Phụ thuộc vào ngày Nguyễn Văn A chấp hành án đối với hình phạt cải tạo không giam giữ

Sau khi nghiên cứu bài viết “Thời điểm chấm dứt việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ khi nào?” của tác giả Trần Văn Hùng đăng vào ngày 9/10/2023 chúng tôi xin có quan điểm trao đổi.

Theo ví dụ của bài viết: Tại bản án hình sự số 50/HS-ST ngày 23/6/2022 Nguyễn Văn A bị TAND huyện K tuyên phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS. Đến ngày 23/6/2023 Nguyễn Văn A lại tiếp tục đánh bạc và bị khởi tố về hành vi đánh bạc, đến ngày 12/8/2023 tại Bản án hình sự sơ thẩm số 30/HS-ST Nguyễn Văn A bị Tòa án huyện K tuyên phạt 2 năm tù về tội đánh bạc, tuy nhiên do bản án ngày 23/6/2023 của Nguyễn Văn A chưa thi hành xong nên theo quy định của BLHS phải tổng hợp hình phạt của hai bản án.

Với nội dung của ví dụ trên, để trả lời được câu hỏi: Việc tổng hợp hình phạt của hai bản án đối với Nguyễn Văn A của TAND huyện K có đúng không, theo chúng tôi cần phải làm rõ được vấn đề: Thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ thời điểm nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 tại khoản 3 Điều 2 quy định như sau: Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị xử phạt 1 năm cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của BLHS. Đối với trường hợp này, trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ: “… xử phạt Nguyễn Văn A 1 năm cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản; thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP đã nằm trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC được quy định tại Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 8/10/2021, hiện nay chưa có văn bản mới hướng dẫn về vấn đề này, điều này đã gây không ít khó khăn cho việc tuyên thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ.

Hiện nay, có hai quan điểm về cách tính thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Áp dụng tinh thần Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP thì thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là ngày người bị kết án chấp hành án.

Chúng tôi, đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ theo quy định tại Điều 96 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Toà án phải gửi quyết định cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong đó có Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Đồng thời theo Điều 97 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ thì “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án. Người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan…”.

Trên thực tế, có trường hợp người bị kết án khi được triệu tập lần đầu vì lý do khách quan nên họ không thể có mặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú để làm cam kết việc chấp hành án; do đó việc thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án chưa được thực hiện, vì vậy không thể tính thời điểm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Do vậy, thời điểm chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ kể từ khi người bị kết án chấp hành án.

Hiện nay trong quy định của BLTTHS và Luật Thi hành án hình năm 2019 đều không quy định thời điểm chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ khi người chấp hành án phạm tội mới. Do đó, quan điểm của tác giả Trần Văn Hùng cho rằng khi người chấp hành án phạm tội mới sẽ bị áp dụng biện pháp pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS đối với hành vi đó và ngày 23/6/2023 A phạm tội mới là ngày kết thúc việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bản án hình sự số 50/HS-ST ngày 23/6/2022 là không phù hợp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 364 BLHS, thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật…Để bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại Điều 343 BLHS, đó là kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định tại Điều 333 và Điều 337 BLHS, thời hạn kháng cáo là 15 ngày và thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày và Viện kiểm sát cấp trên là 30 ngày.

Như vậy theo quan điểm của chúng tôi, việc xác định Nguyễn Văn A có phải chấp hành hình phạt của hai bản án hay không, còn phải phụ thuộc vào ngày Nguyễn Văn A chấp hành án đối với hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

*Tòa án quân sự Quân khu 7

Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Nông Thị Mai

 

 

NGUYỄN HỒNG PHONG - HOÀNG THÙY LINH*