Giải pháp xử lý tình huống đương sự không cho đo vẽ và xem xét thẩm định tại chỗ
Trong bài viết tác giả trình bày và phân tích giải pháp xử lý tình huống đương sự không hợp tác trong việc xác định: vị trí, kích thước, hình thể (mô tả tứ cận), tọa độ, hiện vật, công trình… có trên thửa đất tranh chấp bằng cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, có những tình huống đương sự không cản trở, khóa cửa không cho vào nhà - khuôn viên đất, thậm chí phản kháng khi Tòa án tiến hành thủ tục đo vẽ lập bản đồ hiện trạng, xem xét, thẩm định tại chỗ. Đây là một tình huống người tiến hành tố tụng cần phải xử lý một cách khôn ngoan, hợp pháp để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và đồng thời đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch, tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.
Đo vẽ lập bản đồ hiện trạng vị trí, xem xét, thẩm định tại chổ là một biện pháp thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự, hành chính. Trong đa số các trường hợp đây là thủ tục bắt buộc, để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án về tranh chấp đất đai (xác định ai là người có quyền sử dụng đất, với toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất, bao gồm cả tranh chấp ranh giới, mốc giới, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt) và tranh chấp liên quan đến đất đai (trong giao dịch dân sự, thừa kế liên quan đến quyền, nghĩa vụ sử dụng đất).
Thông thường, để thực hiện các yêu cầu tố tụng, thu thập chứng cứ nêu trên các bên đương sự cần phối hợp với Tòa án mở cửa để đơn vị có chuyên môn đo vẽ lập bản đồ vào bên trong thực địa để tiến hành khảo sát hiện trường, lập biên bản ghi nhận hiện trạng thực tế, liệt kê các tài sản công trình có trên đất, cấm mốc ranh giới đất, lập biểu tọa độ, đo kích thước tứ cận, vị trí diện tích tranh chấp… theo chỉ dẫn ranh của các đương sự, dưới sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó, đơn vị đo vẽ sẽ thực hiện các thủ tục xác nhận tại cơ qua Nhà nước có chức năng và nộp lại kết quả cho Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án.
Nhưng đối với những trường hợp đương sự không hợp tác, không cho vào khu vực tranh chấp để Tòa án và đơn vị chuyên môn thực hiện nhiệm vụ thì hầu như cách truyền thống không thể thực hiện được, vụ án không đủ căn cứ để tiếp tục giải quyết, hoặc giải quyết thông qua các chứng cứ gián tiếp (các tài liệu cũ) không đúng với thực tế, sai số lớn, dẫn đến bản án quyết định thiếu chính xác, khó thi hành án… Trong tất cả các trường hợp đo vẽ lập bản đồ hiện trạng, việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó theo quy định tại Điều 101 BLTTDS hay Điều 88 Luật Tố tụng Hành chính. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống đương sự không hợp tác, người thực hiện không thể vào thực địa làm nhiệm vụ như sau:
1. Phương án truyền thống: Đối với nhà đất tranh chấp có diện tích, tứ cận liền kề với những hộ dân khác, đoàn thực hiện nhiệm vụ không thể vào bên trong thực địa, ví dụ thửa 155-1, 155-2 (theo bản vẽ nêu trên) tác giả nhờ địa phương liên hệ các hộ dân có giáp ranh với thửa đất đang tranh chấp (dự đoán được khó gửi trước văn bản thông báo cho các hộ dân liền kề nhờ phối hợp), đề nghị và hướng dẫn cho đoàn khảo sát, đo vẽ vào nhà đến vị trí nơi tiếp giáp với nhà đất đang tranh chấp. VD: Các vị trí số 15 đến 20 thuộc thửa đất 154,153, 150, 156 tiến hành cấm mốc định vị tọa độ. Sau khi có tọa độ, xem xét độ dày của vách tường ngăn của các thửa đất 154,153, 150, 156 là bao nhiêu (ví dụ 10cm, hay 30cm…) rồi trừ ra là vị trí mốc giới của thửa đất đang tranh chấp, người tiến hành tố tụng hoặc đơn vị đo vẽ lập biên bản về việc thực hiện này, có chữ ký xác nhận của các hộ liền kề về hiện trạng sử dụng đất không tranh chấp và chữ ký của chính quyền địa phương. Từ đó, đơn vị đo vẽ sẽ lập ra được bản vẽ hiện trạng vị trí, diện tích đất tranh chấp một cách chính xác.
Nhược điểm: Cách truyền thống này đòi hỏi phải có sự hợp tác của các hộ dân liền kề, không xác định được vị trí, diện tích, kết cấu, độ cao, hình dạng, kích thước, số lượng của các công trình – hiện vật nằm sâu bên trong thửa đất, tốn nhiều thời gian, khó khăn trong việc đo đạc đất tranh chấp có diện tích lớn, đồi núi, sông ngòi cản trở…
2. Phương án sử dụng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại: Khảo sát hiện trạng địa hình, đo vẽ, lập bản đồ, quay phim, chụp ảnh, bằng flycam (UAV – thiết bị bay không người lái).
Theo Thông tư số 07/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “quy định kỹ thuật thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000” áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đo đạc bản đồ và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình bằng phương pháp thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái, thì việc đo đạc bản đồ hiện trạng, xem xét thẩm định thực địa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, khắc phục được toàn bộ các nhược điểm mà phương án truyền thống không thể thực hiện được như nêu trên mà còn xuất ra hình ảnh, video để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng biết cụ thể bên trong diện tích đang tranh chấp có công trình xây dựng hay vật thể gì.