Luật Đất đai đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và lợi ích cho nền kinh tế
Chiều 11/5, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý như nội dung về cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản...
Nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như quá trình chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 4 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các cơ quan đã chuẩn bị công phu hồ sơ dự án Luật với hơn 577 trang báo cáo tổng hợp ý kiến của Nhân dân; 405 trang báo cáo tiếp thu ý kiến của Nhân dân và đại biểu Quốc hội; Tờ trình dự án luật lần này được hoàn thiện với 35 trang, Báo cáo thẩm tra có dung lượng rất lớn với 62 trang báo cáo thẩm tra đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chất lượng dự án Luật được nâng lên rất cơ bản sau mỗi lần chỉnh lý và như đánh giá của đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là chất lượng vượt trội hơn hẳn so với trình tại Kỳ họp thứ 4.
Cho ý kiến về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết 671/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định giao cho Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của Nhân dân để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có rà soát để có tham mưu, đề xuất phương án báo cáo kết quả việc lấy ý kiến Nhân dân bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, xem xét việc có báo cáo riêng với Quốc hội nội dung này hay lồng ghép với việc trình dự thảo, cũng như xem xét việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết 671/2022/UBTVQH15.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua rà soát nhận thấy kết quả lấy ý kiến Nhân dân có quy mô và thực hiện tốt, được Nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. Người dân quan tâm rất nhiều đến những vấn đề có liên quan sát sườn đến đời sống như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có hình thức để báo cáo lại với Nhân dân việc lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân. Các cơ quan cần nghiên cứu để có hình thức thông báo phù hợp. Chủ tịch Quốc hội gợi ý như phải công bố toàn văn báo cáo tổng hợp và báo cáo tiếp thu, giải trình lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ để người dân giám sát việc góp ý của mình. Cùng với đó, công tác truyền thông cũng cần được chú trọng, phát huy sự tham gia và cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan thông tin báo chí.
Dự thảo mới nhất đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội lần này đã được chuẩn bị hết sức công phu, được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc kỹ lưỡng, chọn lọc nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Qua xem xét hồ sơ cho thấy so với dự thảo trước đây, dự thảo mới nhất đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết hơn, sát thực tế hơn và có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hồ sơ này đã đủ điều kiện để tiếp tục trình với Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế bảo đảm công phu, chất lượng, nêu nhiều vấn đề về quan điểm, nội dung lớn và các điều khoản cụ thể để Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu của việc thể chế hóa một cách đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương. Trong đó, một quan điểm rất quan trọng trong Nghị quyết 18-NQ/TW là “Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế". Tuy nhiên qua đối chiếu với 47 Điều và 16 Chương của dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc thể chế hóa chủ trương này còn đang mờ nhạt, không có chương riêng cũng như các điều thể hiện một cách rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều hoặc có thể có chương riêng đề cập đến việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành, xây dựng dữ liệu về đất đai, việc lượng hóa, hạch toán đầy đủ về đất đai. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề lớn cần phải được thể chế hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn một số nội dung của dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội gợi ý như nội dung về cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai, trong dự án luật này.
Đối với một số nội dung mới như quy định về việc cho phép đơn vị sự nghiệp công được sử dụng quyền sử dụng đất dùng cho mục đích dịch vụ kinh doanh... Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là những nội dung mới, đáng chú ý nhưng chưa thể tiếp thu ngay được, cần tiếp tục nghiên cứu thêm sau này hoặc có những vấn đề trái với những quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước thì không thể tiếp thu được hay chưa thể tiếp thu được nhưng cũng cần có báo cáo một cách tường minh.
Tài chính đất đai và giá đất cần phải được luật hóa cụ thể
Về vấn đề áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo báo cáo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến hơn 100 dự án luật và liên qua trực tiếp đến khoảng 20 -22 luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát với những dự án luật đang sửa như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, v.v. và luật này để đảm bảo tương thích. Đối với các dự án luật khác liên quan, hiện có 2 phương án. Một là rà soát lại để đưa vào dự án luật này để sửa luôn. Hai là dùng một luật để sửa nhiều luật. Do đó, đề nghị cân nhắc phương án để sửa ngay trong Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, để khi Luật được ban hành không phải chờ các Luật khác và có thể vận hành ngay.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong dự án luật này có nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc là thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là vấn đề về tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất. Nhấn mạnh đây là những vấn đề đại sự, người dân rất quan tâm, cần phải được luật hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không nên chỉ quyết định một câu giao cho Chính phủ hướng dẫn. Đề nghị các cơ quan nghiên cứu nội dung lớn để đưa vào luật và làm rõ danh mục các văn bản dự kiến ban hành để hướng dẫn chi tiết.
Cho biết, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến việc chuyển sang cơ chế tính tiền thu sử dụng đất hằng năm và điều chỉnh khi có biến động, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Chính phủ và cơ quan soạn thảo đã thiết kế một số điều về nội dung này, nhưng cần rà soát lại. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề trên thực tế sẽ có năm biến động tăng, có năm biến động giảm, nhưng trong mức biến động như thế nào thì sẽ điều chỉnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, người dân mong muốn có một mức điều chỉnh tối đa.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc này liên quan đến chi phí của nền kinh tế không chỉ đơn thuần là chi phí của doanh nghiệp bởi giá tăng lên thì đền bù cũng tăng cao. Khi đó vấn đề đặt ra là điều chỉnh thế nào, biến thiên bao nhiêu thì điều chỉnh, tổng điều chỉnh tăng khống chế tối đa.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội phân tích, nếu trả tiền một lần thì doanh nghiệp hoàn toàn tính được, chủ động được nhưng nếu tính tiền hàng năm mà lại có điều chỉnh theo sự biến thiên của giá đất, giá thị trường thì “van khóa” thế nào và điều tiết như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và lợi ích cho nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn mà hiện nay qua các hội thảo chuyên ngành, qua nghe lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, kể cả người dân đầu tư kinh doanh thuê đất cũng rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Bài liên quan
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của Luật Đất đai năm 2024 từ góc nhìn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt
-
Cần có hướng dẫn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm
-
Làm rõ cơ sở, căn cứ việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận