Không tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay có lãi là không phù hợp

Qua nghiên cứu nội dung bài viết: “Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không phải là hợp đồng tín dụng” của tác giả Lê Thị Thanh Xuân, đăng ngày 21/5/2021, tôi cho rằng cả ba quan điểm mà bài viết đã nêu ra đều xác định sai số tiền nợ gốc làm cơ sở tính lãi, lãi suất đối với hợp đồng vay.

Tác giả bài viết đã đưa ra tình huống pháp lý như sau: Trường hợp ngày 01/02/2019 A cho B vay số tiền 100.000.000 đồng, thời hạn 5 tháng, lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là 5%/tháng ngoài ra không có thỏa thuận khác về lãi quá hạn và trong thời gian vay B đã trả lãi cho A được 5 tháng bằng 25.000.000 đồng, hết hạn 5 tháng B không trả tiền gốc 100.000.000 đồng và A cũng không đòi. Ngày 01/02/2021 A khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa án giải quyết buộc B trả số tiền 100.000.000 đồng và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật. Ngày 01/4/2021 Tòa án nhân dân tỉnh TC giải quyết tuyên xử: Buộc B trả cho A số tiền 142.330.000 đồng, trong đó (tiền gốc 100.000.000 đồng và lãi quá hạn là 42.330.000 đồng).

Từ dữ liệu của tình huống pháp lý, tôi cho rằng cách tính lãi, lãi suất của TAND tỉnh TC là chưa đúng với các quy định của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (gọi tắt là NQ01).

Để tính lãi một cách chính xác trước hết chúng ta cần khẳng định hợp đồng giữa hai bên là hợp đồng vay tài sản có lãi và có kỳ hạn. Tuy nhiên, về thỏa thuận tiền lãi giữa hai bên đã vượt quá quy định nên khi xét xử Tòa án chỉ tính mức lãi suất theo quy định là 20%/năm (tương đương 1,66%/tháng). Theo đó, các loại lãi cần tính là lãi trong hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả, lãi quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của NQ01. Do trong 05 tháng B đã trả lãi cho A vượt số tiền lãi quy định nên số tiền này sẽ được cấn trừ vào số tiền nợ gốc để làm cơ sở tính lãi đối với các kỳ tiếp theo. Khi đó, tiền lãi sẽ được tính cụ thể như sau:

- Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 28/02/2019 là 28 ngày số tiền nợ gốc là 100 triệu đồng nên tiền lãi B phải trả cho A là: 100.000.000 đồng x (20%/365ngày) x 28 ngày = 1.534.247 đồng, trong khi đó B đã trả tiền lãi cho bên A 5.000.000 đồng nên A đã nhận thừa ra 3.465.753 đồng và được trừ vào tiền nợ gốc để làm cơ sở tính cho kỳ tính lãi tiếp theo là 100.000.000 đồng - 3.465.753 đồng = 96.534.247 đồng.

- Tương tự như nêu trên thì tính đến thời điểm 05 tháng từ ngày 01/02/2019 đến 30/6/2019, thì B chỉ còn nợ A số tiền nợ gốc là: 82.646.872đồng.

Do B không thực nghĩa vụ trả nợ và đã để quá hạn nên từ ngày 01/7/2019 đến 01/4/2021 (là 641 ngày), B phải trả nợ quá hạn cho A bằng 150% với lãi suất trong hạn như đã điều chỉnh ở trên. Khi đó, B phải trả lãi quá hạn cho A là 82.646.872 đồng x (20%/365ngày) x 150% x 641 ngày = 43.542.448 đồng. Như vậy B phải trả cho A số tiền tổng cộng là 126.189.320 đồng (tiền nợ gốc là 82.646.872 đồng, tiền lãi là 43.542.448 đồng).

Do đó, cả ba quan điểm trong bài viết mà tác giả nêu ra đều xác định sai số tiền nợ gốc làm cơ sở tính lãi, lãi suất đối với hợp đồng vay. Riêng về mức lãi suất quá hạn thì theo tôi cho rằng tác giả bài viết đã nhầm lẫn vì khi nghiên cứu Nghị quyết 01, lãi trong hợp đồng vay tài sản sẽ được tính đến thời điểm xét xử gồm lãi trong hạn, lãi trên nợ tiền lãi, lãi quá hạn và toàn bộ số tiền lãi này sẽ được HĐXX tính ra con số cụ thể; Còn quy định về lãi chậm trả 0,83%/ tháng mà tác giả đã nêu được áp dụng tại giai đoạn thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của NQ01.

Hơn nữa, xét về thực tiễn thì hầu hết các hợp đồng vay tài sản các bên đều không thỏa thuận tiền lãi quá hạn vì khi thực hiện giao kết hợp đồng các bên đều tự nguyện giao kết và luôn mong muốn các bên không vi phạm thỏa thuận. Theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015: “Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Nên về mặt nguyên tắc khi áp dụng, nếu các bên không có thỏa thuận về lãi suất quá hạn trong hợp đồng thì lãi suất quá hạn sẽ đương nhiên bằng 150% lãi suất theo hợp đồng vay tài sản. Quy định này được xem là chế tài nhằm mục đích ràng buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ của mình vì nếu họ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong hạn thỏa thuận thì họ phải trả thêm một phần lãi bằng 0,5 lần so với mức lãi suất trong trường hợp họ thực hiện nghiêm thỏa thuận.

Tuy nhiên, quan điểm của tác giả bài viết cho rằng đồng tình với mức lãi suất bằng 0,83%/tháng tính từ thời điểm người vay tài sản vi phạm thời hạn trả nợ là đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật vì mức lãi người vay tài sản phải trả sẽ ít hơn trong trường hợp họ không thực hiện đúng thỏa thuận. Khi đó, người vay tài sản sẽ cố tình không trả nợ theo hạn thỏa thuận, để bên cho vay khởi kiện ra Tòa án và mức lãi họ phải trả sẽ được điều chỉnh lại theo hướng có lợi cho họ.

Do đó, trong tình huống pháp lý nêu trên thì mức lãi suất theo quan điểm thứ nhất trong bài viết của tác giả Lê Thị Thanh Xuân là phù hợp.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả!

 

Một phiên tòa xét xử vụ án Tranh chấp hợp đồng tín dụng. Ảnh: TL

HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)