Nguyễn Văn B phạm tội “Giết người” hay tội “Cố ý gây thương tích”?

Do có mẫu thuẫn cá nhân từ trước nên Nguyễn Văn B đã có hành vi dùng con dao rựa chém liên tiếp vào người anh K dẫn đến tỷ lệ thương tích là 12%. Nguyễn Văn B phạm tội gì?

Ngày 24/12/2022 là lễ Noel nên anh T tổ chức uống rượu tại nhà, anh Trần Văn T có mời nhiều người đến nhậu, trong số đó có Nguyễn K và Nguyễn Văn B. Trong cuộc nhậu Nguyễn Văn B hỏi Nguyễn K “Tại sao mày 35 tuổi mà chưa lấy vợ?”, Nguyễn K trả lời “Tao lấy vợ ngon chứ không lấy vợ mập lùn như mày”, B cho rằng vợ mình bị K khinh thường nên hai bên lời qua tiếng lại, cãi cọ nhau. Do mọi người can ngăn nên Nguyễn K điều kiển xe máy về, khi gần về đến nhà K phát hiện quên nón bảo hiểm nên quay lại nhà anh T lấy, khi K đi gần đến nhà anh T thì Nguyễn Văn B phát hiện, B nghĩ rằng K quay lại nhà anh T để gây sự với mình nên B vào nhà anh T lấy 01 con dao rựa sắc bén lưỡi hình cung bằng kim loại dài 60cm. Khi anh K vừa xuống xe chưa nói gì thì B nhảy vào chém liên tiếp vào người anh K, sự việc chỉ dừng lại khi người nhà anh T can ngăn. Theo kết luận giám định thương tích anh K bị 03 vết sẹo vùng trán kích thước lần lượt là 3.8cm x 0.3cm; 3cm x 0.3cm; 3cm x 0.2cm, vết thương ở môi, vết thương ở 2 đốt ngón tay, vết thâm ở gò vùng má 0.9cm x 9.4cm, tỷ lệ thương tích là 12%.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong vụ án, anh K đã có lời nói không đúng chuẩn mực, chê bai vợ bị cáo mập lùn, từ đó làm B bị kích động và xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Mặt khác thời điểm B chém anh K, đã uống nhiều rượu do đó B không nhận thực được vị trí chém anh K, cho nên chủ đích của B không phải tấn công vào vùng trọng yếu cơ thể của anh K, không có ý thức cố ý tước đoạt mạng sống của anh K, về hậu quả anh K chỉ bị thương tích 12%. Nên hành vi của B phạm tội “Cố ý gây thương tích” là phù hợp.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn B phạm tội “Giết người”, đây cũng là quan điểm của tác giả bởi lẽ:

Căn cứ Án lệ số 17/2018/AL và Án lệ số 47/2021/AL cho thấy việc định danh tội “Giết người” và định danh tội “Cố ý gây thương tích” không dựa vào yếu tố lỗi vô ý hay cố ý với hậu quả để làm căn cứ. Mà hành vi khách quan của bị cáo là yếu tố quyết định để phân biệt giữa tội “Cố ý gây thương tích” với tội “Giết người”. Đối với tội giết người, người phạm tội thường dùng hung khí nguy hiểm, có tính sát thương cao đâm, chém vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng. Đối với tội Cố ý gây thương tích vị trí tác động thường là những vị trí ít gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân như tay, chân, vai. Trong vụ án này, B đã dùng dao rựa là vật sắc bén có tính sát thương cao chém 3 nhát vào trán của K, ngoài ra còn vết thương ở môi, tay, đây là vị trí trọng yếu của cơ thể, khi bị chém rất nguy hiểm đến tính mạng của anh K. Qua đó, hành vi của A cấu thành tội Giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Trên đây là quan điểm của tác giả về tình huống của vụ án, rất mong được sự góp ý, trao đổi bạn đọc, đồng nghiệp.

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”- Ảnh: NTL