Phạm Hoàng L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm Hoàng L phạm tội gì? của tác giả Nguyễn Mạnh Cường đăng ngày 27/4/2022, tôi không đồng tình với hai quan điểm mà tác giả đưa ra và cho rằng Phạm Hoàng L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Điều 174 BLHS [1].
Dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Thứ nhất, về dấu hiệu chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định là chủ thể bình thường. Theo Điều 12 BLHS năm 2015, đó là người đủ 16 tuổi trở lên, đây không phải là chủ thể đặc biệt. Trong bài viết, Phạm Hoàng L được biết đến “là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH dịch vụ chuyển phát hàng hóa T. Theo hợp đồng lao động, Phạm Hoàng L có nhiệm vụ giao nhận hàng hóa”. Cũng có thể cho rằng, Phạm Hoàng L đã đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực nhận thức (vì mục đích của bài viết nhằm xác định hành vi khác quan của L là hành vi được quy định ở tội danh nào trong BLHS).
Thứ hai, về dấu hiệu khách thể của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Cụ thể, trong vụ án trên, Phạm Hoàng L đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, đó là một chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max 256 GB có giá 28,9 triệu đồng của anh Nguyễn Văn C có địa chỉ N.
Thứ ba, về dấu hiệu khách quan của tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm có 2 hành vi khác nhau. Đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích đồng thời là kết quả của hành vi lừa dối.
Trở lại nội dung vụ án, “Ngày 13/4/2021, sau khi nhận được gói hàng, Phạm Hoàng L vì muốn chiếm đoạt chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB nên đã mang gói hàng về nhà, mở hộp rồi đánh tráo chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB, thay vào đó là chiếc Ipone 11 cũ của mình rồi gói lại hàng, đồng thời không tiến hành giao hàng đến địa chỉ N. Ngày 14/4/2021, Phạm Hoàng L mang gói hàng đến Công ty TNHH dịch vụ chuyển phát hàng hóa T và bàn giao lại cho công ty, với lý do “địa chỉ không có người nhận”.
Ta thấy rằng, Phạm Hoàng L đã có hành vi gian dối, bằng cách “mang gói hàng về nhà, mở hộp rồi đánh tráo chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB, thay vào đó là chiếc Ipone 11 cũ của mình rồi gói lại hàng, đồng thời không tiến hành giao hàng đến địa chỉ N”. Hành vi trên của L đã tạo ra thông tin không đúng sự thật (đánh tráo chiếc điện thoại). Việc L thực hiện hành vi này nhằm mục đích để chiếm đoạt chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB. Trên thực tế, L đã đạt được mục đích của mình là lấy được chiếc điện thoại trên. Giữa hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt của L có mối quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau. Việc lừa dối bằng cách đánh tráo là thủ đoạn để L thực hiện hành vi chiếm đoạt, và việc chiếm đoạt được chiếc điện thoại trên là kết quả của thủ đoạn đánh tráo, lừa dối của hàng.
Thứ tư, về dấu hiệu chủ quan của tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thực hiện với lỗi cố ý. Trong vụ án này, Phạm Hoàng L đã cố ý dùng thủ đoạn lừa dối để chiếm đoạt chiếc điện thoại trên.
Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Trộm cắp tài sản”
Phạm Hoàng L không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 BLHS; cũng không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS
Trong khoa học hình sự, về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì thông thường, phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định.
Đối chiếu vụ án này, “Ngày 13/4/2021, sau khi nhận được gói hàng, Phạm Hoàng L vì muốn chiếm đoạt chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB nên đã mang gói hàng về nhà, mở hộp rồi đánh tráo chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB”. Rõ ràng, Phạm Hoàng L đã có ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại trước khi thực hiện hành vi đánh tráo.
Về quan điểm cho rằng hành vi của Phạm Hoàng L phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS. Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Tôi cho rằng, thời điểm L chiếm đoạt chiếc điện thoại thì tài sản này L đang có trách nhiệm quản lý và trách nhiệm quản lý chỉ kết thúc sau khi L giao hàng thành công tới địa chỉ N và được người nhận hàng xác nhận. Do vậy không thể cho rằng L đã trộm cắp chiếc điện thoại trên.
Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết “Phạm Hoàng L phạm tội gì?”. Rất mong nhận được sự quan tâm của Ban biên tập và nhận được sự trao đổi các độc giả và đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Hoàng Phúc
|
|
[1] Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận