N, P và Q phạm tội gì, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như thế nào?

N, P và Q bắt cóc E rồi gọi điện cho mẹ của E đòi 1 tỷ đồng tiền chuộc. Sau khi  nghe mẹ của E nói có người đi cùng nên các đối tượng sợ bị báo công an đã thuê xe chở E về nhà. Các đối tượng phạm tội gì? Áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như thế nào?

Vào khoảng 12 giờ 45 phút ngày 20/11/2018, các đối tượng N, P và P cùng bắt taxi đến trường em E (là con của một gia đình có điều kiện trong xã) để tìm gặp. Sau khi đến trường, đợi E tan học, N lại bắt chuyện và nói rằng: “Em có phải tên E không, em có quà của anh B từ bên Lào gửi sang, em đi theo anh lấy nhé”. Nghe vậy, E tin là thật, quay lại trường cất xe và rủ thêm T là bạn cùng lớp đi cùng. Các đối tượng đã đưa E và T đến một khu đất trống bỏ hoang đã lâu, cách trường của E khoảng 10km. Sau khi đến, các đối tượng trên đã kêu T lên taxi về trường trước, còn E sẽ về sau.

Tại đây, N, P và Q dọa đánh, tiêm HIV vào người E, buộc E phải gọi điện cho mẹ mang một tỷ đồng đến chuộc. Các đối tượng cũng chủ động gọi điện, nhắn tin cho mẹ của E đòi tiền chuộc và hẹn địa điểm giao nhận tiền cũng như yêu cầu mẹ của E phải đi một mình. Mẹ của E nói “Cho chú, bác đi cùng nữa”, tuy nhiên, do P và Q có biết gia đình của E và biết không có chú, bác nào nên nghi ngờ gia đình E đã báo công an. Do đó, các đối tượng đã thống nhất không đợi lấy tiền chuộc mà bắt xe ôm cho em E về nhà vào lúc 01 giờ ngày 21/11/2018.

Đến ngày 23/11/2018, các đối tượng đến trụ sở Công an xã để trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Xung quanh vấn đề định tội của các đối tượng và việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng, hiện có 3 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cần xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 BLHS bởi lẽ hành vi của các đối tượng tuy đã cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng hậu quả của vụ án đã được hạn chế, các đối tượng đã lo sợ và thả bị hại cũng như chưa chiếm đoạt được tài sản. E không bị tổn hại đáng kể về sức khỏe và tinh thần do không bị trói, đánh… Các đối tượng đã ra đầu thú và gia đình bị hại cũng có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng. Tuy nhiên, do các đối tượng đã bắt giữ E khoảng 12 tiếng và đưa E đến một địa điểm hoang vắng để giữ người trái pháp luật, do đó cần xử lý các đối tượng trên về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Quan điểm thứ hai: Các đối tượng phải bị truy tố về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản bởi đây là loại tội phạm có cấu thành hình thức nên không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra. Do vậy, khi các đối tượng bắt giữ E trái pháp luật nhằm mục đích đòi tiền chuộc của gia đình là 1 tỷ đồng và thực tế các đối tượng này đã gọi điện, nhắn tin cho mẹ của E để đòi tiền. Mặc dù các đối tượng đã tự nguyện thả E và chưa nhận tiền chuộc nhưng hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, E là người dưới 16 tuổi nên phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi”.

Quan điểm thứ ba: Các đối tượng phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS vì tuy chưa lấy được tiền nhưng các đối tượng đã gọi điện cho mẹ E để đòi tiền chuộc là 01 tỷ đồng, hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn  xét xử vụ án Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Ảnh:  Huy Hoàng

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)