Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2019 xuất bản ngày 20/12/2019 bao gồm 06 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện được đông đảo bạn đọc quan tâm, tìm hiểu, là các vấn đề mang tính thời sự nổi bật.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một số nội dung chính, nổi bật trong các bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, cụ thể như sau:

Bài viết “Vai trò của vi bằng trong giao dịch dân sự theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới” của tác giả Huỳnh Quang Thuận và Đặng Thái Bình đề cập đến một vấn đề tuy không mới nhưng có rất ít các công trình nghiên cứu. Trong bài viết, các tác giả nêu quan điểm: “…hiện nay vẫn còn tồn tại một số quan điểm chưa đúng về giá trị của vi bằng trong giao dịch dân sự như việc vi bằng có thể thay thế được văn bản công chứng, chứng thực hoặc có thể xác nhận nội dung giao dịch; tình trạng Thừa phát lại lập vi bằng nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu diễn ra ngày càng nhiều ở các địa phương, dưới hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền theo biên bản tự thỏa thuận của các bên và ghi nhận lời nói, cuộc trao đổi giữa các bên… gây ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.”. Từ đó, các tác giả phân tích vai trò của vi bằng trong giao dịch dân sự dưới góc độ kinh nghiệm của pháp luật các nước trên thế giới để liên hệ với pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam.

Với bài viết “Quy định của Luật Đất đai năm 2013 về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao và các khiếu kiện hành chính phát sinh”, tác giả Nguyễn Văn Dũng nhận diện các quy định của Luật Đất đai 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời xác định những quy định chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Tác giả đưa ra một số kiến nghị về việc hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao để góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn hiện hữu trong quản lý hành chính về đất đai và thực tế giải quyết các khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai tại Tòa án nhân dân.

Trong bài viết: “Một số ý kiến về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”, tác giả Vũ Hồng Thắng nêu nhận định: “Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ của toàn xã hội chứ không chỉ riêng của một quốc gia, một cá nhân nào, bởi đây là đối tượng đặc biệt cần được ưu tiên bảo vệ…Như vậy, trong tất cả các hoạt động của một quốc gia, dân tộc thì lợi ích của trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu để ưu tiên bảo vệ với những biện pháp tối ưu mang lại hiệu quả cao”. Từ đó, tác giả đưa ra những đánh giá về sự tiến bộ của Bộ luật Hình sự 2015 trong phần quy định về người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong các quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị thiết thực.

Trong bài viết “Áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”, tác giả Nguyễn Văn Sơn cho rằng: “Để được thừa nhận áp dụng với tư cách là nguồn của luật, tập quán không chỉ phải bảo đảm những điều kiện nhất định mà việc áp dụng tập quán còn phải tuân theo những nguyên tắc nhất định nhằm bảo đảm tính pháp lý, tránh sự áp dụng tùy tiện trong giải quyết vụ án”. Từ đây, tác giả phân tích nguyên tắc và thực tiễn áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng, đồng thời nêu những bất cập và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết “Phương thức giám sát tư pháp đối với quyền hành pháp”, ThS. Lê Thị Thu Thảo nêu khái niệm giám sát tư pháp quyền hành pháp và đi vào đánh giá các phương thức giám sát tư pháp đối với quyền hành pháp trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, chúng tôi đăng tải một số ý kiến, quan điểm đối với bài viết: “Nguyễn Đức H phạm tội gì?” đã được đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2019 nhằm giúp bạn đọc tiếp cận một cách đa chiều trong việc định tội danh đối với một vụ án cụ thể, từ đó có cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24, kỳ II tháng 12 năm 2019./.

BTK