Phạm Hoàng L phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Qua nghiên cứu bài viết trao đổi Phạm Hoàng L phạm tội gì của tác giả Nguyễn Mạnh Cường đăng ngày 27/4, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng Phạm Hoàng L phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Trước hết, ta cần phân biệt rõ Tội trộm cắp tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến áp dụng không thống nhất pháp luật. Cả hai tội danh trên đều xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, đều có chủ thể của tội phạm là chủ thể thường, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định; lỗi ở cả hai tội đều là lỗi cố ý trực tiếp với mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Trộm cắp tài sản có những điểm khác biệt cơ bản ở hành vi khách quan của tội phạm, cụ thể như sau:

Tội trộm cắp tài sản có hành vi khách quan là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lí. Đối với tội trộm cắp tài sản, hành vi khách quan phải thể hiện được hai dấu hiệu đó là dấu hiệu tài sản đang có người quản lí và dấu hiệu lén lút chiếm đoạt tài sản. Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản khi tài sản đó đang có người quản lý. Việc lấy tài sản bị bỏ rơi, tài sản vô chủ hoặc lấy tài sản của mình hay do mình quản lý không phải là dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.

Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu khi thực hiện hành vi không cho phép chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản biết được hành vi đó. Lén lút ở đây là lén lút cả về ý thức chủ quan cũng như hành vi của người phạm tội. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản có thể là che giấu toàn bộ hành vi đối với cả chủ tài sản và người khác, cũng có thể chỉ che giấu hành vi đối với chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản, không cần che giấu với người khác.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có các hành vi khách quan là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến  không có khả năng trả lại tài sản. Như vậy, đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội khi nhận được tài sản từ chủ tài sản là hoàn toàn hợp pháp, cụ thể là do chủ tài sản, người quản lý tài sản tín nhiệm giao tài sản trên cơ sở hợp đồng. Sau khi nhận tài sản thì người phạm tội mới thực hiện các hành vi như dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không thể trả lại tài sản. Đây là điểm khác biệt cơ bản với tội Trộm cắp tài sản do tội Trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi chiếm đoạt đã có ý thức và hành vi lén lút, che giấu chủ tài sản.

Quay trở lại vụ án, Phạm Hoàng L là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH dịch vụ chuyển phát hàng hóa T và theo hợp đồng, L có trách nhiệm giao nhận hàng hóa. Sau khi công ty T nhận chuyển phát cho Cửa hàng điện thoại di động M một chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max 256 GB, công ty đã giao cho Phạm Hoàng L để thực hiện việc chuyển phát. Do đó, việc công ty T giao cho L chiếc điện thoại trên là có cơ sở hợp đồng và L nhận được chiếc điện thoại này là hoàn toàn hợp pháp và ngay thẳng. Tuy nhiên, sau khi nhận chiếc điện thoại xong, L đã dùng thủ đoạn gian dối là mang gói hàng về nhà rồi đánh tráo chiếc Iphone 12 Pro Max 256 GB với chiếc điện thoại Iphone 11 cũ của mình, đồng thời không giao hàng đến địa chỉ được giao mà nói rằng, địa chỉ không có người nhận nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max 256 GB. Hành vi của Phạm Hoàng L đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Đối với quan điểm cho rằng L phạm tội Trộm cắp tài sản, tôi không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ, khi nhận được chiếc điện thoại Iphone 12 Pro Max 256 GB từ công ty T, L không hề có hành vi lén lút và việc giao nhận giữa L và T là hoàn toàn ngay thẳng. Hơn nữa, hành vi lấy tài sản do mình quản lý không phải là dấu hiệu khách quan của tội này và khi L nhận được chiếc điện thoại từ công ty, L phải có trách nhiệm quản lý tài sản để giao đến người nhận nên L không thể phạm tội Trộm cắp tài sản.

Trên đây là quan điểm của tôi về vụ án trên, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Đắk Lắk  xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Trần Khánh

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-