Nguyễn Quốc H không phạm tội

Sau khi nghiên cứu bài viết "Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì?" của tác giả Trần Thanh Bài đăng ngày 12/4/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng, Nguyễn Quốc H không phạm tội.

Thứ nhất, tôi không đồng tình với quan điểm Nguyễn Quốc H phạm tội Trộm cắp tài sản. Bởi lẽ, xét về đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản, đây phải là tài sản đang có người quản lý, đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên hoặc tài sản vô chủ, tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu không phải đối tượng của nhóm tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng. Tài sản được coi là đang có người quản lý là các tài sản sau:

- Tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp.

- Tài sản tuy không còn nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp nhưng vẫn nằm trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.

Xét về mặt chủ quan, người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được tài sản chiếm đoạt là tài sản đang có người quản lý, nếu người phạm tội thực sự có nhầm lẫn cho rằng tài sản đang không có người quản lý thì không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Quay lại vụ án, H cùng với vợ và con đi vào quán cà phê để uống nước, H phát hiện có một chiếc ví cầm tay để trên ghế của khách trước đó để quên  nên H cầm ví đặt xuống dưới đùi. Cháu V nói H: “Bố tìm cách nào trả lại ví cho người để quên đi bố” nhưng H không nói gì. Lúc chị Th đi vệ sinh, H cầm ví sang bàn khác, dùng mũ và khăn quàng cổ che lên chiếc ví rồi bỏ vào túi xách của chị Th. Sau đó, mượn cớ quán đông người phải chờ lâu nên H bảo chị Th và cháu V về nhà nghỉ đã thuê sẵn trước đó cách khoảng 100 mét. Như vậy, chiếc ví này là tài sản của khách trước đó để quên, tức là tài sản hiện đang không có người quản lý, do vậy, đây không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản nên hành vi lấy chiếc ví này của H không thỏa mãn cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Thứ hai, tôi cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS. Bởi lẽ đối với tội Chiếm giữ trái phép tài sản, người phạm tội có được tài sản là do ngẫu nhiên, ngẫu nhiên được giao nhầm, việc giao nhầm này là hoàn toàn không có lỗi của người phạm tội hoặc ngẫu nhiên người phạm tội đã tìm được, bắt được tài sản bị thất lạc hoặc chưa có người quản lý. Sau khi có được tài sản đó, người phạm tội phải biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền nhưng người phạm tội cố tình không chịu giao nộp hoặc không trả lại tài sản cho chủ sở hữu mặc dù đã được chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu được nhận lại tài sản đó.

Trở lại vụ án, mặc dù H nhặt được chiếc ví do người khách trước bỏ quên, tức là có được tài sản một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, thời điểm mà H nhặt được chiếc ví là 21 giờ ngày 02/9/2023 đến khi có công an hỏi là 06 giờ 05 phút ngày 03/9/2023. Đây là khoảng thời gian ban đêm, khó để đến cơ quan có thẩm quyền trình báo. Hơn nữa, khi công an hỏi về chiếc ví mà H nhặt được thì H khai nhận và nộp lại ví cùng toàn bộ tài sản có trong ví, tức là H không có thái độ cố tình không giao nộp khi có yêu cầu. Do vậy, hành vi của H cũng không thỏa mãn cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS.

Vì những lẽ trên, tôi cho rằng Nguyễn Quốc H không phạm tội.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)

HĐXX phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến tại  TAND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn - Ảnh: TL