Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì?

Thấy có ví để quên ở quán cà phê, H mang về khách sạn. Sau đó H lấy toàn bộ tiền là 41.500.000 đồng, chỉ trả lại giấy tờ. H có phạm tội hay không, nếu có thì phạm tội gì?

Ngày 02/9/2023, Nguyễn Quốc H cùng vợ là Lê Thị Th và con trai Nguyễn Đình V (sinh năm 2014) đi du lịch. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày H cùng vợ và con vào quán cà phê để tìm bàn uống nước. Khi vào trong quán, mọi người đi đến bàn trống, H phát hiện thấy trên ghế có một chiếc ví cầm tay bằng da màu nâu của khách trước đó để quên. H ngồi xuống bên cạnh, cầm ví đặt xuống dưới đùi và mở ra xem thì thấy bên trong có nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Cháu V nói H: “Bố tìm cách nào trả lại ví cho người để quên đi bố” nhưng H không nói gì. Lúc chị Th đi vệ sinh, H cầm ví sang bàn khác, dùng mũ và khăn quàng cổ che lên chiếc ví rồi bỏ vào túi xách của chị Th. Sau đó, mượn cớ quán đông người phải chờ lâu nên H bảo chị Th và cháu V về nhà nghỉ đã thuê sẵn trước đó cách khoảng 100 mét.

Tại đây, H và Th mở ví ra kiểm tra tổng số tiền có 41.500.000 đồng và giấy tờ tùy thân của anh Ngô Anh D. Th đã gọi điện cho anh Qu là bạn làm việc ở Tổng Công ty Viễn thông Viettel nhờ tra cứu và xác định số điện thoại của anh D chủ của chiếc ví, nhưng H không gọi điện để trả lại ví cho anh D. H đã giữ lại chiếc ví và toàn bộ số tiền trong ví. H chỉ đưa giấy tờ mang tên Ngô Anh D bảo chị Th mang ra quán cà phê để trả. Khi chị Th đến quán cà phê  thì thấy có Công an đang tổ chức tìm kiếm chiếc ví bỏ quên nên đã bỏ lại giấy tờ ở cửa quán cà phê rồi ra về.

Khoảng 06 giờ 05 phút ngày 03/9/2023, khi xuống xe ô tô lấy đồ thì gặp cán bộ Công an hỏi về việc có nhặt được chiếc ví của khách để quên ở quán cà phê Nguyên Hưng không, H nhận có nhặt được và nộp lại ví và toàn bộ tài sản trong ví cho cơ quan chức năng. Về việc định tội danh đối với Nguyễn Quốc H có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Quốc H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Bởi vì, Nguyễn Quốc H khi nhặt được chiếc ví của người khác để quên trong quán cà phê, H buộc phải nhận thức được chiếc ví là tài sản thuộc sở hữu của người khác và địa điểm chủ sỡ hữu chiếc ví để quên là quán cà phê, có phạm vi không gian nhỏ hẹp, có chủ quán cà phê, nhân viên phục vụ… là có người quản lý tài sản trong quán cà phê chứ không phải là tài sản vô chủ, nhưng Nguyễn Quốc H đã không giao lại chiếc ví cho chủ quán cà phê hoặc cơ quan có thẩm quyền để trả lại cho chủ sở hữu mà lén lút chiếm đoạt chiếc ví bên trong có số tiền là 41.500.000 đồng. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Quốc H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS (tài sản trộm cắp có giá trị trên 2.000.000 đồng).

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Quốc H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS. Bởi vì, khi nhặt được chiếc ví biết trong ví có nhiều tiền H vẫn cố ý chiếm giữ tài sản của người khác thành tài sản của mình một cách trái phép. Mặc dù được vợ là chị Th tra tìm ra số điện thoại của chủ sở hữu chiếc ví là anh Ngô Anh D nhưng H không liên lạc để trả lại tài sản cho anh D; không giao nộp chiếc ví cùng tài sản cho chủ quán cà phê hoặc giao nộp cho cơ quan chức năng mà chiếm giữ chiếc ví cùng tài sản trong chiếc ví với tổng số tiền là 41.500.000 đồng. Tài sản mà  H chiếm giữ có giá trị tên 10.000.000 đồng, nê hành vi của Nguyễn Quốc H đã cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS.

 Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Nguyễn Quốc H không phạm tội. Bởi vì, đối với tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS, hành vi chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Đó là hành vi cố ý dịch chuyển một cách lén lút và trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Tài sản là đối tượng của hành vi chiếm đoạt phải đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý. Trong vụ án này, chiếc ví và tài sản trong ví bỏ quên trong quán cà phê lúc này không nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu cụ thể ở đây là anh Ngô Anh D; mặt khác chủ quán cà phê này cũng không phải là người quản lý tài sản là chiếc ví bị bỏ quên. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Quốc H nhặt được chiếc ví và số tiền trong chiếc ví là 41.500.000 đồng chưa xác định chủ sở hữu để trả lại cho chủ sở hữu tài sản không đủ yếu tố cầu thành tội “Trộm cắp tài sản”.

Đối với tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176 BLHS sự. Hành vi chiếm giữ tài sản của người khác do bị giao nhầm, tìm được, nhặt được chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sau khi: Chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người chiếm giữ tài sản vẫn không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc nhặt được. Trong vụ án này, chiếc ví và số tiền trong ví có giá trị trên 10.000.000 đồng, tuy đã thỏa mãn điều kiện về định lượng theo khoản 1 Điều 176 BLHS, nhưng hành vi H nhặt được tài sản trong đêm ngày 02/9/2023 chưa xác định được chủ sở hữu tài sản là ai; hơn nữa, hơn 06 giờ sáng ngày hôm sau (03/9/2023), khi xuống xe ô tô để lấy đồ H gặp cán bộ Công an hỏi về việc nhặt được ví của khách để quên ở quán cà phê không thì H nhận có nhặt được và nộp lại ví và toàn bộ tài sản trong ví cho cơ quan Công an. Do vậy, Nguyễn Quốc H không phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176 BLHS.

Trên đây là các quan điểm về xác định tội danh đối với Nguyễn Quốc H. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc.

                                           

TRẦN THANH BÀI (Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)

TAND  tỉnh Lai Châu xét xử lưu động vụ án “Trộm cắp tài sản” tại Mường Tè - Ảnh: Hà Dũng