Đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng – Thực tiễn áp dụng pháp luật và những nội dung cần hướng dẫn

Bài viết này tác giả tập trung phân tích những quy định pháp luật về giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm do nguyên đơn không tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác… và đưa ra những giải pháp mang tính hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Quy định pháp luật

Hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) đã quy định rõ căn cứ để Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án trong đó có trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015 thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, BLTTDS 2015 đã bổ sung căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án là nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLTTDS 2015, Tòa án ra quyết định định giá tài sản, thành lập Hội đồng định giá theo yêu cầu của một bên đương sự, và đương sự phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định Điều 156 BLTTDS 2015. Khi giải quyết án có liên quan đến quyền sử dụng đất thì Tòa án buộc phải định giá, thẩm định tài sản để có cơ sở giải quyết vụ án và chi phí này ai phải chịu sẽ được Tòa án quyết định theo Điều 165 BLTTDS 2015.

Để ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp chi phí định giá tài sản, điểm đ khoản 1 Điều 217 quy định rõ: Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Những quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án cần sử dụng đến biện pháp định giá tài sản.

Về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án: Sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không thể khởi kiện lại để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật tranh chấp.[1] Nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật tranh chấp không thay đổi có nghĩa là người khởi kiện, người bị kiện và tranh chấp giữa họ vẫn như trong vụ án mà Tòa án đã đình chỉ giải quyết trước đó. Trường hợp này vụ án sẽ bị lặp lại, do đó đương sự không thể khởi kiện lại. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đương sự có quyền khởi kiện lại sau khi đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi vụ án đó bị đình chỉ bởi lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt; hoặc vì lý do Tòa án thụ lý sai trong trường hợp người khởi kiện không đủ điều kiện khởi kiện hoặc trước đó Tòa án chưa chấp nhận được quyền khởi kiện lại khi đủ điều kiện.[2]

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác

Mặc dù hiện nay quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án và khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án nhưng thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Ví dụ, vụ án dân sự thụ lý: 134/2019/TLST- DS ngày 17/5/2019, về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị A, sinh năm 1964, với bị đơn bà Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1973 và ông Phạm Văn Ch, sinh năm 1971. Sau khi thụ lý vụ án Tòa án huyện CT - KG tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật, thông báo cho nguyên đơn bà Phạm Thị A đóng tiền tạm ứng chi phí đo đạc, định giá. Tuy nhiên, bà A không thực hiện, nên Tòa án đã tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015. Trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án cho rằng nguyên đơn bà Phạm Thị A được quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định pháp luật. Tác giả cho rằng, Tòa giải quyết hậu quả pháp lý cho rằng đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự là không đúng tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015.

 Ví dụ thứ 2: Ông Đ kiện tranh chấp đất tại TAND tỉnh AG. Ngày 04/3/2020, Tòa thông báo nộp 5 triệu đồng tạm ứng chi phí tố tụng trong thời hạn năm ngày làm việc để đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá đối với phần đất tranh chấp. Cùng ngày này, Tòa có giấy giới thiệu ông Đ đến Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh CĐ để liên hệ ký hợp đồng đo đạc xác định diện tích thực tế ba khu đất tranh chấp. Ngày 05/6/2020, TAND tỉnh An Giang đình chỉ giải quyết vụ án. Trong quyết định đình chỉ, Tòa nêu rằng hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án, hoàn trả tiền nộp tạm ứng án phí cho đương sự.[3]

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm: Tòa án cho rằng khi đình chỉ giải quyết vụ án nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án.

Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm: Hội đồng phúc thẩm phân tích: Tòa sơ thẩm căn cứ các điều 217, 218, 219 và khoản 2 Điều 273 BLTTDS 2015 đình chỉ giải quyết vụ án, đồng thời nêu hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là “đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án”. Nhận định này của Tòa sơ thẩm là trái quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015.

Theo đó, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật... Từ đó, cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của tác giả: Tác giả đồng ý quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp này về mặt quy định pháp luật trường hợp này đương sự không có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự. Tuy nhiên, việc quy định không cho đương sự khởi kiện lại vụ án trong trường hợp này liệu có phù hợp trong thực tiễn xét xử? Thiết nghĩ trong thời gian tới cần có sự sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Căn cứ nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng là một điểm mới quan trọng, cụ thể hóa một trong những nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng quy định tại BLTTDS 2015: Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật[4].

Tránh trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền khởi kiện, quyền yêu cầu và để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đương sự với yêu cầu của mình thì pháp luật tố tụng dân sự đã quy định khi đưa ra yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn phải nộp một khoản tạm ứng án phí dân sự, biên lai nộp tiền tạm ứng án phí là căn cứ để Tòa án tiến hành thụ lý một vụ án dân sự. Còn trong quá trình giải quyết vụ án, trong những trường hợp luật định cụ thể tại Điều 164 BLTTDS 2015 thì người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản nên nếu người yêu cầu định giá tài sản không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá thì vụ án không thể giải quyết được nên quy định này là phù hợp. Quy định đã được bổ sung nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn xét xử tại Tòa án do đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá, giám định mặc dù chính đương sự có yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định để có cơ sở cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Về lý luận, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 đã không đề cập tới cách xử lý trong trường hợp vụ án có nhiều yêu cầu tố tụng, trong đó nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá và chi phí định giá khác nhưng bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng của mình. Xét về thực chất thì việc thành lập hội đồng định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định chỉ là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. Do vậy, về phương diện lý luận nếu Tòa án vẫn có thể giải quyết vụ án từ các nguồn chứng cứ, tài liệu khác thì không nhất thiết phải đình chỉ vụ án.[5] Trong trường hợp đương sự không yêu cầu đo đạc định giá thì chứng cứ đến đâu Tòa án giải quyết đến đó.

Ví dụ thứ ba: Hiện nay trong thực tiễn xét xử có xảy ra trường hợp nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản nhưng khi có kết luận giám định, kết quả định giá tài sản thì chi phí giám định, chi phí định giá tài sản cao hơn số tiền tạm ứng và Tòa án có yêu cầu nguyên đơn nộp bổ sung nhưng nguyên đơn không thực hiện thì Tòa án có căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án không?

Theo giải đáp của TANDTC tại Văn bản số 01/2018/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 thì hướng dẫn như sau:

“Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án chỉ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp “Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này".

Như vậy, trường hợp nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản nhưng khi có kết luận giám định, kết quả định giá tài sản thì chi phí giám định, chi phí định giá tài sản cao hơn số tiền tạm ứng và Tòa án có yêu cầu nguyên đơn nộp bổ sung nhưng nguyên đơn không thực hiện thì không phải là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 162 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; cụ thể là:

Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản không phải nộp chi phí định giá tài sản thì người phải chịu chi phí giám định, chi phí định giá tài sản theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản.

Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định phải chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí giám định, chi phí định giá tài sản thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí giám định, chi phí định giá tài sản thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.

Tòa án căn cứ vào Điều 161 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định người phải chịu chi phí giám định, chi phí định giá tài sản.”

Mặc dù vấn đề này có giải đáp nhưng tác giả cho rằng chưa đầy đủ và không phù hợp trong trường hợp ai sẽ là chủ thể để để bỏ tiền ra lấy kết quả giám định hoặc định giá trong trường hợp đương sự không chấp nhận bỏ ra, cơ quan định giá hay giám định sẽ không giao kết quả mà cho Tòa án “nợ tiền”, không trả tiền sẽ không được kết quả.

Hiện nay trong thực tiễn sẽ có một số quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, Tòa án sẽ đề nghị cho “nợ” nếu khi xét xử sẽ xem xét đương sự trả tiền giám định, định gía trong bản án. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không ổn do cơ quan chuyên môn giám định, định giá không phải là đương sự trong vụ án và cũng không thể buộc tham gia tố tụng, hoặc yêu cầu thi hành án.

Quan điểm thứ hai, Tòa án sẽ tự mình bỏ tiền ra để lấy kết quả và sau này xử lý số tiền tạm ứng còn thiếu vào trong bản án. Vấn đề này cũng chưa ổn thỏa do Tòa án không thể chi và quyết toán nhằm mục đích đóng tạm ứng tiền cho đương sự.

Quan điểm tác giả, theo tác giả giải pháp trước mắt, có thể yêu cầu đương sự nộp thêm tạm ứng chi phí, nếu đương sự không chấp hành có thể căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án.

3. Một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật

Từ những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn như sau:

3.1.Trước khi tiến hành thủ tục thông báo tạm ứng chi phí đo đạc định giá trong việc giải quyết vụ án Tòa án phải liên hệ với đơn vị đo đạc, thẩm định giá để dự tính số tiền cụ thể mà đương sự phải đóng để thông báo cho đương sự biết. Tòa án phải ra thông báo tạm ứng chi phí tố tụng cho đương sự biết về số tiền mà đương sự phải đóng dựa trên cơ sở cơ quan chuyên môn về đo đạc, định giá đưa ra (để tránh trường hợp thu tùy tiện), trong đó ấn định rõ thời gian hợp lý cho đương sự biết và thực hiện (trừ trường hợp bất khả kháng hay trở ngại khách quan). Ngoài ra, Tòa án phải giải thích rõ hậu quả pháp lý trong thông báo gửi tới đương sự là nếu như hết thời gian được thông báo người có nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác không thực hiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 và hậu quả của việc đình chỉ là nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015.

3.2.Khi có điều kiện sửa đổi bổ sung BLTTDS 2015 tác giả kiến nghị bổ sung quy định trong trường hợp Tòa án đỉnh chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì đương sự có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015.

3.3. Tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành hướng dẫn trong trường hợp nguyên đơn không có yêu cầu đo đạc, định giá tài sản, khi nguyên đơn không tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác nếu Tòa án vẫn có thể giải quyết vụ án từ các nguồn chứng cứ, tài liệu khác thì chứng cứ đến đâu Tòa án giải quyết đến đó, không nhất thiết phải đình chỉ giải quyết vụ án một cách máy móc.

 

TAND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự phúc thẩm về yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ảnh: Duy Linh

[1]  Khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015

[2] Khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015

[3]Phương Loan, “Tòa cấp cao “chỉnh” cấp dưới vì nhận định sai hậu quả đình chỉ”, Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.

https://plo.vn/phap-luat/toa-cap-cao-chinh-cap-duoi-vi-nhan-dinh-sai-hau-qua-dinh-chi-983056.html, truy cập ngày 12/6/2021.

[4] Khoản 2 Điều 70 BLTTDS 2015.

[5] Trần Anh Tuấn (2017), Bình luận Khoa học bộ luật tố tụng dân sự 2015, NXB Tư pháp, trang 532.

LÂM NGỌC TRÂM (Tòa Dân sự- Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau)