Những vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành án hình sự và kiến nghị hoàn thiện

Thực tiễn áp dụng quy định của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án cho thấy còn nhiều vướng mắc và thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, tác giả nêu một số vướng mắc trong thực tiễn và kiến nghị giải quyết bất cập nêu trên.

Công tác thi hành án hình sự rất quan trọng, đảm bảo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được thực thi. Tuy nhiên qua thực tiễn công tác thi hành án hình sự cho thấy vẫn còn những vướng mắc, bất cập trong thời hạn ra quyết định thi hành án, thời hạn yêu cầu truy nã người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn và một số bất cập trong việc thi hành án treo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên những vướng mắc bất cập đó và đề nghị có văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án

Khoản 2 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm”.

“Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án”.

Khoản 3 Điều 364 BLTTHS quy định: “Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án”.

“Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 364 BLTTHS thì thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án. Tại khoản 3 Điều 364 BLTTHS không quy định cụ thể thời gian yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã cũng như không quy định cụ thể thời gian Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã.

2. Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

2.1. Thời hạn 7 ngày

Theo quy định tại khoản 2 Điều 364 BLTTHS “Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm”.

“Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án”.

Đối với trường hợp Tòa án đã xét xử sơ thẩm nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm hoặc nhận được quyết định ủy thác nhưng các quyết định này có sai sót, tài liệu gửi kèm theo quyết định ủy thác thi hành án hình sự không đầy đủ thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án nơi được ủy thác sẽ không thể ra quyết định thi hành án theo như quy định mà thông thường sẽ có công văn đề nghị sửa chữa, bổ sung các quyết định nêu trên, đề nghị bổ sung các tài liệu còn thiếu đối với trường hợp ủy thác thi hành án. Sau khi nhận được quyết định sửa chữa, bổ sung và các tài liệu kèm theo thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc được ủy thác sẽ ra quyết định thi hành án. Do đó, sẽ không đảm bảo thời hạn theo quy định của pháp luật.

2.2. Đối với thi hành án treo

Trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo và giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã/ phường nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nơi xét xử bị cáo đã ra quyết định thi hành án treo nhưng không tống đạt được cho bị cáo vì vắng mặt tại nơi cư trú và Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện đã có thông báo người bị kết án không có mặt tại nơi cư trú, đi đâu, làm gì gia đình và địa phương không biết. Vậy trường hợp này sẽ phải xử lý như thế nào?

2.3. Đối với trường hợp người bị kết án đang tại ngoại

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và ra quyết định thi hành án nhưng không tống đạt được cho người bị kết án. Sau đó, Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp đi xác minh thì người bị kết án đang bị tạm giam trong một vụ án khác ở một địa phương khác? Vậy trường hợp này quyết định thi hành án phạt tù phải thi hành như nào? Có được ủy thác cho Tòa án nơi mà người bị kết án đang bị tạm giam hay không?

Trường hợp bị cáo trong vụ án được tại ngoại nhưng trước khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử bị cáo bị bắt tạm giam trong một vụ án khác. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ra quyết định thi hành án đối với người bị xử phạt tù đang được tại ngoại hay là đối với người bị xử phạt tù đang bị tạm giam?

2.4. Người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn

Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn chưa có quy định cụ thể thời gian yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã và thời gian Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã. Do đó, rất khó cho việc theo dõi, giám sát, kéo dài thời gian thi hành án.

3. Kiến nghị

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để đảm bảo công tác thi hành án hình sự được thống nhất, đúng theo quy định của pháp luật, tác giả có một số kiến nghị như sau:

Một là: Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn khoản 2 và khoản 3 Điều 364 BLTTHS năm 2015 theo hướng:

Bổ sung khoản 2: “Trong trường hợp bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, quyết định ủy thác thi hành án và các tài liệu kèm theo có sai sót thì thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định sửa chữa, bổ sung và tài liệu kèm theo”.

Bổ sung khoản 3: Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp về việc người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Hai là: TANDTC cần ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác thi hành án hình sự và ban hành các biểu mẫu để đảm bảo áp dụng thống nhất.

 

Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, Lai Châu xét xử vụ án trộm cắp tài sản- Ảnh: Phương Thảo

BÙI VĂN THƯỜNG (Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình)