Được Tòa giao quyền nuôi con nhưng trường không cho rút học bạ

Bản án có hiệu lực pháp luật của TAND quận Ninh kiều giao cho bà Hồ Ngọc Thêm được trực tiếp nuôi dưỡng cháu B.A đến khi trưởng thành. Điều bất ngờ là khi bà Thêm rút học bạ của cháu B.A để chuyển về nơi cư trú, thì Hiệu trưởng và cả Trưởng phòng GD&ĐT không cho rút...

Năm 2018, bà Hồ Ngọc Thêm (trú khu vực 1, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) và ông Hứa H.D (trú tổ 3, khu vực 6, P.An Khánh) thuận tình ly hôn. Giữa 2 người có 2 con chung là cháu Hứa B.A (sinh năm 2015) và Hứa T.A (sinh năm 2017). Cháu B.A được Tòa án giao cho ông H.D, cháu T.A giao cho bà Thêm nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành.

Mặc dù vậy, sau khi có quyết định của Tòa án, ông H.D vẫn giao cháu BA cho bà Thêm trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. 

Đến năm học 2022-2023, ông H.D mới đưa cháu B.A về học tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nhưng chủ yếu giao cho người thân chăm sóc. Bên cạnh đó, cháu B.A có nguyện vọng muốn ở với mẹ nên bà Thêm khởi kiện và đã được TAND quận Ninh Kiều tuyên giao quyền nuôi dưỡng cháu B.A cho bà Thêm (theo bản án sơ thẩm số 220/2023/QĐST ngày 29/3/2023 về việc Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Bản án có nêu: "Từ khi ly hôn ông Hứa H.D không thực hiện thoả thuận nuôi dưỡng bé B.A mà để cho bà Thêm trực tiếp nuôi dưỡng, từ tháng 05/2018 đến tháng 02/2020 cháu B.A sống chung với bà Thêm tại khu vực 7, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng (theo công văn của Công an P.Hưng Phú) và từ năm 2022 cháu B.A sống với bà Thêm tại khu vực là P. An Khánh, Q.Ninh Kiều (công văn của Công an P. An Khánh). Từ đó cho thấy mặc dù các bên đã có thỏa thuận khi ly hôn cháu B.A sẽ do ông H.D trực tiếp nuôi dưỡng nhưng ông H.D đã không thực hiện đúng như thoả thuận.

Về điều kiện kinh tế, bà Thêm đang làm việc tại Công ty TNHH K.T với mức lương 17.000.000 đồng/tháng, có công việc, thu nhập ổn định có đủ điều kiện khả năng chăm lo nuôi cả hai cháu B.A và T.A. Đồng thời, cháu B.A sinh ngày 01/8/2015 đã trên 07 tuổi, tại Bản ghi ý kiến cháu B.A có nguyện vọng muốn được sống với mẹ do đó căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình cần căn cứ vào nguyện vọng của cháu B.A để xem xét thay đổi người nuôi con".

Dù bản án của TAND quận Ninh Kiều đã có hiệu lực (không có kháng nghị, kháng cáo)  nhưng bà Thêm lại vấp phải một trở ngại từ trường Tiểu học Thới  An Hội 1 và Phòng GD&ĐT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Phản ánh đến Tạp chí TAND, bà Thêm cho biết: "Từ khi bản án số 36/2023/HN-ST về việc Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn có hiệu lực, tôi đã đến liên hệ thầy Nguyễn Việt Quốc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thới An Hội 1 và ông Lê Công Trứ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cung cấp bản án của TAND quận Ninh Kiều chấp nhận giao cháu Hứa B.A, sinh ngày 01/8/2015 cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Thế nhưng cả ông Nguyễn Việt Quốc và ông Lê Công Trứ đều từ chối cho tôi rút học bạ để chuyển trường cho cháu với lý do "cả tôi và ông H.D đến rút mới được".

PV Tạp chí TAND liên hệ với ông Nguyễn Việt Quốc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thới An Hội 1 để tìm hiểu vụ việc, vị Hiệu trưởng này cho biết: "Do ông H.D đứng tên xin về trường và ông H.D có đơn yêu cầu không cho rút học bạ chuyển đi, thành ra tôi có mời bà già nó, hai người lợi đặng thỏa thuận với nhau, thống nhất với nhau chuyển hay không chuyển. Tôi có mời rồi mà bửa hổm cha nó có lợi mà mẹ nó hông có lợi. Rồi hỏng biết phản ảnh đâu tùm lum hết trơn".

Đối với việc thực hiện bản án của TAND quận Ninh Kiều, ông Quốc cho biết: "Cha mẹ nó li dị, Tòa án xử như thế nào thì ở đây không có chức năng. Theo tôi cái vụ này cũng hơi khó, đi cũng được, ở cũng được nhưng phải có sự thỏa thuận, thống nhất của cha mẹ. Nếu được vậy thì tôi cho rút, còn không (không thỏa thuận, thống nhất được - PV) thì không (không cho rút - PV). Phải hỏi Phòng Giáo dục coi sao chứ mơi mốt ông kia ổng vô ổng quậy tôi, vì con là con của ổng và ổng đứng tên mà".

Mặc dù người dân đã trực tiếp nộp bản án tới trường, và ông Quốc đã tiếp nhận, thế nhưng ông Quốc né tránh bằng cách: "Còn cái phán quyết của Tòa án tôi không có rành".

PV tiếp tục liên hệ với ông Lê Công Trứ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng qua điện thoại. Ông Trứ cũng trả lời theo kiểu là cả bà Thêm và ông H.D phải lên trường để thỏa thuận, thống nhất thì mới cho rút học bạ: "Không ngồi thì không được, không gặp trực tiếp không được (ý là ông H.D và bà Thêm phải ngồi lại với nhau), bản án thì bản án".

Như vậy, khi hôn nhân đã rạn nứt, thì liệu người dân có ngồi lại được với nhau để đi đến thống nhất trong việc nuôi dạy con cái như thế nào hay không? Và nếu cả vợ lẫn chồng đồng quan điểm, cùng thống nhất được thì có cần chờ tới một bản án của Tòa án hay không? Việc từ chối cho bà Thêm rút học bạ của ông Hiệu trưởng trường Tiểu học Thới An Hội 1 và ông Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kế Sách có phải đang cố tình phớt lờ Điều 106 Hiến pháp hay không?

Luật sư Đặng Khoa Nam - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, Quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bà Thêm có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan cấp trên để khiếu nại hành vi không chấp hành bản án của hai ông này hoặc khởi kiện hành chính.

PV Tạp chí Tòa án nhân dân đã liên hệ Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng và đang chờ phản hồi.

 

Cổng trường Tiểu học Thới  An Hội 1- Ảnh: PV

TRẦN TÚ - THẾ MỸ