Gia Lai: Tài nguyên đất vẫn đang “âm thầm chảy máu” tại huyện Phú Thiện
Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều địa phương đã rốt ráo vào cuộc xử lý vấn nạn này. Thế nhưng, “đất tặc” tại xã Ia Piar, huyện Phú Thiện lại đang có “đất sống”.
“Đất tặc” ngang nhiên hoạt động
Theo phản ánh của người dân trong thời gian qua, tình trạng khai thác đất màu trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai. Để xác minh thực trạng trên, ngày 27/01/2024 nhóm phóng viên đã có mặt tại hiện trường và phát hiện tại khu vực sông Ayun thuộc thôn Plei Rbai, xã Ia Piar đang diễn ra hoạt động máy múc xúc đất lên xe ô tô và liên tục vận chuyển ra bên ngoài.
Quá trình khai thác đất diễn ra công khai tại thôn Plei Rbai, xã Ia Piar.
Sau khi nhóm phóng viên tiếp cận và ghi hình trực tiếp tại hiện trường, máy múc và xe chở đất vẫn tiếp tục hoạt động. Trong quá trình ghi hình, nhóm phóng viên được tài xế lái máy múc yêu cầu “Không được ghi hình tôi vào. Nếu các ông chụp hình tôi vào là không xong với tôi đâu.” Tiếp đó, một người đàn ông lái một chiếc xe máy cày kéo theo thùng vào chở đất liên tục hô lớn và chỉ về phía phóng viên giọng đầy thách thức: “Thích quay không? Cho mượn thêm điện thoại đây mà quay này, chúng mày hành dân vừa thôi chứ?” Sau khi ghi hình, phóng viên liên lạc với Chủ tịch UBND xã Ia Piar và Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường Huyện Phú Thiện nhưng không nhận được phản hồi.
Sáng 29/01/2024, nhóm phóng viên trực tiếp vào đăng kí lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện. Tại đây, phóng viên gặp ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch UBND huyện thì được ông Ngô trả lời rằng: “đã nhận được thông tin phản ánh của phóng viên về vụ việc khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn xã Ia Piar, sáng nay huyện đã triệu tập cuộc họp chỉ đạo giao UBND xã Ia Piar và Phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện trực tiếp xuống kiểm tra lập biên bản tại hiện trường”, Ông Ngô đề nghị nhóm phóng viên trực tiếp làm việc với Phòng Tài Nguyên huyện và UBND xã để lấy thông tin.
Theo biên bản làm việc ngày 29/01/2024 của UBND xã Ia Piar xác định đối tượng múc đất trái phép tại khu vực sông Ayun thuộc thôn Plei Rbai, xã Ia Piar là ông Phạm Văn Quỳnh sinh năm 1982 có nơi ở hiện tại là Tổ dân phố 9, Thị Trấn Phú Thiện, Gia Lai. Theo biên bản làm việc của UBND xã Ia Piar với ông Quỳnh thì có hai vị trí được xác định khai thác trái phép gần nhau với khối lượng lên tới trên 10.000m3, vị trí 1 có diện tích khai thác khoảng 5.500m2, vị trí khai thác thứ 2 có diện tích khai thác khoảng 1.600m2, cả 2 vị trí khai thác có chiều sâu trung bình 1,5m, địa điểm khai thác đất trái phép mà ông Quỳnh đang múc là bãi bồi, đất thuộc UBND xã quản lý. Ông Quỳnh xác nhận đã múc đất và hạ độ cao tại khu vực trên và chở cho các hộ dân trong làng làm vườn và trồng hoa màu.Theo khối lượng và diện tích khai thác trực tiếp tại đây thì dễ dàng nhận thấy điểm khai thác đất này đã diễn ra từ lâu, trong suốt thời gian dài với khối lượng lên tới hàng chục nghìn khối đất nhưng không thấy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng biết đến hay xử lí.
Biên bản làm việc xử lý vi phạm đối với khu đất bị khai thác trái phép tại thôn Plei Rbai.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Mặc dù phóng viên làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Minh Đăng - Trưởng Phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Phú Thiện và ông Siu Thiên - Chủ Tịch UBND xã Ia Piar, thì Sau quá trình làm việc hai vị lãnh đạo này đã thống nhất sáng thứ ba ngày 30/01/2024 sẽ cung cấp cho phóng viên biên bản làm việc xử lí vụ việc và các hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc khai thác đất trái phép, nhưng chờ mãi đến chiều cùng ngày chỉ có UBND xã cung cấp biên bản làm việc xác minh đối tượng múc đất hạ thấp độ cao tại khu vực khai thác đất trái phép. Khi phóng viên liên lạc lại với ông Đăng Trưởng Phòng Tài Nguyên Môi Trường đế xin biên bản làm việc của phòng thì nhận được phản hồi: “Chúng tôi đã giao cho UBND xã lập biên bản xử lí, còn nếu khối lượng khai thác đất trái phép lớn, vượt tầm xử lý của cấp xã thì xã phải có văn bản đề nghị lên huyện thì chúng tôi mới làm việc, sau khi chúng tôi làm việc nếu vượt thẩm quyền của huyện chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị tỉnh xử lý”.
Tại sao Lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện đã trực tiếp chỉ đạo và giao phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, xử lý, lập biên bản hiện trường nhưng phòng Tài Nguyên không thực hiện, liệu có uẩn khúc gì ở đây?
Phải chăng đang có sự né tránh đùn đẩy trách nhiệm của một số cá nhân nào đứng ra bao che phía sau sự việc này?
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoán sản trái phép, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính tại địa phương, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai vẫn đang “nóng” tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Trao đổi về các vấn đề trên với Luật sư Trần Đức Hùng, Công ty Luật ĐHP (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Theo Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 định nghĩa về khoáng sản thì: Khoáng sản là những khoáng vật, khoáng chất được tạo thành trong vỏ trái đất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và được sử dụng trong công nghiệp, trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Cũng tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp. Việc khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Đối cá nhân, tổ chức Vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) tùy từng loại khoáng sản khác nhau mà việc khai thác không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc không đúng giấy phép tùy theo tính chất mức độ, hậu quả, hành vi vi phạm, nhân thân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai cùng các đơn vị có liên quan vào cuộc xác minh, đánh giá tổng thể trữ lượng khai thác hướng tới xử lý dứt điểm vi phạm. Bên cạnh đó cũng làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai của các cá nhân và tổ chức (nếu có) khi để xảy ra tình trạng này.
Bài liên quan
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Hoàng Hà và Công ty TNHH TM DV Xử lý Môi trường Việt Khải
-
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
-
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến chất lượng bữa ăn tại Đại học Bách Khoa Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận