Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc
Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có thể là nguồn tham khảo thêm cho các nhà nghiên cứu luật của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc đều có mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều năm qua, Trung Quốc chú trọng việc nâng cao tính hiệu quả của hệ thống tư pháp, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân hiện đại, chuyên nghiệp, cải thiện và chuyên biệt hóa cấp bậc của đội ngũ Thẩm phán so với ngạch bậc công chức hành chính thông thường. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu luật ở nước ta chủ yếu tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống Tòa án, Thẩm phán của các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc mà ít quan tâm hơn đến vấn đề này trong pháp luật Trung Quốc.
Tòa án là cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước được thiết lập trong bộ máy Nhà nước của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cơ quan này thông qua hoạt động xét xử thực hiện chức năng trừng phạt tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp trong xã hội nhằm bảo vệ công bằng, chính nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự xã hội. Hoạt động xét xử của Tòa án do đội ngũ Thẩm phán thực hiện, đây chính là lực lượng chủ lực và nòng cốt giúp Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Vậy hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc được tổ chức như thế nào?
1. Hệ thống Tòa án của Trung Quốc
Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định Tòa án nhân dân là cơ quan tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa[1]; hệ thống Tòa án được thiết lập gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp địa phương và Tòa án nhân dân chuyên trách như Tòa án quân sự[2]; tổ chức của Tòa án nhân dân do pháp luật quy định[3].
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tại Điều 12 quy định về hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp địa phương và Tòa án nhân dân chuyên trách.
1.1. Tòa án nhân dân tối cao
1.1.1. Chức năng, nhiệm vụ
“Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất”[4] của Trung Quốc, chịu trách nhiệm xét xử các loại vụ án, hướng dẫn áp dụng pháp luật, giám đốc hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp ở địa phương và Tòa án nhân dân chuyên trách, quản lý công tác hành chính tư pháp của các Tòa án trong cả nước trong phạm vi chức trách theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao có các thẩm quyền sau:
a. Thẩm tra giải quyết vụ án sơ thẩm mà theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án nhân dân tối cao thấy cần phải do mình giải quyết;
b. Thẩm tra giải quyết các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân chuyên trách bị kháng cáo, kháng nghị, yêu cầu tái thẩm và khiếu nại;
c. Thẩm tra giải quyết các vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo trình tự giám đốc hoạt động xét xử;
d. Phê chuẩn các bản án xử phạt tử hình ngoài những bản án do Tòa án nhân dân tối cao xét xử;
e. Thẩm tra giải quyết các vụ án yêu cầu bồi thường Nhà nước, quyết định bồi thường Nhà nước theo quy định của pháp luật;
f. Phê chuẩn việc áp dụng hình phạt dưới mức quy định của pháp luật.
Ngoài công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc còn chịu trách nhiệm thống nhất quản lý, điều phối công tác thi hành án của các Tòa án trong cả nước.
1.1.2. Cơ cấu tổ chức
Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc có 24 đơn vị gồm: Văn phòng, Ban Chính trị, Văn phòng Ủy ban bồi thường Nhà nước, Ban điều hành Thi hành án, Vụ Nghiên cứu Khoa học, Văn phòng Quản lý công tác xét xử, Vụ Thanh tra, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Quản lý cơ sở vật chất, Văn phòng Đảng ủy, Cục Quản lý cán bộ, Tòa Thụ lý, Tòa Hình sự (gồm 05 Tòa), Tòa Dân sự (gồm 04 Tòa, trong đó Tòa Dân sự số 3 còn gọi là Tòa Sở hữu trí tuệ), Tòa Tài nguyên Môi trường, Tòa Hành chính, Tòa Giám đốc thẩm.
Với diện tích là 9.596.961 km², Trung Quốc có diện tích lục địa lớn thứ 4 trên thế giới, cơ cấu hành chính gồm 34 tỉnh, thành phố; trong đó có 23 tỉnh, 04 thành phố trực thuộc Trung ương, 05 khu tự trị và 02 đặc khu hành chính. Do đó, để bao quát quản lý, vận hành hệ thống xét xử trong toàn quốc (ngoại trừ ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) thì Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc phải xây dựng hệ thống Tòa lưu động Tòa án nhân dân tối cao. Các Tòa lưu động này là cơ quan xét xử thường trực của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc; bản án, quyết định, phán quyết của các Tòa lưu động cũng chính là bản án, quyết định, phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao; các vụ việc do Tòa lưu động thụ lý đều được nhập vào hệ thống quản lý thông tin xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời, thông tin về việc thụ lý, trình tự giải quyết vụ án, ban hành phán quyết đều được công khai cho các đương sự và công chúng theo quy định của pháp luật. Như vậy, về bản chất các Tòa lưu động chính là cơ quan đại diện của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc được thiết lập ở các khu vực trong cả nước. Hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc có 07 Tòa lưu động, trong đó gồm Tòa lưu động số 01 đến số 06 và một Tòa Sở hữu trí tuệ. Các Tòa lưu động được phân bố như sau: Tòa lưu động số 1 (Tòa Thương mại Quốc tế số 1) đặt tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông; Tòa lưu động số 2 đặt tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh; Tòa lưu động số 3 đặt tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô; Tòa lưu động số 4 đặt tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam; Tòa lưu động số 5 đặt tại Trùng Khánh; Tòa lưu động số 6 (Tòa Thương mại Quốc tế số 2) đặt tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
Ngoài các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ nêu trên, trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc còn có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
1.2. Tòa án nhân dân các cấp địa phương
Theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tòa án nhân dân các cấp địa phương gồm có ba cấp là Tòa án nhân dân sơ cấp, Tòa án nhân dân trung cấp và Tòa án nhân dân cấp cao
1.2.1. Tòa án nhân dân sơ cấp
Tòa án nhân dân sơ cấp của Trung Quốc được thành lập ở huyện, huyện tự trị, thành phố cấp huyện và quận.
Về cơ cấu tổ chức, Tòa án sơ cấp có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự và Tòa Kinh tế.
Về thẩm quyền xét xử, Tòa án sơ cấp xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; giải quyết các tranh chấp dân sự và các vụ án hình sự ít nghiêm trọng mà không cần thiết phải mở phiên tòa và chỉ đạo nghiệp vụ công tác hòa giải của Ủy ban Hòa giải nhân dân.
1.2.2. Tòa án nhân dân trung cấp
Tòa án nhân dân trung cấp của Trung Quốc gồm có bốn loại, đó là Tòa án trung cấp khu vực trong huyện, khu tự trị, Tòa án trung cấp tại các thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án trung cấp tại thành phố thuộc tỉnh, khu tự trị và Tòa án trung cấp tại các châu tự trị (châu tự trị là một trong những đơn vị hành chính của Trung Quốc, thuộc quyền quản lý của các tỉnh, khu tự trị, đây là các khu tự trị dân tộc tại khu vực tập trung dân tộc thiểu số sinh sống).
Trong cơ cấu tổ chức, Tòa án trung cấp có các Tòa Hình sự, Dân sự, Kinh tế và có thể thành lập Tòa chuyên trách khác theo nhu cầu.
Xét về thẩm quyền, Tòa án trung cấp xét xử theo trình tự sơ thẩm các vụ án theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án trung cấp; xét xử sơ thẩm các vụ án do Tòa án sơ cấp chuyển thẩm quyền; xét xử các vụ án của Tòa án sơ cấp bị kháng cáo, kháng nghị và xét xử các vụ án có kháng nghị theo trình tự giám đốc việc xét xử của Viện kiểm sát.
1.2.3. Tòa án nhân dân cấp cao
Tòa án nhân dân cấp cao của Trung Quốc được thành lập ở các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương.
Tòa án cấp cao có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp cao; xét xử sơ thẩm các vụ án do Tòa án cấp dưới chuyển thẩm quyền; xét xử các vụ án của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị và xét xử các vụ án có kháng nghị theo trình tự giám đốc việc xét xử của Viện kiểm sát.
Có thể thấy rằng, khác với hệ thống Tòa án nhân dân của Việt Nam, về thẩm quyền xét xử thì bốn cấp Tòa án của Trung Quốc đều có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trong trường hợp Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc xét xử vụ án theo trình tự sơ thẩm thì bản án sơ thẩm là chung thẩm, đương sự không có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, nguyên tắc tố tụng của tư pháp Trung Quốc là “hai cấp chung thẩm”, do đó, trên thực tế (cho đến nay) Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc không xét xử sơ thẩm là để bảo đảm nguyên tắc tố tụng “hai cấp chung thẩm” và bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự.
1.3. Tòa án nhân dân chuyên trách
Theo quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân chuyên trách bao gồm Tòa án Quân sự và Tòa án Hàng hải, Tòa án Sở hữu trí tuệ, Tòa án Tài chính… Việc thành lập, cơ cấu tổ chức, quy định về quyền hạn, và bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Thẩm phán trong các Tòa án nhân dân chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quy định.
1.3.1. Tòa án Quân sự
Tháng 1 năm 1954, Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn thành lập Tòa Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1954, Tòa Quân sự được đổi tên thành Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đến năm 1956, Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được đổi tên thành Tòa Quân sự Tòa án nhân dân tối cao. Trong giai đoạn này, Chánh tòa, Phó Chánh tòa và các Thẩm phán là thành viên của Tòa án nhân dân tối cao, do Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm, miễn nhiệm. Đến tháng 5 năm 1965, Tòa án này được khôi phục tên gọi là Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tháng 12 năm 1969, Trung Quốc bãi bỏ mô hình Tòa án này. Tháng 1 năm 1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định khôi phục lại mô hình Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tháng 12 năm 1979, Bộ tổng Chính trị phê chuẩn thành lập Ủy ban Thẩm phán của Tòa án Quân sự. Từ năm 1978 đến năm 2003, Tòa án Quân sự thành lập và xóa bỏ một số đơn vị trong cơ cấu tổ chức nhưng về cơ bản vẫn gồm có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự và Tòa Giám đốc thẩm. Biên chế của Tòa án Quân sự có một Chánh án, một Phó Chánh án, các Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán và Thư ký Tòa án. Thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh án Tòa án Quân sự theo thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm sỹ quan quân đội và do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc bổ nhiệm, miễn nhiệm. Các chức danh khác trong Tòa án Quân sự thì được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm sỹ quan quân đội.
Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là cơ quan tài phán được thành lập trong quân đội Trung Quốc, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tư pháp quốc gia, là Tòa án nhân dân chuyên trách thuộc hệ thống tư pháp quốc gia, đại diện Nhà nước thực hiện quyền xét xử. Cùng với Viện kiểm sát quân sự và cơ quan an ninh quân đội tạo nên hệ thống tư pháp quân sự.
Về cơ cấu tổ chức thì hệ thống Tòa án Quân sự Trung Quốc gồm ba cấp là Tòa án cấp cao (tức Tòa án Quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc), Tòa án trung cấp (gồm 07 tòa) và Tòa án sơ cấp (gồm 26 tòa).
1.3.2. Tòa án Hàng hải
Tòa án Hàng hải là một trong những Tòa án nhân dân chuyên trách trong hệ thống Tòa án của Trung Quốc, là cơ quan chuyên trách xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động hàng hải, khai thác, bảo vệ biển và hoạt động thương mại hàng hải. Tháng 11 năm 1984, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành “Quyết định thành lập Tòa án Hàng hải tại các thành phố có cảng biển”, Tòa án nhân dân tối cao ban hành “Quy định về một số vấn đề liên quan đến việc thành lập Tòa án Hàng hải”. Từ đó, Trung Quốc đã thành lập Tòa án Hàng hải tại các tỉnh, thành phố như Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, Thanh Đảo, Đại Liên và Vũ Hán. Cơ cấu tổ chức của Tòa án Hàng hải gồm có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán và một số chức danh khác, đồng thời cũng có Ủy ban Thẩm phán. Trong Tòa án Hàng hải có Tòa hàng hải và Tòa thương mại hàng hải, thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án liên quan đến hoạt động hàng hải và thương mại hàng hải.
Về thẩm quyền theo vụ việc, Tòa án Hàng hải giải quyết các vụ việc sau: (1) vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động hàng hải; (2) vụ án tranh chấp hợp đồng thương mại hàng hải; (3) các tranh chấp liên quan đến việc khai thác, bảo vệ môi trường biển, đường biển; (4) các loại vụ việc khác liên quan đến hoạt động hàng hải và thương mại hàng hải; (5) các vụ án hành chính liên quan đến hoạt động hàng hải; (6) các vụ án liên quan đến hàng hải áp dụng thủ tục đặc biệt. Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án Hàng hải do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc quy định căn cứ theo sự phân bố vùng biển và cửa khẩu mà không phải theo giới hạn địa lý hành chính trên đất liền. Tòa án hàng hải ngang cấp với Tòa án trung cấp, chịu sự giám sát công việc của Tòa án nhân dân cấp cao nơi có trụ sở và do Tòa án nhân dân cấp cao này xét xử các vụ án của Tòa án hàng hải có kháng cáo, kháng nghị
Không giống với việc giải quyết một vụ án dân sự thông thường là có bốn cấp Tòa án, một vụ việc liên quan đến hàng hải chỉ có ba cấp Tòa án, đó là Tòa án hàng hải, Tòa án nhân dân cấp cao nơi Tòa án hàng hải có trụ sở và Tòa án nhân dân tối cao.
Tính đến năm 2019, Trung Quốc có 11 Tòa án hàng hải được thành lập tại 05 tỉnh, thành phố nêu trên.
1.3.3. Tòa án Sở hữu trí tuệ
Ngày 12 tháng 11 năm 2013, trong “Quyết định về một số vấn đề lớn liên quan đến cải cách sâu sắc toàn diện” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra việc nghiên cứu thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ. Ngày 31 tháng 8 năm 2014, tại phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XII đã biểu quyết thông qua việc thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Ngày 22 tháng 12 năm 2020, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII đã biểu quyết thông qua việc thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ tại khu vực tự do thương mại tỉnh Hải Nam. Như vậy, hiện nay trong hệ thống Tòa án của bốn tỉnh, thành phố là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hải Nam có Tòa án chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Kể từ năm 2017, công cuộc cải cách tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, nhằm phát huy vai trò của cơ quan xét xử, nâng cao mức độ bảo vệ của cơ quan tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã lần lượt phê chuẩn việc thành lập Tòa sở hữu trí tuệ là các Tòa chuyên trách trong cơ cấu tổ chức của Tòa án trung cấp tại 26 địa phương như Thành Đô, Nam Kinh, Tô Châu, Vũ Hán, Hợp Phì, Hàng Châu…
1.3.4. Tòa án Tài chính
Tòa án Tài chính là sự sáng tạo lớn của hệ thống tư pháp Trung Quốc sau khi thành lập Tòa án điện tử và Tòa án Sở hữu trí tuệ. Việc thành lập Tòa án Tài chính bản chất là cung cấp biện pháp hỗ trợ tư pháp chuyên nghiệp cho lĩnh vực tài chính. Đây vừa là kênh thực hiện công lý quốc gia, vừa là một dạng dịch vụ tài chính, có tác dụng nâng tầm tiếng nói quốc gia tham gia vào việc xây dựng quy tắc tài chính trên phạm vi toàn cầu.
Năm 2008, Tòa án quận Phố Đông Mới, Thượng Hải thành lập Tòa Tài chính. Ngày 27 tháng 1 năm 2010, tại phiên họp thứ 3 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị thành phố Thượng Hải khóa XI, một số đại biểu cho rằng môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, do đó cần xem xét thời điểm thích hợp thành lập Tòa án Tài chính ở Thượng Hải. Tháng 5 năm 2017, mô hình thí điểm Tòa án Tài chính được thiết lập trong Tòa án cấp quận của Thượng Hải. Ngày 25 tháng 4 năm 2018, tại phiên họp thứ nhất, Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương đã thông qua “Phương án thành lập Tòa án Tài chính Thượng Hải”. Cùng ngày, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cũng đã báo cáo “Dự thảo Quyết định thành lập Tòa án Tài chính Thượng Hải”. Ngày 20 tháng 8 năm 2018, Tòa án Tài chính Thượng Hải chính thức được thành lập.
Ngày 8 tháng 10 năm 2018, Tòa Tài chính liên khu hành chính đầu tiên của tỉnh Giang Tây được thành lập tại thành phố Nam Xương, đánh dấu sự khởi đầu của mô hình xét xử tập trung các vụ án tài chính giữa các đơn vị hành chính của Giang Tây. Tòa Tài chính số 1 và số 2 trong Tòa án thành phố Nam Xương thực hiện phân công và phối hợp để tập trung xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến hoạt động tài chính của các Tòa án cấp quận trong toàn thành phố. Điều này làm thay đổi thẩm quyền giải quyết các vụ án tài chính từ phân tán sang tập trung, chất lượng xét xử chuyển từ “thô” sang “tinh”, việc phòng ngừa và kiểm soát rủi ro chuyển từ thụ động sang chủ động.
Ngày 22 tháng 1 năm 2021, tại kỳ họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII đã thông qua việc thành lập Tòa án Tài chính Bắc Kinh. Ngày 18 tháng 3 năm 2021, Tòa án Tài chính Bắc Kinh chính thức được thành lập.
Ngày 01 tháng 3 năm 2022, Tòa án Tài chính Thành Đô – Trùng Khánh được thành lập. Đây là mô hình Tòa án đầu tiên có thẩm quyền liên tỉnh tại Trung Quốc. Tòa án này có trụ sở đặt tại thành phố Trùng Khánh, được xây dựng theo mô hình Tòa án trung cấp của thành phố trực thuộc Trung ương.
Về thẩm quyền xét xử, Tòa án Tài chính giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, kinh tế liên quan đến hoạt động tài chính mà thuộc thẩm quyền của Tòa án trung cấp; giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính có người bị kiện là cơ quan quản lý tài chính mà thuộc thẩm quyền của Tòa án trung cấp; giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính có cơ quan tài chính có trụ sở tại nơi có Tòa án Tài chính là bị đơn hoặc là người có quyền lợi liên quan có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ; giải quyết theo thủ tục phúc thẩm hoặc xét xử tái thẩm các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính liên quan đến hoạt động tài chính; các vụ án theo quy định của pháp luật do Tòa án Tài chính thi hành và các vụ án khác do Tòa án nhân dân tối cao xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Tài chính.
1.3.5. Tòa án vận tải đường sắt
Tòa án vận tải đường sắt là cơ quan xét xử được thành lập trong hệ thống cơ quan quản lý đường sắt, là một bộ phận cấu thành quan trọng của các Tòa án chuyên trách trong hệ thống Tòa án nhân dân của Trung Quốc. Nếu như Tòa án nhân dân địa phương được thành lập theo đơn vị hành chính thì Tòa án vận tải đường sắt lại được thành lập theo phạm vi thẩm quyền quản lý của các Cục và Sở đường sắt.
Ngày 16 tháng 10 năm 1953, theo tinh thần của Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ hai, sau khi được chính quyền nhân dân thành phố Thiên Tân phê chuẩn, Tòa án đặc biệt dọc tuyến đường sắt Thiên Tân chính thức được thành lập. Đây là cơ quan xét xử đầu tiên được thành lập trong hệ thống cơ quan quản lý đường sắt ở Trung Quốc. Tiếp sau đó, các Tòa án đặc biệt dọc tuyến đường sắt lần lượt được thành lập trên khắp đất nước Trung Quốc. Năm 1955, các Tòa án đặc biệt dọc tuyến đường sắt được đổi tên thành Tòa án vận tải đường sắt. Ngày 09 tháng 8 năm 1957, Quốc vụ viện đã thông qua "Quyết định xóa bỏ Tòa án vận tải đường sắt và đường thủy". Sau khi bị xóa bỏ, các vụ án do hai loại Tòa án này giải quyết được giao cho Tòa án nhân dân địa phương giải quyết. Sau Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI, Trung Quốc bước vào thời kỳ lịch sử mới của công cuộc cải cách, mở cửa toàn diện, vận tải đường sắt với vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhằm duy trì sự an toàn và quản lý trật tự đối với “huyết mạch chính”, bảo đảm tài sản Nhà nước không bị thất thoát, Tòa án vận tải đường sắt được khôi phục thiết lập lại.
Trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1979 quy định về Tòa án chuyên trách có Tòa án vận tải đường sắt. Trên cơ sở quy định của luật và yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Đường sắt (nay là Bộ Giao thông vận tải) và Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư “Qui định vấn đề biên chế trong Tòa án vận tải đường sắt các cấp", từ đó, Tòa án vận tải đường sắt các cấp lần lượt được tái thiết từ trên xuống dưới. Ở thời kỳ này, Tòa án vận tải đường sắt gồm có ba cấp: Tòa án vận tải đường sắt cấp cao được thành lập ở Bắc Kinh, Tòa án vận tải đường sắt trung cấp được thành lập tại các địa phương nơi có Cục đường sắt và Tòa án vận tải đường sắt sơ cấp được thành lập tại các địa phương có phân Cục đường sắt. Nhiệm vụ của các Tòa án này là xét xử các vụ án hình sự xâm phạm đến an toàn của hoạt động vận tải đường sắt và các vụ án kinh tế mà một bên đương sự là ngành đường sắt. Công tác chuyên môn của Tòa án vận tải đường sắt cấp cao chịu sự giám sát và chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao. Tháng 4 năm 1987, căn cứ tình hình thực tế và được sự chấp thuận của Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao quyết định xóa bỏ Tòa án vận tải đường sắt cấp cao và công tác chuyên môn của Tòa án vận tải đường sắt trung cấp và sơ cấp chuyển giao cho Tòa án nhân dân cấp cao nơi Cục đường sắt có trụ sở thực hiện giám sát và chỉ đạo.
Luật tố tụng hành chính năm 2018 quy định Tòa án nhân dân cấp cao có quyền xác định thẩm quyền liên khu hành chính của Tòa án nhân dân trong xét xử vụ án hành chính[5]. Trong hướng dẫn áp dụng Luật tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân tối cao quy định Tòa án nhân dân chuyên trách như Tòa án vận tải đường sắt thụ lý giải quyết vụ án hành chính phải áp dụng khoản 2 Điều 18 Luật tố tụng hành chính. Trong bản Đề cương cải cách “Kế hoạch 5 năm lần thứ năm” năm 2019 của Trung ương đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống Tòa án chuyên trách một cách quy phạm, đi sâu cải cách chế độ quyền tư pháp được tách biệt hợp lý khỏi các đơn vị hành chính. Từ thời điểm này, Tòa án vận tải đường sắt hai cấp của các tỉnh, thành như Tây An, Lan Châu, Nam Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải được sự phê chuẩn của Tòa án nhân dân tối cao chỉ còn thụ lý giải quyết lĩnh vực án hành chính.
2. Hệ thống các cấp Thẩm phán của Trung Quốc
Hệ thống Tòa án của Trung Quốc được tổ chức theo bốn cấp gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân trung cấp và Tòa án nhân dân sơ cấp. Vậy các Thẩm phán làm việc trong các Tòa án nêu trên có sự phân cấp không?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thẩm phán[a3] [WU4] , “Thẩm phán là những nhân viên xét xử thực hiện quyền xét xử của Nhà nước theo quy định của pháp luật, những người này gồm có Chánh án, Phó Chánh án, thành viên Ủy ban Thẩm phán, Chánh tòa, Phó Chánh tòa và Thẩm phán xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp địa phương và Tòa án nhân dân chuyên trách như Tòa án quân sự”. Để thực hiện quản lý Thẩm phán một cách khoa học, nâng cao danh dự và trách nhiệm của Thẩm phán, bảo đảm Thẩm phán thực hiện quyền tài phán quốc gia theo pháp luật nên từ năm 1997 Trung Quốc đã áp dụng chế độ phân cấp Thẩm phán. Việc phân cấp Thẩm phán nhằm thể hiện rõ cấp bậc, địa vị của Thẩm phán và là sự công nhận của Nhà nước đối với trình độ chuyên môn của Thẩm phán. Việc phân cấp Thẩm phán dựa theo biên chế chức vụ của Thẩm phán.
Hiện nay, hệ thống Thẩm phán của Trung Quốc được phân thành “bốn bậc mười hai cấp”. Theo “Quy định tạm thời về cấp bậc Thẩm phán” năm 1997 và Luật Thẩm phán năm 2019 thì 12 cấp Thẩm phán theo thứ tự lần lượt là: Đại Thẩm phán Chủ tịch, Đại Thẩm phán cấp 1, Đại Thẩm phán cấp 2; Thẩm phán cao cấp cấp 1, Thẩm phán cao cấp cấp 2, Thẩm phán cao cấp cấp 3, Thẩm phán cao cấp cấp 4, Thẩm phán cấp 1, Thẩm phán cấp 2, Thẩm phán cấp 3, Thẩm phán cấp 4 và Thẩm phán cấp 5. Kết hợp với biên chế chức vụ của Thẩm phán thì tại bốn cấp Tòa án của Trung Quốc có những cấp Thẩm phán như sau:
Tại Tòa án nhân dân tối cao: Chánh án giữ bậc Đại Thẩm phán Chủ tịch; Phó Chánh án giữ bậc Đại Thẩm phán cấp 2 đến Đại Thẩm phán cấp 1; thành viên Ủy ban Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 2 đến Đại Thẩm phán cấp 2; Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 2 đến cấp 1; Phó Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 3 đến cấp 1; Thẩm phán xét xử giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 4 đến cấp 1 và Trợ lý Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 3 đến cấp 1.
Tại Tòa án nhân dân cấp cao: Chánh án giữ bậc Đại Thẩm phán cấp 2; Phó Chánh án giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 3 đến cấp 1; thành viên ủy ban Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 4 đến cấp 2; Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 4 đến cấp 2; Phó Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cấp 1 đến Thẩm phán cao cấp cấp 2; Thẩm phán xét xử giữ bậc Thẩm phán cấp 2 đến Thẩm phán cao cấp cấp 2; Trợ lý Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 4 đến cấp 1.
Tại Tòa án nhân dân trung cấp: Chánh án giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 3 đến cấp 1; Phó Chánh án giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 4 đến cấp 2; thành viên ủy ban Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 1 đến Thẩm phán cao cấp cấp 3; Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cấp 1 đến Thẩm phán cao cấp cấp 3; Phó Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cấp 2 đến Thẩm phán cao cấp cấp 3; Thẩm phán xét xử giữ bậc Thẩm phán cấp 3 đến Thẩm phán cao cấp cấp 3; Trợ lý Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 5 đến cấp 2.
Tại Tòa án nhân dân sơ cấp: Chánh án giữ bậc Thẩm phán cao cấp cấp 4 đến cấp 3; Phó Chánh án giữ bậc Thẩm phán cấp 1 đến Thẩm phán cao cấp cấp 4; thành viên ủy ban Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 2 đến Thẩm phán cao cấp cấp 2; Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cấp 2 đến Thẩm phán cao cấp cấp 4; Phó Chánh tòa giữ bậc Thẩm phán cấp 3 đến Thẩm phán cao cấp cấp 4; Thẩm phán xét xử giữ bậc Thẩm phán cấp 4 đến Thẩm phán cao cấp cấp 4; Trợ lý Thẩm phán giữ bậc Thẩm phán cấp 5 đến cấp 3[6].
Việc phân định cấp bậc của Thẩm phán dựa theo cấp bậc biên chế chức vụ của Thẩm phán. Cấp bậc của Thẩm phán được xác định căn cứ vào chức vụ, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kết quả công tác xét xử và thâm niên công tác của Thẩm phán.
Theo “Quy định tạm thời về việc thiết lập thứ bậc chức vụ của Thẩm phán” năm 2011 thì việc thăng cấp Thẩm phán cơ bản là tăng từng cấp. Về thời hạn thăng cấp được quy định như sau: từ Thẩm phán cấp 5 lên Thẩm phán cấp 4, thời hạn là trên 1 năm; từ Thẩm phán cấp 4 lên Thẩm phán cấp 3, Thẩm phán cấp 3 lên Thẩm phán cấp 2 và Thẩm phán cấp 2 lên Thẩm phán cấp 1 thì thời hạn đều là trên 2 năm; từ Thẩm phán cấp 1 lên Thẩm phán cao cấp cấp 4, Thẩm phán cao cấp cấp 4 lên Thẩm phán cao cấp cấp 3, thời hạn là trên 3 năm; từ Thẩm phán cao cấp cấp 3 lên Thẩm phán cao cấp cấp 2, Thẩm phán cao cấp cấp 2 lên Thẩm phán cao cấp cấp 1, thời hạn là trên 4 năm.
Đến thời hạn thăng cấp, Thẩm phán sẽ được thăng cấp nếu vượt qua kỳ đánh giá, nếu không qua thì sẽ bị hoãn thăng cấp. Những Thẩm phán có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và thành tích công tác đặc biệt xuất sắc thì có thể được thăng cấp trước hạn. Việc đánh giá thăng cấp chủ yếu dựa vào kết quả đánh giá hàng năm.
Theo quy định tại “Quy định tạm thời về cấp bậc Thẩm phán” năm 1997 thì Thẩm phán có cấp bậc từ Thẩm phán cấp 1 trở lên được thăng cấp theo phương thức tuyển chọn; để được thăng cấp lên Thẩm phán cao cấp thì Thẩm phán phải vượt qua kỳ đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, đến năm 2015, thực hiện “Phương án thí điểm cải cách thứ bậc chức vụ độc lập của Thẩm phán, Kiểm sát viên” thì phương thức thăng cấp Thẩm phán được quy định linh hoạt hơn, theo đó có 3 phương thức là: thăng cấp theo niên hạn, thăng cấp Thẩm phán ưu tú và tuyển chọn thăng cấp đặc biệt.
Trong trường hợp Thẩm phán được thăng chức mà cấp bậc Thẩm phán thấp hơn cấp bậc trong biên chế chức vụ mới thì sẽ được nâng lên cấp bậc Thẩm phán thấp nhất trong hạng cấp bậc biên chế chức vụ mới. Ngược lại, trong trường hợp Thẩm phán bị điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn, nếu cấp bậc Thẩm phán đang giữ cao hơn cấp bậc cao nhất trong biên chế chức vụ mới thì sẽ điều chỉnh xuống cấp bậc Thẩm phán cao nhất trong biên chế chức vụ mới. Nếu như Thẩm phán vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì sẽ bị hạ cấp bậc Thẩm phán theo quy định; việc hạ cấp bậc Thẩm phán thường là mỗi lần hạ một cấp và không áp dụng đối với Thẩm phán cấp 5.
Trung Quốc có hệ thống Tòa án chuyên trách đa dạng, nhất là trong hoạt động tố tụng dân sự, phù hợp giải quyết những loại án khác nhau nảy sinh cùng với sự phát triển của xã hội. Những cải cách trong chế độ Thẩm phán của Trung Quốc đã làm thay đổi bản chất chức danh Thẩm phán so với các chức danh công chức hành chính khác, từ đó cũng làm thay đổi chế độ lương thưởng của Thẩm phán, nâng cao danh dự và trách nhiệm của Thẩm phán. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng trong thể chế chính trị, tính chất và đặc điểm xã hội, trong bối cảnh Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi Luật tổ chức Tòa án năm 2014, định hướng xây dựng một số Tòa án chuyên trách và thực hiện cải cách chế độ Thẩm phán thì Tòa án nhân dân tối cao có thể tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng hệ thống Tòa án chuyên trách và cải cách chế độ Thẩm phán của Trung Quốc sẽ ít nhiều giúp ích cho công cuộc cải cách tư pháp này.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
3. Luật Thẩm phán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
4. Luật thủ tục đặc biệt trong giải quyết các vụ án liên quan đến hàng hải;
5. Luật tố tụng hành chính
6. Thông báo số 50[1997] ngày 12/12/1997 của Ban Tổ chức Trung Ương, Bộ Nhân sự, Tòa án nhân dân tối cao về “Quy định tạm thời về cấp bậc Thẩm phán”
7. Quyết định thành lập Tòa án hàng hải tại các thành phố có cảng biển ngày 14/11/1984 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc.
8. Quyết định ngày 28/11/1984 của Tòa án nhân dân tối cao về “Một số vấn đề về việc thành lập Tòa án hàng hải”
9. Quyết định thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu ngày 31/8/2014 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc
10. Quyết định thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ tại khu vực tự do thương mại tỉnh Hải Nam ngày 26/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc
11. Quy định một số vấn đề về Tòa Sở hữu trí tuệ ngày 03/12/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.
12. Phương án thành lập Tòa án Tài chính Thượng Hải
13. Quyết định về việc thành lập Tòa án Tài chính Thượng Hải ngày 27/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc.
14. Quyết định về việc thành lập Tòa án Tài chính Bắc Kinh ngày 22/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc.
15. Phương án thí điểm cải cách thứ bậc chức vụ độc lập của Thẩm phán, Kiểm sát viên
16. 最高人民法院简介, https://www.court.gov.cn/jigou.html , truy cập ngày 01/12/2023
17. 最高人民法院巡回法庭须知, https://www.chinacourt.org/article/detail/2018/01/id/3187114.shtml , truy cập ngày 28/11/2023.
18. 李立慧,四十年铁路运输法院改革回顾与展望, https://www.chinacourt.org/article/detail/2019/06/id/4052550.shtml , truy cập ngày 28/11/2023.
19. 牛鸿生,法官等级的来龙去脉,https://bj3zy.bjcourt.gov.cn/article/detail/2020/11/id/5632911.shtml, truy cập ngày 02/12/2023.
20.阿计,专门法院:改革与创新 truy cập ngày 01/12/2023
21.王刚,范一,王晓晴,我国金融法院的现状挑战与未来发展,truy cập ngày 01/12/2023
22.军事法院及其工作; truy cập ngày 01/12/2023.
-------------
[1] Điều 128 Luật Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
[2] Điều 129 Luật Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
[3] Điều 129 Luật Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
[4] Điều 132 Luật Hiến pháp, Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Bài liên quan
-
Hệ thống Tòa án nâng cao chất lượng xét xử giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến đất đai
-
Tạp chí Tòa án nhân dân đạt giải Nhì Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2024
-
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận