Hành vi của Vũ Văn V cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị hại là cháu P 

Qua nghiên cứu bài viết “Vũ Văn V phạm tội gì? Ai là bị hại?” của tác giả Tạ Ngọc Nam, đăng ngày 18/9/2023, tôi nhất trí với quan điểm thứ ba của tác giả.

Trước hết cần tìm hiểu các khái niệm sau:

- Gian dối là đưa ra thông tin hay hành động không đúng sự thật nhằm đánh lừa người khác để người khác tin đó là sự thật. Thủ đoạn gian dối được thực hiện rất đa dạng có thể qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người có chức vụ, quyền hạn… Hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm để chiếm đoạt tài sản, còn nếu có hành vi gian dối không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác, dù mục đích này có tính tư lợi cũng không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Thủ đoạn gian dối trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải được thể hiện bằng những hành vi cụ thể để nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản. Luật hình sự Việt Nam không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có thủ đoạn gian dối thuộc về tư tưởng, suy nghĩ mà không biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi.

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp có thể phạm tội khác.

Hành vi chiếm đoạt trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin không đúng sự thật vơi sý thực làm cho người quản lý tài sản nhầm tưởng là sự thật nên trao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt.

Hậu quả của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án này, Vũ Văn V có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (giả vờ mượn xe đạp nhãn hiệu AVATAR trị giá 4,2 triệu đồng). Do là hàng xóm gần nhà nên cháu P đã cho V mượn. Thực tế, chủ sở hữu chiếc xe là anh D và chị H, tuy nhiên ngay tại thời điểm thực hiện hành vi cháu P là người quản lý chiếc xe đạp. V nói với P là đã thông báo cho anh D (bố của P) nên P tự nguyện giao xe đạp cho V mà không nghi ngờ gì. Khi V nhận được xe đạp từ cháu P thì V đã có hành vi chiếm đoạt chiếc xe đạp. Cụ thể là bán xe đạp được 2 triệu đồng để lấy tiền tiêu xài. Hành vi đó của V đã hoàn thành, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó V phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 BLHS. Mặt khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thể hiện ở hành vi duy nhất đó là hành vi chiếm đoạt nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Trong đó, thủ đoạn gian dối là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Về việc xác định bị hại trong vụ án: Chiếc xe đạp AVATAR thuộc sở hữu của anh Hoàng Công D và chị Nguyễn Thị H. Người quản lý tài sản tại thời điểm V phạm tội là cháu Hoàng Minh P. V chiếm đoạt chiếc xe trong lúc cháu P thực hiện quản lý nên việc xác định bị hại trong vụ án này là cháu P. Song P sinh năm 2007 nên ngay thời điểm V chiếm đoạt chiếc xe, P chưa đủ 16 tuổi, do đó, Vũ Văn V sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Cụ thể là chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 52 BLHS là “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.” Theo đó, những người tham gia tố tụng trong vụ án này là:

 + Bị cáo (Điều 61 BLTTHS 2015): Vũ Văn V;

 + Bị hại (Điều 62 BLTTHS 2015): Hoàng Minh P;

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 65 BLTTHS 2015): Hoàng Công D, Nguyễn Thị H.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý đồng nghiệp và bạn đọc./.

* Tòa án quân sự Quân khu 7

TAND huyện Châu Thành, Trà Vinh xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Thanh Tâm

PHẠM MINH ĐÔ