.jpg)
Phan Tấn V, Đặng Quốc T phạm tội gì?
Chị C đang chạy xe mô tô trên đường thì bất ngờ bị C và T bỏ điếu thuốc đang hút vào giữa cạp quần và mông làm chị C hốt hoảng buông tay lái và xe bị đổ. Chị C ngã xuống đường, đầu đập vào dải phân cách cố định và tử vong ngay tại chỗ. C và T có phạm tội không? Tội gì?
Ngày 11/01/2020, Phan Tấn V (sinh năm 1991) chở Đặng Quốc T (sinh năm 1993) đi chơi, khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A thì phát hiện phía trước có chị Trần Thị Kim C đi cùng chiều. Thấy chị C mặc áo ngắn để lộ phần lưng dưới, giữa lưng quần và mông có một khoảng lộ phần mông trên, T bàn với V dùng điếu thuốc đang hút bỏ vào khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C, để xem chị C phản ứng như thế nào.
Đồng ý với T nên V cho xe chạy sát vào xe chị C và T bỏ điếu thuốc đang hút vào giữa cạp quần và mông chị C, làm chị C hốt hoảng buông tay lái và xe bị đổ.Chị C ngã xuống đường, đầu đập vào dải phân cách cố định và tử vong ngay tại chỗ.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an đã bắt giữ T và V. Tại cơ quan công an, T và V đều khai nhận đã thực hiện hành vi dùng điếu thuốc đang hút bỏ vào không quần chị C trong khi đang chạy xe để xem chị C phản ứng thế nào. Trong hồ sơ cũng xác định tại thời điểm xảy ra vụ việc chị C chạy xe với tốc độ khoảng 60 km/h. Vụ việc được làm sáng tỏ, các cơ quan chức năng xác định hành vi của V và T đã gây ra cái chết của chị C, tuy nhiên việc định tội danh đối với V và T có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của V và T không cấu thành tội phạm, V và T không phải chịu trách nhiệm hình sự vì V và T không có ý định gây ra cái chết của C việc chị C buông tay lái và ngã chết là do chị C lái xe không an toàn, xử lý tình huống không đúng quy định khi tham gia giao thông.
Quan điểm thứ hai cho rằng: V và T phạm tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 BLHS năm 2015 vì hành vi của V và T đã gián tiếp gây ra cái chết của chị C (nếu như không có hành vi của V và T thì chị C không buông tay lái dẫn đến ngã và tử vong), tuy V và T không có ý định giết chết chị C nhưng hành động của V và T là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị C. Do vậy, V và T phạm tội “Vô ý làm chết người” .
Quan điểm thứ ba cho rằng: Phải xử lý V và T về tội “ Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015 vì hành vi của Phan Tấn V và Đặng Quốc T đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Hậu quả chị C chết xuất phát từ hành vi bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C của V và T. Hành vi này là trái pháp luật và rất nguy hiểm cho người lái xe với tốc độ cao khi đang lưu thông. Trong trường hợp này, buộc V và T phải ý thức được việc thực hiện hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả chết người có thể sẽ xảy ra và thực tế đã làm chị C chết khi xe ngã xuống đường. Hành vi của V và T bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C là cố ý đủ yếu tố cấu thành của tội “Giết người”, chứ không phải là “Vô ý làm chết người”.
Quan điểm thứ tư cho rằng: Hành vi của V và T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015. Phan Tấn V và Đặng Quốc T không phạm tội: “Vô ý làm chết người” (như quan điểm thứ hai) và cũng không phạm tội: “Giết người” (như quan điểm thứ ba), bởi lẽ hành vi của V và T không có khả năng gây ra hậu quả chết người và chị C chết không phải do hành vi của V và T gây ra.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, trong vụ án trên V và T phạm tội “Vô ý làm chết người”, bởi lẽ khách thể và chủ thể của tội “Vô ý làm chết người” đã đáp ứng đầy đủ trong việc định tội danh đối hành vi của V và T. Cả V và T đều có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (cả V và T đều trên 18 tuổi). V và T thực hiện hành vi trái pháp luật và hành vi này là nguyên nhân gây ra hậu quả làm chị C chết. Xét về lỗi của V và T, chúng ta thấy, đây là lỗi cố ý gián tiếp, tuy V và T không có ý định giết chị C nhưng với việc làm (bỏ điếu thuốc đang hút vào người chị C trong khi chị C đang chạy xe với tốc độ cao, khoảng 60 km/h), buộc V và T phải ý thức được rằng, hậu quả chết người có thể xảy ra. Dù biết trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng V và T vẫn thực hiện hành vi với lý do xem chị C phản ứng như thế nào, điều này thể hiện V và T không quan tâm đến hậu quả xảy ra, hay nói cách khác là bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Như vậy, hành vi của V và T đủ yếu tố cấu thành tội: “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tác giả về xác định tội danh đối với Phan Tấn V và Đặng Quốc T, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.
Tòa án nhân dân huyện Bắc Mê, Hà Giang xét xử vụ án Vô ý làm chết người - Ảnh: Dương Thùy Chi
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận