Phan Mạnh H có phạm tội hay không?

Trần Văn T đột nhập, lấy trộm tài sản bị truy đuổi, khi chạy T để rơi một cọc tiền trị giá 50.000.000 đồng. Phan Mạnh H đi bộ ngang đấy đã nhanh chóng nhặt cọc tiền cất giấu trong người... H có phạm tội hay không? Tội gì?

Khoảng 02 giờ 30 phút ngày 15/7/2020, Trần Văn T trèo qua hàng rào, vào cạy cửa, đột nhập nhà anh Hồ Văn B và mở khóa tủ, lấy tất cả trang sức bằng vàng, toàn bộ số tiền trong tủ rồi bỏ vào túi ni long. Sau khi lấy được tài sản, T theo đường cũ, trèo qua hàng rào để thoát ra ngoài. Khi T đang trèo qua hàng rào thì bị chó sủa ầm ĩ, anh Hồ Văn B thức giấc nên tri hô mọi người để truy bắt.

Trong quá trình bỏ chạy, Trần Văn T để rơi một cọc tiền trị giá 50.000.000 đồng. Ngay lúc đấy, Phan Mạnh H đi bộ ngang đấy thấy Trần Văn T rơi tiền nên đã nhanh chóng nhặt, cất giấu trong người, đồng thời bỏ chạy. Mọi người truy đuổi Trần Văn T thì thấy Phan Mạnh H, nghĩ Phan Mạnh H chính là người đã đột nhập vào nhà anh Hồ Văn B nên đã bắt Phan Mạnh H. Khám xét thấy trong người của Phan Mạnh H thấy có cọc tiền 50.000.000 đồng nên đã giao H cho công an xử lý. Trần Văn T chạy được một lúc sau cũng bị bắt giữ. Quá trình làm việc, Trần Văn T và Phan Mạnh H đã khai nhận sự việc như trên.

Hành vi phạm tội của Trần Văn T đã rõ ràng về tội danh. Tuy nhiên, xoay quanh hành vi của Phan Mạnh H thì có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Phan Mạnh H phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Tại vì, khi Trần Văn T để rơi cọc tiền, H đã nhặt và cất giấu trong người. Hành vi cất giấu tài sản đấy là lén lút, ngay thời điểm đấy không ai thấy. Do đó, hành vi của Phan Mạnh H đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Phan Mạnh H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Tại vì, khi Trần Văn T làm rơi cọc tiền, đáng lẽ H phải đem đi giao nộp cho cơ quan chức năng hoặc trả lại cho chủ sở hữu, nhưng H đã cất giấu trong người với ý định chiếm đoạt thành tài sản riêng của mình và thực tế sau khi cất giấu tiền trong người, H đã bỏ chạy. Vì vậy, hành vi của Phan Mạnh H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 176 BLHS.

Quan điểm thứ ba cho rằng, Phan Mạnh H không phạm tội “Trộm cắp tài sản” cũng như tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Tại vì, trong tội “Trộm cắp tài sản”, thì người phạm tội phải lén lút đối với chủ sở hữu hoặc là người quản lý hợp pháp tài sản. Trần Văn T không phải là chủ sở hữu và cũng không phải là người quản lý hợp pháp tài sản nên hành vi của Phan Mạnh H không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”. Trong tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, thì hành vi khách quan được thể hiện là người phạm tội khi bị giao nhầm hoặc tìm được, bắt được tài sản, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, nhưng người phạm tội cố tình không trả. Trong vụ án, Phan Mạnh H chưa được chủ sở hữu, cơ quan có trách nhiệm yêu cầu trả lại tài sản thì đã bị bắt giữ. Vì vậy, hành vi của Phan Mạnh H không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”.

Từ nội dung vụ án và những quan điểm khác nhau đối với hành vi của Phan Mạnh H như trên, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

 

Toà án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn  xét xử vụ án  Công nhiên chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Thanh Tuyền

 

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Tòa án quân sự Quân khu 7)