Chú trọng bảo vệ nguồn nhân lực - Tài sản giá trị nhất của mỗi quốc gia và doanh nghiệp

Tháng Công nhân năm 2022 gắn với triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động . Trọng tâm là chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn…

Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2022.

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện các chương trình, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời với bảo đảm cho mọi người được làm việc trong môi trường an toàn và không ngừng được cải thiện, quán triệt tinh thần sức khỏe của con người là trên hết và trước hết. Có như vậy, người lao động mới yên tâm làm việc tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và một trong những nội dung trọng tâm là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động, Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh khẳng định: Chú trọng bảo vệ nguồn nhân lực - Tài sản giá trị nhất của mỗi quốc gia và doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động đều cần quan tâm chung tay thực hiện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các cấp ủy Đảng cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo và chỉ đạo công tác đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần việc làm, phúc lợi và ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động, kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của người lao động.

Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức Công đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động để nâng cao trình độ kiến thức tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất; đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến người lao động.

Tổ chức tốt việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân và người lao động; tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp về ATVSLĐ, phúc lợi xã hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và thúc đẩy tốt hơn nữa quan phát triển quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị người sử dụng lao động cần quan tâm và đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, nhà ở và bảo đảm ATVSLĐ nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có tại nơi làm việc, ngăn chặn sự cố tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật bảo vệ sức khỏe người lao động và hình thành văn hóa an toàn của doanh nghiệp.

Với người lao động, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị người lao động cần tuân thủ chặt chẽ các quy định nội quy về ATVSLĐ tại nơi sản xuất; tham gia tích cực các phong trào đảm bảo ATVSLĐ, tuân thủ các quy trình nội quy an toàn khi lao động; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm việc với năng suất cao chất lượng tốt, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển các hoạt động phát triển về kinh tế xã hội.

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo tổ chức nâng cao hiệu quả của các hoạt động của tháng ATVSLĐ, Tháng Công nhân; làm tốt công tác tuyên truyền, phát hiện tôn vinh biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình hay cách làm tốt trong tổ chức thực hiện các nội dung liên quan để từ đó tạo ra sự lan tỏa trong toàn xã hội. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động TW cũng nhấn mạnh: Quyền được làm việc an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc là một trong các quyền cơ bản của người lao động đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Bộ trưởng cho biết, năm 2021, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tín hiệu tích cực là số người chết và bị thương do tai nạn lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đã giảm mạnh; đã có nhiều điển hình, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động; nhiều doanh nghiệp, hàng triệu lao động đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, không để xảy tai nạn lao động nặng hoặc chết người. Việc chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động trong đại dịch COVID -19 được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các cấp, các ngành đã ban hành hàng loạt các chính sách chưa có tiền lệ hỗ trợ đời sống, việc làm cho người lao động, góp phần phục hồi, khôi phục, ổn định thị trường lao động, phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu. Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; Không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

“Chúng ta lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây cũng chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chính thức phát động Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Ông  đề nghị các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống công đoàn, đoàn viên, người lao động và cả xã hội về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng Công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cùng với đó lựa chọn, triển khai có hiệu quả định hướng 10 hoạt động theo kế hoạch và 4 hoạt động trọng tâm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về tổ chức Tháng Công nhân gắn với triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Trọng tâm là chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách, thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động.

NGUYỄN MINH NGUYỆT