Phát triển Thừa Thiên Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, ưu tiên mang tính hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: ​​​​​​​“Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa đất nước, là cầu nối giữa bắc và nam, do đó phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên mang tính hàng đầu. Thừa Thiên Huế có lợi thế kinh tế biển và đầm phá, do đó phải phát huy tối đa đặc thù này. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, văn hóa…”.  

 Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại  Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 diễn ra ngày 6/4 tại TP Huế.

Cùng dự Lễ có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các đối tác, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo đó Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1745/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch tuân thủ và phù hợp định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Mục tiêu tổng quát: đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh…

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh.

Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận Nhà đầu tư, văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu dự án cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát quy hoạch của Thừa Thiên Huế: bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững; tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ thực hiện thành công bản Quy hoạch, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng; có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải bảo đảm tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả; nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ đó có các dự án tốt, nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch: luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.

Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và tổ chức thực hiện khai thác tốt; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải bằng được; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực thực hiện gồm nguồn lực của Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, trong đó nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; đồng thời không thể thiếu nguồn lực bên ngoài là vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị. Phát huy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và coi trọng, bổ sung các động lực tăng trưởng mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng lưu ý, việc huy động nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với xu thế phát triển của thời đại, đó là chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Công tác tổ chức quy hoạch phải hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội, có trọng tâm, trọng điểm, xác định cái gì cần làm trước, làm sau; làm việc nào dứt việc đó; vận dụng sáng tạo nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” trong phát triển kinh tế hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa đất nước, là cầu nối giữa bắc và nam, do đó phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên mang tính hàng đầu. Thừa Thiên Huế có lợi thế kinh tế biển và đầm phá, do đó phải phát huy tối đa đặc thù này. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, văn hóa…

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Theo đó, “1 trọng tâm” là: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đầu tư cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.

“2 tăng cường” gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thị trường.

“3 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

LƯƠNG NGHIỆP-HOÀNG TỶ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo