Nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay
Pháp chế doanh nghiệp có vị trí hết sức quan trọng trong việc tạo ra các quy tắc, điều lệ, nội quy và giúp cho hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, đảm bảo việc doanh nghiệp hoạt động hợp pháp. Mặc dù vậy, hoạt động của pháp chế doanh nghiệp trên thực tế còn gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc, cần có sự can thiệp và điều chỉnh của pháp luật cũng như sự hỗ trợ của nhà nước để đạt được hiệu quả tốt hơn.
1. Vai trò của hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có số lượng nhân viên dưới 100 người, tổng doanh thu bình quân của năm không vượt quá 300 tỷ (hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ)[1]. Theo đó, hoạt động của các doanh nghiệp này không quá phức tạp, các dự án đầu tư với nguồn vốn không quá lớn. Mặc dù vậy, tính đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước và không ngừng lớn mạnh về số lượng, quy mô hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Để có thể phát triển không ngừng mang lại những giá trị tiềm lực về kinh tế, hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong các yếu tố then chốt giúp cho các doanh nghiệp này kinh doanh hiệu quả, hợp pháp và đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Tầm quan trọng của hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kể đến như:
Thứ nhất, pháp chế doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của doanh nghiệp thực hiện hoạt động trợ giúp, tư vấn và hỗ trợ bộ phận điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng như trực tiếp thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến các vấn đề pháp lý, phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.[2]
Thứ hai, pháp chế doanh nghiệp là bộ phận thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống văn bản pháp luật tại doanh nghiệp. Không chỉ trực tiếp soạn thảo các văn bản pháp lý như: Nội quy hoạt động, quy chế làm việc, thỏa ước lao động, thông báo, biên bản họp; pháp chế doanh nghiệp còn thực hiện việc xây dựng các tiêu chuẩn ISO phục vụ quy trình làm việc đảm bảo tính logic, hợp pháp và mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, pháp chế doanh nghiệp còn là đơn vị giám sát, kiểm soát hoạt động của các bộ phận khác trong doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cũng như pháp hiện các vấn đề pháp lý các đơn vị vướng mắc, nhằm đưa ra các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ, giải quyết một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn pháp lý đồng thời đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thứ tư, bên cạnh đó đó pháp chế doanh nghiệp còn hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện hoạt động chuyên môn của doanh nghiệp trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành; đưa ra các kiến giải và tư vấn pháp lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đánh giá rủi ro pháp lý với những hoạt động đó. Trong quá trình hoạt động, pháp chế doanh nghiệp còn hỗ trợ chủ doanh nghiệp, các đơn vị giải quyết những vấn đề tranh chấp (nội bộ, khách hàng…); tham gia tốt tụng hoặc tham mưu, hỗ trợ đội ngũ luật sư giải quyết tranh chấp.
2. Một số vướng mắc của bộ phận pháp chế tại các doanh nghiệp
Cùng với sự hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay ở Việt Nam cũng dần vươn ra các thị trường quốc tế và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, nên công tác pháp chế ngày càng được chú trọng và củng cố, trở thành một trong các bộ phận then chốt, quan trọng trong việc giúp đỡ đắc lực cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động bộ phận pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp phải không ít khó khăn.
Thứ nhất, hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng về ngành nghề kinh doanh và phạm vi, quy mô. Đây là một tất yếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra những đòi hỏi đối với bộ phận pháp chế của doanh nghiệp khi phải đối mặt với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các ngành, lĩnh vực khác nhau rất rộng và còn nhiều chồng chéo. Trong khi nhân viên pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đa phần ở độ tuổi còn trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt là các giao dịch, hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Chính bởi vậy, trong quá trình tư vấn, hỗ trợ bộ phận điều hành còn gặp nhiều lúng túng.
Thứ hai, năng lực cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp còn những hạn chế nhất định. Một phần do hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với vị trí việc làm “chuyên viên pháp chế doanh nghiệp” mà chủ yếu trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị các tiêu chuẩn sẽ có những khác biệt riêng. Đơn cử, một số tiêu chuẩn cơ bản thường được các doanh nghiệp đặt ra khi tuyển dụng nhân viên pháp chế như: Có trình độ cử nhân luật, am hiểu pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của công ty, có năng lực ngoại ngữ, tin học, có các kỹ năng soạn thảo, tra cứu, thẩm định văn bản pháp luật; đàm phán, thuyết phục…. Những yêu cầu này phụ thuộc vào hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp để đặt ra, song khi làm việc thực tế, nếu chỉ am hiểu các quy định pháp luật mà không nắm được các hoạt động chuyên môn, bộ phận pháp chế cũng không thể đưa ra các giải pháp và trợ giúp hữu hiệu cho các đơn vị của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số yêu cầu đối với việc giải quyết tranh chấp nội bộ, giải quyết tranh chấp hợp đồng hoặc tham gia tranh tụng đòi hỏi bộ phận pháp chế phải có kinh nghiệm và các kỹ năng riêng biệt. Song điều này không dễ dàng tìm thấy ở các chuyên viên pháp chế doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, khi phát sinh các vấn đề tranh chấp, các doanh nghiệp lại phải tìm đến sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, dẫn đến việc lãng phí tiền bạc, chậm trễ trong quá trình giải quyết vướng mắc.
Thứ ba, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chuyên môn không quá phức tạp, số lượng nhân sự ít, quy mô hoạt động đơn giản thì bộ phận pháp chế cũng không mấy được chú trọng. Đa phần, pháp chế tại các doanh nghiệp này chỉ thực hiện các công việc đơn giản như soạn thảo thông báo, nội quy, điều lệ theo chỉ đạo của Ban Giám đốc hoặc bộ phận điều hành. Vị trí pháp chế tại các doanh nghiệp này cũng không được quan tâm, chú trọng và phát triển như các bộ phận chuyên môn: maketting, vận chuyển, tiêu thụ và bảo hành… Chính bởi thế, hoạt động pháp chế chỉ mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả và tầm quan trọng của mình trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp[3].
Thứ tư, các quy định về quyền hạn cũng như chức năng, nhiệm vụ của bộ phận pháp chế trong các doanh nghiệp còn chưa được cụ thể hóa. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng bỏ ngỏ, không điều chỉnh đối với các hoạt động của pháp chế trong doanh nghiệp. Bởi vậy, ở mỗi doanh nghiệp có sự hoạt động và hiệu quả khác nhau, phụ thuộc vào bộ phận điều hành và quy hoạch nhân sự của doanh nghiệp đó.
3. Một số kiến nghị
Để khắc phục được những hạn chế nêu trên, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay tại Việt Nam.
Thứ nhất, Nhà nước cần có sự hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các ngành nghề lĩnh vực có liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn cũng như rườm rà trong hệ thống quy định; giúp cho bộ phận pháp chế dễ dàng hơn trong việc tổng hợp, hệ thống hóa và vận dụng các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt với các quy định về đầu tư, đất đai, huy động vốn, bảo vệ môi trường, tài chính, thuế và xuất nhập khẩu…
Thứ hai, Nhà nước cần có thêm các văn bản hướng dẫn, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đặc biệt là pháp chế doanh nghiệp. Bên cạnh Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trong các đơn vị, cơ quan nhà nước, Nhà nước cần chú trọng hơn trong việc nâng cao tầm quan trọng, vị thế của bộ phận pháp chế trong các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ và đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và các doanh nghiệp nói riêng được thực hiện đúng pháp luật.
Thứ ba, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự quan tâm hơn nữa, chú trọng đến vai trò của bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp. Đồng thời cần có sự thống nhất và nhất quan trong việc định ra các quy định khung để xác định tiêu chuẩn của vị trí pháp chế trong các doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động tư vấn pháp lý, tham mưu cho Ban Giám đốc, bộ phận điều hành của doanh nghiệp đúng pháp luật, hiệu quả và có chất lượng.
Thứ tư, cần nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tầm quan trọng của hoạt động pháp chế đối với việc quản trị, sản xuất và kinh doanh của đơn vị. Để bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp có thể phát huy năng lực của mình, cần có sự tạo điều kiện và quan tâm của bộ phận điều hành, chủ doanh nghiệp trong việc trao quyền tham mưu, giám sát và thực hiện việc hỗ trợ hoạt động chuyên môn, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tham mưu cũng như tư vấn này còn khá mới mẻ, dẫn đến nhận thức của bộ phận điều hành còn hạn chế; chính bởi vậy, bản thân chủ doanh nghiệp và Ban Giám đốc, bộ phận điều hành cần đổi mới cái nhìn cũng như xác định chính xác tầm quan trọng và phát huy được nội lực của bộ phận tiềm năng này.
Việc hoàn thiện bộ máy và tổ chức hoạt động của bộ phận pháp chế tại các công ty vừa và nhỏ không phải có thể thực hiện trong một sớm, một chiều; nhưng đây là hoạt động cần thiết, mang yếu tố quyết định cho sự thành – bại của nhiều doanh nghiệp, tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Chính bởi vậy, mặc dù còn khá nhiều khó khăn, song việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận pháp chế doanh nghiệp là việc làm mang tính tất yếu và cấp thiết, cần sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cũng như tất cả các doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam hiện nay.
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm - Ảnh: MH
[1] Điều 6, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[2] Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp,2019
[3] Tài liệu pháp chế dành cho doanh nghiệp, quản trị và pháp chế nội bộ doanh nghiệp
Bài liên quan
-
Vinamilk cùng đội ngũ điều dưỡng nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng
-
Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay
-
Hội thảo về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh
-
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận