Người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án dân sự

Trong bài viết này, tác giả bàn về trường hợp cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của đương sự, đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính đương sự đó và đưa ra những đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1.Đặt vấn đề

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, đương sự có thể có người đại diện theo ủy quyền và đồng thời có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong cùng một phiên tòa[i]. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 hay các văn bản hướng dẫn có liên quan không ghi nhận quy định cụ thể về việc người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự đó có thể cùng một người hay không. Điều này phát sinh những mâu thuẫn, lúng túng nhất định cho Hội đồng xét xử trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án.

2.Quy định của pháp luật

Khoản 2 Điều 75 về “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” BLTTDS năm 2015 quy định các chủ thể được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ghi nhận “luật sư”, “Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”; “Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn”; “Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an”, đều có thể là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án dân sự.

Theo quy định tại Điều 85 về “Người đại diện”, BLTTDS năm 2015, ngoại trừ việc ly hôn, các trường hợp khác, đương sự có quyền ủy quyền cho cá nhân khác làm người đại diện theo ủy quyền để thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền. BLDS năm 2015 quy định cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho cá nhân khác làm đại diện theo ủy quyền để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi ủy quyền của mình[ii]. Theo quy định này, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự đều có quyền nhận ủy quyền làm đại diện cho chính đương sự đó.

Ví dụ thứ nhất, Luật sư A có quyền nhận đại diện ủy quyền cho khách hàng B là bị đơn trong vụ án dân sự X theo quy định tại BLDS năm 2015, BLTTDS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Luật sư năm 2006. Đồng thời, luật sư A cũng có thể là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn B trong chính vụ án dân sự đó theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 75 BLTTDS năm 2015 và khoản 2 Điều 22 Luật Luật sư năm 2006.

Ví dụ thứ hai, xét ở đối tượng thông thường hơn, với tư cách một cá nhân là công dân Việt Nam có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự, giả sử không thuộc các trường hợp cấm hoặc hạn chế của pháp luật, anh A có thể đồng thời nhận làm đại diện theo ủy quyền cho bị đơn B trong vụ án dân sự X và là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn B trong chính vụ án dân sự đó khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Hiện nay, thực tế quy định pháp luật liên quan đến tư cách tố tụng là người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

Một, chủ thể có quyền làm người đại diện theo ủy quyền của đương sự và chủ thể có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đang có sự trùng lặp với nhau. Như nội dung quy định nêu trên, đa số các trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đều có thể là người đại diện theo ủy quyền của đương sự đó: Luật sư có thể nhận ủy quyền của khách hàng, cũng có thể nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng đó; Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an có thể nhận làm đại diện theo ủy quyền cho đương sự, cũng có thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự …

Hai, trường hợp người đại diện theo ủy quyền của đương sự đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không thuộc trường hợp cấm của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự.

Ba, quy định pháp luật hiện hành không ghi nhận cơ chế từ chối, hoãn, tạm hoãn phiên tòa hoặc hình thức xử lý khác trong trường hợp người đại diện theo ủy quyền của đương sự đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 76 BLTTDS năm 2015 ghi nhận về quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gồm “5. Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự”. Theo đó, hiện nay pháp luật chỉ ghi nhận cụ thể trường hợp ủy quyền việc “nhận giấy tờ, văn bản tố tụng” mà không điều chỉnh rõ ràng khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được ủy quyền đại diện với một phạm vi rộng hơn.

2. Vướng mắc trong thực tiễn

Trong cả hai ví dụ nêu trên, để làm rõ các vướng mắc cụ thể, đặt giả thiết đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự X và bị đơn B vắng mặt, có mặt ông A là người đại diện theo ủy quyền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho B, tồn tại hai (02) luồng quan điểm trái ngược, gây lúng túng cho Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trên nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm, việc người đại diện theo ủy quyền cho đương sự là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính đương sự đó trong vụ án dân sự không trái với quy định của pháp luật, do đó các cá nhân hoàn toàn có thể đồng thời giữ hai tư cách tố tụng trong cùng một vụ án dân sự, cụ thể là người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải tiến hành xét xử vụ án dân sự đó mà không tiến hành hoãn phiên tòa.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trong trường hợp trong cùng một vụ án dân sự, người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần hoãn phiên tòa và yêu cầu các bên độc lập trong tư cách người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính đương sự đó, lựa chọn tham gia phiên tòa với một trong hai tư cách nêu trên. Lý do được đưa ra đối với quan điểm này nằm ở tính độc lập, khách quan giữa hai tư cách: về bản chất, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là người đại diện theo ủy quyền của đương sự đó tương tự với việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đang bảo vệ cho “chính mình”. Trong khi đó, chỉ đương sự mới có quyền “tự bảo vệ” cho chính mình[iii]. Vì vậy, cá nhân khác là đại diện theo ủy quyền của đương sự, không phải đương sự, không có quyền “tự bảo vệ”.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, không thể để lồng cơ chế cho phép người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự đó. Về mặt hình thức, xuất hiện sự nhập nhằng giữa vị trí của người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó. Giả sử, tại phần tranh tụng, khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp A hỏi đương sự của mình (ông B – đã đặt giả thiết vắng mặt), ông A lại tiếp tục đứng lên trả lời câu hỏi mà chính mình vừa đặt là không hợp lý. Hoặc ông A bỏ qua việc đặt câu hỏi cho đương sự của mình, bị đơn trong vụ án, liệu có phát sinh trường hợp không làm rõ, hoặc không khẳng định lại được các tình tiết tại phiên tòa?

Về mặt nội dung, việc độc lập trong tư cách tố tụng giữa người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nhằm đảm bảo sự khách quan trong quá trình xét xử, xây dựng cơ chế rõ ràng, hỗ trợ Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi tố tụng hợp pháp của đương sự.

Thứ nhất, đương sự không bắt buộc phải có cả người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và người đại diện theo ủy quyền. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, người đại diện theo ủy quyền của đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự đó trong phạm vi văn bản ủy quyền[iv]. Trường hợp đương sự không thể tự mình tham gia quá trình tố tụng, đương sự có thể ủy quyền cho cá nhân khác tham gia với vai trò người đại diện theo ủy quyền. Khi đó, người đại diện theo ủy quyền cũng có thể tham gia tranh luận tại phiên tòa, trình bày ý kiến, quan điểm để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho đương sự đó... Hoặc trường hợp đương sự vẫn có thể tham gia vào quá trình tố tụng, mong muốn bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đương sự vẫn có thể tìm kiếm, yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia phiên tòa mà không bắt buộc phải kèm theo người đại diện theo ủy quyền.

Thứ hai, mỗi tư cách tố tụng trong vụ án dân sự có một vai trò khác nhau, việc một người đồng thời mang hai (02) tư cách tố tụng: người đại diện theo ủy quyền – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, có thể không phát huy hết vai trò, quyền lợi của từng tư cách. Một cách dễ hiểu, người đại diện theo ủy quyền của đương sự là người có quyền và nghĩa vụ của đương sự trong phạm vi ủy quyền; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là “người bảo vệ”, được sử dụng, thực hiện các hoạt động được phép để tiến hành đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Nếu độc lập trong tư cách đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền của từng tư cách sẽ được thực hiện và phát huy hiệu quả tốt nhất. Trong khi đó, trong trường hợp một người đồng thời là người đại diện theo ủy quyền, đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, cùng một lúc, họ chỉ có thể thực hiện quyền của một trong hai tư cách, vai trò và quyền lợi của tư cách tố tụng không được phát huy hiệu quả.

Thứ ba, sự không độc lập trong tư cách tố tụng giữa người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra nhận định, quyết định của Hội đồng xét xử. Giả sử trong phần tranh luận, Hội đồng xét xử tham gia phần hỏi và tiến hành hỏi bị đơn B, ông A với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của ông B sẽ trả lời. Tuy nhiên, thực tế ông A cũng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông B, do đó ông A có thể lựa chọn các cách trả lời, hoặc không trả lời, nhằm có lợi nhất cho bị đơn B, ảnh hưởng đến việc xem xét sự thật vụ án của Hội đồng xét xử.

3. Đề xuất, kiến nghị

Từ thực tiễn bất cập nêu trên, tôi xin đề xuất, kiến nghị như sau:

Quy định yêu cầu tính độc lập giữa tư cách người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính đương sự đó: Tại nội dung quy định về chủ thể được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần bổ sung nội dung về các chủ thể không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trong đó bao gồm người đã được ủy quyền đại diện cho chính đương sự đó trong cùng vụ án dân sự.

Trong trường hợp không hoàn toàn cấm việc đồng thời giữ hai tư cách tố tụng là người đại diện theo ủy quyền của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích liên quan của chính đương sự đó trong cùng vụ án dân sự:

Cần quy định bổ sung trường hợp được hoãn phiên tòa nêu tại phiên tòa, một người đồng thời mang hai tư cách tố tụng: người đại diện theo ủy quyền đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó.

Cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục hoãn phiên tòa trong trường hợp tồn tại hai tư cách tố tụng của cùng một người: đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của đương sự và là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính đương sự đó. Nhằm phát huy tốt đa tinh thần của pháp luật tố tụng dân sự, bảo vệ các lợi ích hợp pháp cho chủ thể có liên quan, không làm hạn chế, ảnh hưởng đến các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể có liên quan, cần tiến hành hoãn phiên tòa và hạn chế, dẫn tiến tới không cho phép đồng thời đảm nhiệm hai tư cách tố tụng nêu trên trong cùng vụ án dân sự.

 

Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử  vụ án dân sự - Ảnh: Minh Quân

*Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư

 

[1] [3] Khoản 1 Điều 9 về “Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” và khoản 13 Điều 70 về “Quyền, nghĩa vụ của đương sự” BLTTDS năm 2015.

[2] Điều 138 về “Đại diện theo ủy quyền”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Khoản 2 Điều 86 về “Quyền, nghĩa vụ của người đại diện” BLTTDS năm 2015.

 

 


 

BÙI THANH HIỀN*