối lượng lớn hồ sơ tranh chấp phải giải quyết, nhu cầu đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất khác, kinh phí cho hoạt động tống đạt văn bản tố tụng nói chung (chi phí công tác phí…)… phục vụ cho hoạt động xét xử tranh chấp ngày càng tăng vẫn đang là vấn đề cấp thiết đối với ngành Tòa án. Vì vậy, khi so sánh nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động hằng năm này với con số được dự toán có khả năng phải dành cho chi phí thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi đương sự không yêu cầu thực hiện thủ tục thì tác giả cho rằng các nhà lập pháp sẽ có sự cân nhắc và có phương án lựa chọn tối ưu nhất.
Thứ ba, để nâng cao ý thức trách nhiệm, sự chủ động của đương sự đối với yêu cầu khởi kiện của mình, như tác giả đã phân tích ở phần trên, để tránh tình trạng đương sự ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm về phía Tòa án nhằm mục đích tiết kiệm chi phí tố tụng thì phương án nguyên đơn là chủ thể phải có trách nhiệm chịu chi phí này khi Tòa án thực hiện thủ tục như phương án 1 tại Điều 69 của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng là phương án hợp lý và phù hợp khi Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước giải quyết các tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, thực hiện chức năng xét xử nhằm bảo đảm công bằng xã hội cho nên nghĩa vụ chịu các chi phí tố tụng nói chung, chi phí tống đạt nói riêng phải thuộc về các đương sự (trong trường hợp cụ thể này là nguyên đơn - chủ thể với yêu cầu khởi kiện đã khởi động toàn bộ tiến trình tố tụng là chủ thể phải chịu chi phí).
Tóm lại, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng khi được thông qua sẽ giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình áp dụng BLTTDS 2015, Luật TTHC 2015 về các chi phí tố tụng, trong đó có vấn đề nghĩa vụ chịu chi phí cho việc thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, góp phần bảo đảm tiến độ tố tụng theo quy định của BLTTDS 2015, Luật TTHC 2015. Và việc lựa chọn phương án 1 hay phương án 2 tại Điều 69 của dự thảo Pháp lệnh cần có sự đánh giá tổng thể tác động khi áp dụng phương án và góc nhìn thận trọng từ những nhà lập pháp.
[1] Minh Khôi, Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng bổ sung một số đối tượng và trường hợp được miễn, giảm chi phí, https://tapchitoaan.vn/du-an-phap-lenh-chi-phi-to-tung-bo-sung-mot-so-doi-tuong-va-truong-hop-duoc-mien-giam-chi-phi9893.html, truy cập ngày 30/6/2024.
[2] TANDTC, Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo lần 2), https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND308779, truy cập 30/6/2024.
[3] Hà Thị Mỹ Xuân, Thực tiễn thực hiện phương thức tống đạt văn bản tố tụng Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, https://tapchitoaan.vn/thuc-tien-thuc-hien-phuong-thuc-tong-dat-van-ban-to-tung-thong-bao-tren-phuong-tien-thong-tin-dai-chung, truy cập 30/6/2024.
[4] Dương Thị Chiến, Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là lệ phí đương sự có yêu cầu thông báo chịu, https://tapchitoaan.vn/chi-phi-thong-bao-tren-phuong-tien-thong-tin-dai-chung-la-le-phi-duong-su-co-yeu-cau-thong-bao-chiu11317.html, truy cập ngày 05/7/2024.
[5] TANDTC, Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo lần 2, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND308779, truy cập 16/6/2024.
[6] Xem thêm khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng
[7] Xem thêm báo cáo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự ghi nhận việc thi hành án đối với các khoản tín chấp thể hiện như sau: Đối với những án tín dụng ngân hàng vay bằng tín chấp không có tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ, quá trình tổ chức thi hành án không đạt được hiệu quả cao, không thể xử lý xong việc thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, dẫn đến án tồn đọng kéo dài nhiều năm. Một số trường hợp mà tài sản thế chấp là động sản thì đa số không thể thu hồi được tài sản để xử lý, tuy nhiên hiện nay những chế tài có thể áp dụng để xử lý người phải thi hành án không chấp hành thông báo giao tài sản thế chấp để giải quyết rất ít và rất khó thực hiện, có những trường hợp tồn rất lâu vẫn chưa có hướng giải quyết (vì người phải thi hành án đã bỏ địa phương, đi đâu không nắm được), xem: Chi cục THADS thành phố Biên Hòa, Thực trạng khó khăn vướng mắc đối với cơ quan thi hành án đối với án tín dụng ngân hàng, https://thads.moj.gov.vn/dongnai/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=19, truy cập ngày 02/7/2024.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận