Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2019
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2019 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2019. Trong số này, Tạp chí đặc biệt chọn lựa biên tập và đăng tải các bài viết về các lĩnh vực pháp luật khác nhau hiện đang được nhiều bạn đọc trong và ngoài hệ thống Tòa án quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và 01 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Xác định nội hàm quyền tư pháp là một nội dung đã được khá nhiều các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đề cập đến trong các công trình khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong ấn phẩm này, Tạp chí TAND giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Quyền tư pháp và yêu cầu đối với việc thực hiện nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước” của PGS.TS. Trần Văn Độ. Trong bài viết, tác giả nêu nhận định: “Xuất phát từ nhận thức chung về nguyên lý tổ chức bộ máy nhà nước trong nhà nước pháp quyền, từ quy định của Hiến pháp, để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và từ đó là vai trò, vị trí của Tòa án nhân dân trong bộ máy nhà nước, chúng tôi thấy có hai vấn đề sau đây cần được nhận thức thống nhất về lý luận cũng như thực tiễn: Một là, thế nào là quyền tư pháp và nội dung của quyền tư pháp? Hai là, nội dung, phạm vi của việc kiểm soát của Tòa án nhân dân (cơ quan tư pháp) với các cơ quan lập pháp, hành pháp”. Từ đó, tác giả đi vào phân tích: (1) Quyền tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo nguyên tắc pháp quyền; (2) Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; (3) Yêu cầu đối với việc thực hiện nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Với việc nghiên cứu một cách sâu sắc, tỷ mỷ và công phu nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ và các luật liên quan, trong bài viết “Điều kiện để đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trở thành tài sản bảo đảm”, tác giả Nguyễn Phương Thảo phân tích các điều kiện về mặt lý luận và thực tiễn để đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trở thành tài sản bảo đảm. Đây là vấn đề mà Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không quy định. Cơ sở lý thuyết áp dụng là học thuyết về bản chất của quyền sở hữu trí tuệ – tính chất vô hình của đối tượng này. Nội dung bài viết gồm các vấn đề: (1) Tài sản bảo đảm là quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; (2) Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ còn trong thời hạn bảo hộ; (3) Khả năng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trở thành tài sản bảo đảm.
Trong bài viết “Thế mạnh” của tổ chức tín dụng: Những giải pháp khắc phục tình trạng bất cân xứng quyền lợi trong hợp đồng tín dụng” tác giả TS. Lương Khải Ân đã đưa ra những phân tích về bản chất “thế mạnh” của tổ chức tín dụng trong quan hệ hợp đồng tín dụng; nhận diện và đánh giá “thế mạnh” của tổ chức tín dụng qua thực tiễn hợp đồng tín dụng và giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Từ đó, tác giả đã đưa ra giải pháp hoàn thiện, áp dụng thống nhất pháp luật nhằm khắc phục tình trạng bất cân xứng quyền lợi hợp đồng tín dụng.
ThS. Trần Thị Cẩm Nhung và ThS. Võ Nguyễn Nam Trung nhận định trong bài viết So sánh giữa quyền hưởng dụng và quyền sử dụng đất của người thuê, mượn tài sản: “Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Trong đó, quyền sử dụng được tách thành hai nhóm đó là quyền sử dụng của chủ sở hữu và quyền sử dụng của người không phải chủ sở hữu. Quyền sử dụng tài sản của người không phải chủ sở hữu được hiểu là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Song song với quy định trên, pháp luật dân sự Việt Nam còn ghi nhận một hình thức sử dụng tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình là trường hợp quyền hưởng dụng tại Điều 257 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Chính sự trùng lặp trong quy định dẫn đến nhiều câu hỏi được đặt ra cho hai trường hợp này, như quyền hưởng dụng có gì khác so với quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu quy định tại Điều 191 Bộ luật Dân sự 2015 và nếu có sự trùng lặp như vậy thì tại sao phải quy định quyền hưởng dụng”. Nhằm làm rõ sự khác biệt giữa hai hình thức sử dụng tài sản trên, tác giả đưa ra sự so sánh giữa quyền hưởng dụng và quyền sử dụng của người thuê, mượn tài sản.
Với bài viết “Một số vấn đề về hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội phạm tham nhũng”, tác giả Trần Trung Hiếu đã tập trung vào việc phân tích quy định của pháp luật về tội phạm tham nhũng và một số vướng mắc, bất cập trong việc xác định cấu thành các tội phạm về tham nhũng; vấn đề xử lý tội phạm tham nhũng trong khu vực tư; việc thu hồi tài sản sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án gặp khó khăn, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp. Cuối cùng, tác giả kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Hiện nay, vấn đề xác định trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được bổ sung, hoàn thiện. Với bài viết “Bàn về áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”, tác giả Vũ Hồng Thắng đã có những phân tích về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có việc áp dụng hình phạt tiền. Từ đó, tác giả chỉ ra một số vướng mắc khi áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật.
Ngoài ra, trong chuyên mục Trao đổi ý kiến có đăng tải bài viết “Trao đổi về bài viết: “Các bị cáo phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích?” của tác giả Lê Anh Tuấn. Đây là bài viết nêu quan điểm về một tình huống cụ thể còn nhiều quan điểm khác nhau đối với việc định tội danh.
Đồng thời, Tạp chí cũng giới thiệu tới bạn đọc Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2019./.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam