Một năm Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực

Sáng 31/1, TANDTC đã họp báo về công tác Tòa án năm 2017 và phương án hoạt động năm 2018. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và các Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Trí Tuệ chủ trì buổi họp báo đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí.

Một năm nhiều thay đổi

Năm 2017, hệ thống TAND có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án và xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án có nhiều chuyển biến mang tính thực chất cả về tiến độ và chất lượng; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước; Công tác giải quyết khiếu nại về tư pháp dần đi vào nề nếp, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sư; Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật có nhiều đổi mới theo hướng huy động trí tuệ, tâm huyết của đông đảo những người đã và đang công tác trong hệ thống tòa án, cũng như của các nhà khoa học pháp lý. Số lượng văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật tăng mạnh so với các năm trước, qua đó tháo gỡ nhiều vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử nói riêng và hoạt động tư pháp nói chung; Kỷ cương, kỷ luật được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ và việc thực hiện trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tòa án các cấp được đẩy mạnh, qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán trong thực thi công vụ; triển khai nghiêm túc việc thi tuyển chọn thẩm phán theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, gắn với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tòa án trong sạch, vững mạnh; Cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc được tăng cường, giúp cho các Tòa án bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Trả lời các câu hỏi của PV về đổi mới trong hoạt động xét xử, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2017, Tòa án có nhiều thay đổi trong hoạt động xét xử. Trước hết là thay đổi về hình thức, Thẩm phán mặc trang phục xét xử mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tính uy nghiêm của phiên tòa và nâng cao ý thức đối với Thẩm phán. Theo kế hoạch, trong quý 2 sẽ triển khai trong toàn hệ thống.

Hình thức phòng xét xử cũng thay đổi, trong đó HĐXX ở vị trí trung tâm, cao nhất, phía dưới vị trí của Kiểm sát viên đối diện, ngang hàng với người bào chữa, thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng; phòng xét xử án hình sự bỏ vành móng ngựa thay bằng bục khai báo, “Việc này xuất phát từ thực tiễn và tinh thần học hỏi kinh nghiệm tư pháp có chọn lọc trên thế giới. Ngoài ra, đảm bảo quyền con người theo đúng quy tắc của Hiến pháp là nguyên tắc suy đoán vô tội”– Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói; có quy định riêng về phòng xét xử thân thiện đề giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình và người chưa thành niên.

Về mặt nội dung, các phiên tòa được tiến hành với tinh thần tranh tụng, HĐXX và các Thẩm phán thực hiện đầy đủ chức năng, thẩm quyền theo các quy định mới của Luật. “Theo đó, thì đã có nhiều chức năng mới bổ sung như HĐXX có thể triệu tập Điều tra viên, trong tương lai còn triệu tập cả Kiểm sát viên và Thẩm phán. Ngoài ra, HĐXX phải thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ mà luật đã quy định vậy nên có quyền khởi tố bị can, khởi tố vụ án tại phiên tòa, thay đổi biện pháp ngăn chặn bị cáo ngay tại phiên tòa, kiến nghị các cơ quan liên quan…”– Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ khi xét xử vụ án Ocean Bank, HĐXX đã kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc mua ngân hàng này giá 0 đồng.

Toàn cảnh buổi họp báo

Trả lời về công tác xét xử các vụ đại án trong thời gian qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, TANDTC đã triển khai thực hiện nghiêm tục về vấn đề này. “Tất cả các vụ án lớn được Trung ương chỉ đạo, chúng tôi đã xây dựng những HĐXX riêng. Trong đó, có cả Hội đồng sơ thẩm và Hội đồng phúc thẩm. Để đáp ứng được các phiên tòa này, thẩm phán phải có kinh nghiệm và năng lực điều hành. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các thẩm phán liên hệ với VKS nghiêm cứu hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời nghiên cứu làm việc theo luật tố tụng mới”– ông Bình nhấn mạnh.

Đánh giá về phiên tòa xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm vừa diễn ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trước khi phiên tòa diễn ra, lãnh đạo TANDTC đã đi kiểm tra phòng xét xử tại TAND TP Hà Nội. Qua đó, đánh giá phòng xét xử chưa đúng Thông tư 01 nhưng trong điều kiện mới thực hiện như vậy cơ bản là chấp nhận được. “Theo tôi, phiên tòa đã có nhiều thành công”– ông Bình nhìn nhận

        Vận dụng sao có có lợi nhất cho người bị oan

Đổi mới trong năm 2017 còn thể hiện ở hoạt động công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử, nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi về tác động của việc công khai bản án đối với công tác xét xử và tính bảo mật đối với đời tư, với bí mật nghề nghiệp, quân sự… Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cho biết: Chánh án TANDTC yêu cầu các Thẩm phán nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng án văn. Việc công khai bản án là mang sản phẩm trí tuệ đó công khai để toàn xã hội, người trong nước và người nước ngoài quan tâm có thể truy cập. Hiện nay đã có trên 50.000 bản án được công khai, trên 3 triệu lượt truy cập, với nhiều ý kiến phản hồi, có nhiều ý kiến khen, nhưng có ý kiến không đồng tình… Như vậy, công khai bản án có tác động tích cực đến chất lượng xét xử, qua những ý kiến phản hồi, không những Thẩm phán xử bán án đó rút kinh nghiệm, mà các Thẩm phán khác cũng rút ra được bài học cho mình. Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về đã quy định về những trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật kinh doanh… thì không công khai bản án.

Nhiều phóng viên báo chí đặt câu hỏi về việc bồi thường chậm trễ đối với ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) và vấn đề bồi thường với gia đình bà Đào Thị Nga (Điện Biên), Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, vụ ông Trần Văn Thêm là vụ án TANDTC phát hiện sai phạm. Sau khi nhận báo cáo, đánh giá đây là vụ án oan rất nghiêm trọng, Chánh án đã chỉ đạo làm ngay và kết luận ông Thêm bị oan, sau quá trình tố tụng kéo dài không có kết thúc, khiến ông Thêm là bị can mấy chục năm. Chánh án TANDTC đã trực tiếp gặp ông Thêm, sau đó TANDTC đã nhanh chóng tổ chức xin lỗi công khai, trả lại danh dự cho người bị oan. Tuy nhiên khâu bồi thường do phải thực hiện các quy định của Bộ Tài chính về chứng từ, tài liệu nên tương đối chậm, đến nay đã thỏa thuận xong mức bồi thường, chờ Bộ Tài chính phê duyệt là giải quyết dứt điếm. “Tinh thần là vận dụng sao có có lợi nhất cho người bị oan”– Chánh án nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về án lệ được áp dụng như thế nào, Phó chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết, đến nay đã ban hành 16 án lệ và đã có 76 bản án áp dụng án lệ. Thẩm phán có thể không áp dụng án lệ nhưng trong bản án phải nêu rõ lý do vì sao không áp dụng án lệ. Tòa án phải bảo đảm nguyên tắc những vụ án giống nhau thì áp dụng pháp luật giống nhau, không thể nội dung giống nhau mà mỗi vụ án áp dụng pháp luật một cách khác nhau. Ngành Tòa án sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, ban hành án lệ làm cơ sở cho Thẩm phán với vụ việc luật pháp chưa quy định cụ thể.

Về câu hỏi năm 2017, Toà án cả nước đã giải quyết 438.625/ 491.384 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,3% nhưng riêng án hành chính vì sao chỉ giải quyết được 5.155/7.922 vụ, đạt 65%, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Luật quy định Chủ tịch UBND, chỉ có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch tham dự phiên tòa hành chính, không được ủy quyền đến cấp Sở… dẫn đến tình trạng các địa phương nhiều việc, Chủ tịch, Phó Chủ tịch không tham dự phiên tòa, không tham gia đối thoại với người dân theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho Tòa án. Do đó, để tăng tỷ lệ giải quyết án hành chính thì không chỉ cần sự nỗ lực của Tòa án và còn cần sự nỗ lực của các bên tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy trên 70% số vụ án hành chính liên quan đến đất đai, là lĩnh vực rất phức tạp, do giấy tờ tài liệu lưu trữ không tốt, do pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ nên giải quyết rất khó khăn.

        Xét xử lưu động mỗi năm tốn hơn 70 tỉ đồng

Trả lời câu hỏi về kiến nghị dừng xét xử lưu động, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết các phiên tòa lưu động mỗi năm tiêu tốn ngân sách hơn 70 tỉ đồng và bộc lộ hàng loạt bất cập, hạn chế, ngành Tòa án đang tổng kết việc mở các phiên tòa lưu động để báo cáo UBTVQH có nên tiếp tục hình thức xét xử này nữa hay không.

Theo Chánh án, phiên tòa lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân, phòng ngừa tội phạm, nhất là giai đoạn chiến tranh và sau chiến tranh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, tác dụng này giảm dần khi công nghệ thông tin truyền thông đang chiếm ưu thế, người dân có thể tiếp cận thông tin về phiên tòa, kết quả phiên tòa thông qua báo chí hoặc qua bản án được công bố trên mạng.

Tổ chức các phiên toà lưu động hiện đang có rất nhiều hạn chế. Thứ nhất là tốn kém, tổ chức phiên toà ra bên ngoài phải chi phí nhiều hơn, chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ, riêng ngân sách của Toà án mỗi năm đã trên 70 tỉ đồng, số tiền này cho việc khác thì tác dụng tốt hơn.

Xét xử lưu động là đưa cả bị cáo, người làm chứng, bị hại ra nơi công cộng như hội trường, nhà văn hoá, siêu thị, chợ đông người để tổ chức, nên việc bảo vệ phiên toà hết sức khó khăn…. Tính chất nghiêm túc của mọi phiên toà đều được đặt ra hàng đầu, nhưng đối với việc xét xử lưu động, yếu tố này bị hạn chế.

“Một vấn đề khác rất đặc biệt cần phải được xem xét cân nhắc là đảm bảo quyền con người, đây là nguyên tắc được hiến định. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm, việc mang xét xử lưu động ảnh hưởng tới danh dự nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt người thân, gia đình. Nhiều vụ án xét xử lưu động các cháu có hành động quá khích bỏ nhà ra đi bụi đời, chúng ta tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc, dòng họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Trên thế giới không có nước nào mang vụ án ra xử ngoài trụ sở Tòa án. Vì vậy, vào tháng 7/2018, TANDTC sẽ báo cáo UBTVQH, đồng thời nêu quan điểm Hội đồng thẩm phán TANDTC là không tiếp tục tổ chức phiên toà lưu động.

THÁI VŨ