Hành vi của Trần Văn V đã cấu thành tội “Lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết của các tác giả Trần Tú Anh và Huỳnh Minh Khánh đăng ngày 08/9/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng Trần Văn V phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 175 BLHS.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gồm hai loại hành vi:

Thứ nhất, chiếm đoạt tài sản của người khác đã giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận được bằng hình thức hợp đồng khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc cố tình không trả lại tài sản đó khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng để trả lại.

Thứ hai, sử dụng tài sản của người khác đã giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản,… vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, trước hết người phạm tội nhận được tài sản từ bị hại dựa trên cơ sở hợp đồng, việc giao nhận tài sản là hoàn toàn ngay thẳng, tại thời điểm nhận tài sản người phạm tội chưa nảy sinh ý định chiếm đoạt số tài sản đó. Sau khi nhận được tài sản thì người phạm tội mới nảy sinh ý định chiếm đoạt và thực hiện ý định đó bằng cách dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn, cố tình không trả lại tài sản mặc dù trên thực tế có khả năng trả lại hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho bị hai. Đây là điểm khác biệt chủ yếu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản trước rồi mới sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt được tài sản.

Trở lại vụ án, anh T do thường đi làm ăn xa, nhà cửa đơn sơ lại không biết mở và sử dụng tài khoản ngân hàng nên đã gửi số tiền 4,4 tỷ đồng cho em trai là Trần Văn V giữ giúp vì tin tưởng mình và V là anh em ruột. V đồng ý giữ 4,4 tỷ đồng giúp anh T, tức là việc giao nhận tiền giữa T và V dựa trên cơ sở hợp đồng gửi giữ, hoàn toàn ngay thẳng, V nhận 4,4 tỷ đồng từ T là hợp pháp.

Tuy nhiên, khi anh T cần đến tiền và yêu cầu V trả lại số tiền trên thì lần đầu tiên vào ngày 05/12/2021 V nói dối anh T rằng mình mới bị cướp không có tiền trả cho anh T; lần thứ hai vào ngày 08/3/2021 khi T đòi thì T nói số tiền 4,4 tỷ không bị cướp mà do V đầu tư chứng khoán trên mạng bị thua lỗ nên không có tiền trả.

Trên thực tế, qua sao kê tài khoản của V thì tại thời điểm ngày 05/12/2021, V còn trên 2,6 tỷ đồng, tại thời điểm ngày 08/3/2021 V còn khoản 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, V còn đứng tên 01 căn nhà có giá trị 5 tỷ đồng và đã bán để lấy tiền nhưng không trả tiền cho anh T. Ta có thể thấy, V đã sử dụng thủ đoạn gian dối, nói dối anh T rằng bị cướp, đầu tư chứng khoán thua lỗ và không có tiền trả. Nhưng thực tế tài sản của V có đủ để hoàn trả lại số tiền mà anh T đã gửi nhưng vì mong muốn chiếm đoạt được số tiền đó, V đã nói dối và không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho T. Do đó, hành vi của V đã cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 BLHS.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

 

TAND tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Hoàng Thuyên

 *Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7

NGUYỄN THANH HUYỀN*