Người nhận giữ tiền khai nại nhiều lý do và bán hết tài sản để không trả tiền có phạm tội không?

Anh Trần Văn T và anh Trần Văn V là anh em ruột. Anh T gửi anh V giữ giúp 4,4 tỷ đồng, sau đó V chỉ trả 1,4 tỷ đồng. Mặc dù V có tài sản nhưng vẫn không trả số tiền còn lại là 3 tỷ đồng. V có phạm tội không?

1. Tình huống pháp lý

Anh Trần Văn T và anh Trần Văn V là anh em ruột. Anh T có hơn 5.000m2 đất trồng lúa cặp đường tỉnh lộ, đầu năm 2021, chuyển nhượng toàn bộ đất cho anh Lê Văn L với giá là 4,4 tỷ đồng.

 Do anh T thường đi làm ăn xa, nhà cửa đơn sơ nên không dám để tiền ở nhà sợ bị mất và do anh T ít học, không biết mở và sử dụng tài khoản ngân hàng nên anh T đã nhờ anh V giữ hộ.

 Anh T dự định lấy số tiền đó để mua đất nơi khác với diện tích lớn hơn và thực tế là anh T đã đặt cọc mua khoảng 9.000m2 và đã nhận đất để canh tác.  V đồng ý giữ tiền giúp nên anh T đã yêu cầu anh L chuyển khoản số tiền nêu trên cho V. (việc thỏa thuận giữa anh T và anh V chỉ thỏa thuận bằng lời nói, anh L cũng biết thỏa thuận này).

Ngày 05/12/2021, anh T cần sử dụng số tiền nêu trên đã nhiều lần liên hệ yêu cầu V trả tiền nhưng V nói với anh T là V mới bị cướp mấy ngày nay nên không có tiền trả lại, mong anh T thông cảm và hứa sẽ bán mấy lô đất do mình đang đầu tư để trả tiền cho anh T.

Ngày 08/3/2022, anh T tiếp tục điện thoại yêu cầu anh V trả tiền đã nhận gửi giữ thì anh V lại cho rằng số tiền của anh T không bị cướp mà do V đầu tư chứng khoán trên mạng bị thua lỗ, không có tiền trả cho anh T.

Ngày 06/9/2022, anh V nhờ cha mình thế chấp để vay ngân hàng và lấy 1,4 tỷ đồng để trả cho anh T. Khi trả tiền cho anh T, V làm giấy cam kết trả nợ nhiều lần, đến cuối năm 2022 sẽ trả hết số tiền còn nợ cho anh T.

Qua việc in sao kê tài khoản do V tự cung cấp thì tại thời điểm ngày 05/12/2021, V còn trên 2,6 tỷ đồng trong tài khoản của mình; thời điểm ngày 08/3/2022, thì tài khoản V còn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tại thời điểm đầu năm 2023 thì V còn đứng tên sở hữu căn nhà tại Tp Hồ Chí Minh trị giá khoảng trên 5 tỷ đồng. Đến tháng 02/2023 thì anh V đã bán căn nhà nêu trên lấy tiền như không trả tiền cho anh T.

Tháng 6 năm 2023, anh T làm đơn tố cáo V, yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi của anh V về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Các quan điểm về giải quyết vụ án

Quan điểm thứ nhất: Đây là vụ việc có tính chất dân sự, tranh chấp hợp đồng dân sự giữa hai bên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nên đã hướng dẫn cho anh T khởi kiện vụ án dân sự. Hợp đồng gửi giữ tài sản giữa anh T và anh V (hợp đồng bằng lời nói), sau đó hai bên đã được thỏa thuận giải quyết trên tinh thần tự nguyện đúng với nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, thông qua giấy cam kết trả nợ nhưng anh V vi phạm thỏa thuận, cam kết trả nợ thì chỉ là sự việc dân sự, không thể xử lý hình sự đối với anh V được. Do đó, anh T cần khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Quan điểm thứ hai: Quan điểm này cũng là quan điểm của các tác giả: Giữa anh T và anh V đã phát sinh giao dịch dân sự thông qua hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định tại Điều 554 BLDS: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

Tuy nhiên, sau đó ngày 05/12/2021, khi anh T điện thoại yêu cầu anh V thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì trong tài khoản của V còn 2,6 tỷ đồng và căn nhà trị giá 5 tỷ đồng; anh V có đủ điều kiện để trả tiền cho anh T nhưng anh V đã dùng thủ đoạn gian dối là khai nại việc mình bị cướp để không thực hiện nghĩa vụ trả tiền đã cho thấy mục đích muốn chiếm đoạt số tiền nhận giữ hộ của V.

Tiếp tục, đến ngày 08/3/2022, khi anh T điện thoại yêu cầu anh V thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì V khai nại do mình đầu tư chứng khoán ảo bị thua lỗ nên không có tiền trả cho anh T được. Thời điểm này tài khoản của anh V còn 1,9 tỷ đồng và căn nhà trị giá 5 tỷ đồng, có đủ điều kiện trả tiền cho anh T nhưng anh V vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đến khi anh V thực hiện một phần nghĩa vụ trả nợ và làm giấy cam kết thì anh V còn tài sản duy nhất của mình là căn nhà trị giá 5 tỷ đồng; đủ điều kiện thực hiện cam kết nhưng đến đầu năm 2023, anh V đã cố tình giấu anh T việc bán tài sản, dẫn đến không có điều kiện trả nợ theo cam kết.

Bên cạnh đó, Điều 175 của BLHS năm 2015 đã quy định:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169170, 171172, 173174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

… 4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm…”

Chiếu theo quy định nêu trên thì hành vi của V đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 175 của BLHS năm 2015. Bởi lẽ, thông qua hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 BLDS, anh V đã nhận tài sản từ anh T với số tiền là 4,4 tỷ đồng; sau đó anh V đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của anh T. Ngoài ra, anh V có tài sản là căn nhà trị giá 5 tỷ đồng và số tiền trong tài sản có đủ điều kiện, khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả. Do đó, hành vi của anh V đã thỏa mãn quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 175 của BLHS năm 2015: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;”

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

 

*Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Phạm Văn Triết

TRẦN TÚ ANH – HUỲNH MINH KHÁNH*