Những vướng mắc khi định tội danh với tội “Hành hung đồng đội”
Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) có một chương quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó có tội Hành hung đồng đội. Tuy nhiên, xác định tội danh này trong một số trường hợp vẫn còn những quan điểm khác nhau.
1. Quy định của BLHS
Điều 398 BLHS hiện hành quy định:
“1. Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan; b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”
Cấu thành của tội hành hung đồng đội như sau:
Khách thể của tội phạm: xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, nhân phẩm của quân nhân.
Mặt khách quan của tội phạm: Là những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội trong quan hệ công tác. Quan hệ công tác là quan hệ giữa các quân nhân cùng được biên chế trong một cơ quan đơn vị nhất định và giữa họ có người là chỉ huy hoặc cấp trên, có người là cấp dưới. Trường hợp họ không cùng được biên chế trong một cơ quan đơn vị nhất định thì họ phải là những người cùng thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian nhất định. Hậu quả của tội hành hung đồng đội là gây những đau đớn về mặt tinh thần cho người đồng đội của mình. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi có một trong những hành vi hành hung người đồng đội.
Chủ thể của tội phạm: Là những chủ thể đặc biệt, chỉ những chủ thể được quy định tại Điều 392 BLHS mới có thể thực hiện tội phạm đó là “đồng đội”, theo quy định của điều lệnh quản lý bộ đội thì các quân nhân không phân biệt cấp bậc, chức vụ, cùng biên chế hay không cùng biên chế trong cùng một đơn vị đều là đồng đội; người phạm tội phải đáp ứng đủ các điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe, thân thể của đồng đội và mong muốn thực hiện hành vi đó.
Có thể thấy, hành vi hành hung đồng đội cũng tương tự như hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng hậu quả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
2. Tình huống cụ thể
Tình huống 01: A có hành vi hành hung đồng đội là B, hành vi của A đã gây thương tích cho B với tỷ lệ11%. B có đơn yêu cầu khởi tố vụ án vì vậy hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS; tuy nhiên trong quá trình điều tra cũng như giải quyết vụ án B đã rút yêu cầu khởi tố vụ án. Vậy hành vi của A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hung đồng đội” theo Điều 398 BLHS hay không? Hiện có 2 quan điểm để giải quyết vụ án trên.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: A không phạm tội “Hành hung đồng đội”, bởi lẽ: căn cứ Điều 155 Bộ Luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (Nội dung này đã được giải đáp tại công văn số 254/TAND-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC). Trong tình huống trên hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích”. Tội này cần có yêu cầu của bị hại để khởi tố vụ án tuy nhiên B đã rút có yêu cầu khởi tố vụ án. Vì vậy vụ án phải được đình chỉ giải quyết theo khoản 2 của Điều luật này. Khi có quyết định đình chỉ vụ án hình sự, tất cả hoạt động tố tụng đối với toàn bộ vụ án, đối với bị can, bị cáo sẽ chấm dứt. Bằng những lập luận trên có thể kết luận A không phạm tội “Hành hung đồng đội” theo Điều 398 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng khi B rút yêu cầu khởi tố vụ án thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự với A về tội “Cố ý gây thương tích” tuy nhiên hành vi của A lại thỏa mãn cấu thành của tội “Hành hung đồng đội”. Có thể nói tội “Cố ý gây thương tích” được phát sinh từ tội “Hành hung đồng đội” nên khi không thỏa mãn tội “Cố ý gây thương tích” thì phải xử lý A về tội ‘Hành hung đồng đội” là đúng quy định cũng như tinh thần của BLHS khi quy định riêng một chương về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Về chủ thể: A, B là quân nhân, A thực hiện hành vi khi trong mối quan hệ công tác với B, đủ tuổi và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Về mặt chủ quan: A thực hiện tội phạm do lỗi cố ý trực tiếp. A thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của B trong quan hệ công tác. Hơn nữa, tội “Hành hung đồng đội” không nằm trong các tội quy định tại Điều 155 BLTTHS chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại. Như vậy, đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với A về tội “Hành hung đồng đội”.
Tình huống 02: X và Y cùng là quân nhân trong một đơn vị quân đội. Trong đợt nghỉ phép cuối năm, X ra quán uống bia thì gặp Y và Z (Z là bạn của Y) đang ngồi nhậu ở đó. Do có mâu thuẫn, xích mích trong công việc tại đơn vị, hai bên lại có lời qua tiếng lại xúc phạm lẫn nhau nên X đã đánh Y và Z. Sau đó, được người dân xung quanh can ngăn. Kết quả giám định tỷ lệ tổng thương cơ thể của Y là 6% và Z là 11%. Trong quá trình giải quyết vụ án, chỉ có Z có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, sau đó Z đã rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Vậy trong trường hợp này vụ án đối với X có bị đình chỉ không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Vụ án đối với X bị đình chỉ. Vì lý do sau: Hành vi của X đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” đối với Z. Tội này cần có yêu cầu của bị hại để khởi tố vụ án mà Z đã rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Theo khoản 2 Điều 155 BLHS thì trường hợp này phải đình chỉ vụ án hình sự đối với bị cáo X. Khi đã có quyết định đình chỉ vụ án thì mọi hoạt động của các cơ quan tố tụng đối với bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng sẽ chấm dứt. Vụ án nếu đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố, xét xử.
Quan điểm thứ hai cho rằng vụ án đối với X về tội “Cố ý gây thương tích” bị đình chỉ là có căn cứ thỏa mãn các quy định của pháp luật tuy nhiên trong trường hợp này cần phải tiếp tục truy tố, xét xử X về tội “Hành hung đồng đội” bởi bị hại là Y là quân nhân cùng đơn vị với X, Y bị tổn thương cơ thể 6% nên mặc dù Z rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì X vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hung đồng đội”.
Trên đây là một số tình huống cần có sự hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong việc định tội danh với tội “Hành hung đồng đội”, rất mong có sự tham gia đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Ảnh minh hoạ: Kim Anh
Bài liên quan
-
Nhóm đối tượng lạ mặt hành hung nhân viên Công ty bất động sản
-
Hồ Tấn Q phạm tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết định khung là “hành hung để tẩu thoát”
-
Hành vi của V đã phạm tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung hành hung để tẩu thoát và tội Vô ý làm chết người
-
V đã phạm tội “Cướp giật tài sản” với tình tiết định khung “Làm chết người” và tình tiết “hành hung để tẩu thoát”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận