L không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Nghiên cứu bài “Nợ tiền rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con ruột có phạm tội?” của tác giả Huỳnh Minh Khánh, đăng ngày 11/10/2022, tôi cho rằng bà B đã đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, còn hành vi của L không đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bà B đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Theo quy định tại Điều 175 BLHS và đặc điểm của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên hành vi khách quan của tội phạm này được xác định là việc chuyển giao tài sản từ bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.

Trong trường hợp này, tài sản được chuyển giao từ chị Ng, bà N và nhiều người khác sang bà B qua hình thức cho vay nên việc chuyển giao này hoàn toàn ngay thẳng và hợp pháp, không có sự lừa dối.

Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giá trị thực tế tài sản mà bà B đã sang tên cho anh L là 4 tỷ đồng, như vậy, bà B có đủ khả năng trả số nợ nêu trên. Tuy nhiên, bà B thực hiện hành vi sang tên toàn bộ tài sản cho con trai là anh L với giá 1 tỷ đồng, hành vi trên của bà B được xác định là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn trách thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, hành vi của bà B đã đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả còn đưa ra tình huống: “Ngoài ra, bà B còn tự ý mạo danh của hụi viên để hốt hụi và thu tiền hụi của các hụi viên khác”. Trong tình huống này, bà B đã thực hiện thủ đoạn gian dối đó là tự ý mạo danh của hụi viên nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác bằng hình thức hốt hụi và thu tiền của hụi viên khác. Do đó, cần xác định số tiền đã bị bà B chiếm đoạt xem có đủ định lượng cấu thành tội Lừa đảo chiểm đoạt tài sản hay không?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Tức là, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc chuyển giao tài sản từ bị hại sang người phạm tội được thực hiện sau khi người phạm tội thực hiện thủ đoạn gian dối (đây là điểm phân biệt giữa tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản)

Đối với hành vi của anh L

- Việc xác định anh L có là đồng phạm với bà B trong tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tôi đồng quan điểm với tác giả Nguyễn Thanh Huyền trong bài viết “Bà B phải chịu trách nhiệm hình sự và cần xem xét trách nhiệm của anh L” được đăng ngày 14/10/2022.

- Với quan điểm thứ hai tác giả đưa ra là hành vi của L đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323 BLHS, theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp này chị Ng và bà N tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế của bà B và biết bà B có đứng tên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 4 tỷ đồng. Trên cơ sở tìm hiểu thông tin này thì chị Ng và bà N mới có niềm tin là bà B có khả năng chi trả các khoản nợ nên mới cho bà B vay tiền. Tức là, tài sản mà bà B sở hữu có trước khi vay tiền chị Ng, bà N và những người khác. Vì vậy, khi bà B chuyển quyền sở hữu cho con trai là anh L thì hành vi của anh L không thể cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 BLHS

Trên đây là quan điểm của cá nhân về tình huống nêu trên, mong nhận được ý kiến trao đổi từ các bạn đọc.

 

TAND thành phố Hòa Bình tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án hình sự - Ảnh: Bùi Thu Hằng

LÊ NGỌC NAM (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)