Quốc hội thảo luận sôi nổi về thu hồi đất, bồi thường tái định cư

Sáng 03/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại Hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.

Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn ĐBQH, dự kiến nếu đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng, luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này. Mặc dù đã quyết tâm, nỗ lực, nhưng tài liệu gửi tới Quốc hội vẫn chưa được kịp thời theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.

 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận

Qua hai Kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa, tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có điều kiện rà soát kỹ các nội dung cần có điều kiện chuyển tiếp, việc rà soát, hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, trách nhiệm nêu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá chất lượng dự án luật và bày tỏ chính kiến của mình.

Thu hồi đất

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về thu đất. Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: Nghị quyết 18-NQ/TW nêu ra yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất. Do đó cần làm rõ khi nào thỏa thuận và thỏa thuận ra sao. Đại biểu lưu ý cần phân biệt đất thu hồi cho dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở thực hiện hai bên thỏa thuận. Nhưng nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển do doanh nghiệp thông qua đấu giá. Đối với đất nông nghiệp để chuyển cho dự án sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thỏa thuận.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm, Nghị quyết số 18 có nêu tiếp tục cơ chế thoả thuận trong thu hồi đất, nhưng không yêu cầu tất cả các dự án đều thoả thuận.  Đại biểu cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là nhằm phát huy nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội. Các khoản tại Điều 79 đều là lợi ích công, nhưng quan trọng nhất là phải phát huy được nguồn lực của đất đai. Để đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế thì phải cho phép thu hồi đối với các dự án. Trong đó, phải có quy định cụ thể về quy mô, tính chất của dự án.

Về thu hồi đất nhà ở thương mại, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với quan điểm cần phải kiểm soát địa tổ chênh lệch nhưng cần làm rõ nội dung cần kiểm soát là giá trị thặng dư siêu ngạch – được tạo ra sau khi có đầu tư của nhà đầu tư. Nếu kiểm soát chặt quá thì không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì một số lợi ích siêu ngạch lại phục vụ lợi ích thiểu sổ. 

Đại biểu cho rằng kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu. Để đấu thầu được thì Nhà nước phải thu hồi đất.  Đồng thời đền bù do Nhà nước thực hiện. Khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường. Người sử dụng đất khi được đền bù sẽ được tiệm cận giá thị trường trước khi đầu tư. Như vậy công bằng cho cả nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước không bị thất thoát.

Định giá đất

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu)  cho biết, về phương pháp định giá đất tại Điều 159, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét cân nhắc không sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá đất cụ thể và bỏ điểm b tại khoản 5 Điều 159 và điểm c khoản 6 Điều 159 về phương pháp thặng dư. Đại biểu nêu rõ, trên thực tế áp dụng ước tính doanh thu chi phí việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định sẽ thay đổi kết quả định giá. Đây là nguyên nhân chính gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định thẩm định quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua; chưa kể cách hiểu của mọi người khác nhau trong các hoàn cảnh thời điểm khác nhau.

Về giá đất cụ thể tại Điều 161, theo quy định tại khoản 3 Điều 161 và khoản 4 Điều 162 quy định về thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc làm rõ khi tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, các tổ chức tư vấn xác định giá đất trong trường hợp đồng thời do cơ quan tài nguyên môi trường thuê, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thuê, Hội đồng mời; trong ba vai trò này có khác nhau hay không? Thực tiễn thực hiện phương pháp xác định giá đất đã xảy ra tình trạng cùng một khu đất, mỗi phương pháp xác định giá đất và mỗi đơn vị tư vấn khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Do vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan định giá, thẩm định giá đất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm quy định này…

Bồi thường tái định cư

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư thống nhất với các quy định của dự thảo luật. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về xác định phương pháp thặng dư trong định giá đất.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư. 

 

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu

Nhà nước bên cạnh việc thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như một sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Đại biểu đề nghị “xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện”.

Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) nêu vấn đề, Điều 105 quy định 4 trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, trong đó tại khoản 4 nêu: công trình hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội có công trình xây dựng khác không còn sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền. Theo đại biểu, việc quy định không còn sử dụng là chưa rõ ràng, nhất là khi xem xét bồi thường các công trình kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư của doanh nghiệp, có thể do khó khăn về kinh tế, mà nhà đầu tư phải ngừng, tạm dừng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho biết dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…. Đại biểu cho rằng với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

Việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền cũng rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng. 

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.

Cho thuê đất

Đại biểu Hà Đức Minh bàn về khoản 3 Điều 125 quy định về các trường hợp nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, trong đó có trường hợp cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với người được nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất hàng năm, nhưng phải di dời ra khỏi vị trí do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng quy định tại điểm d. Theo đó, tại điểm d khoản 2 Điều 9 quy định đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. 

 

Các đại biểu tại Hội trường

Đại biểu cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa. Muốn kinh doanh  phải đi tìm đất đấu giá nhưng nếu đấu giá không được, đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động đóng cửa, sa thải người lao động. Như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai. Đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất.

Lừa đảo trong giao dịch bất động sản

Khoản 3 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình nội dung quy định công chứng, chứng thực đối với giao dịch có một bên trong giao dịch là tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Đại biểu đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP HCM) nhận thấy, đây là quy định được kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013 và được thực hiện ổn định cho đến nay. Tuy nhiên, thực tiễn đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gây thiệt hại lớn cho bên mua là cá nhân, nhưng việc ngăn chặn cho đến nay chưa hiệu quả, nhiều người dân vẫn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này. 

Đại biểu cho rằng, cá nhân khi giao dịch với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản luôn là bên yếu thế, khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin về tài sản giao dịch còn hạn chế nên cần thiết có bên thứ ba không phụ thuộc vào lợi ích của các bên để hướng dẫn, giải thích pháp luật cho bên yếu thế, kiểm tra và sát thực về tình trạng pháp lý của tài sản giao dịch để đảm bảo an toàn pháp lý. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại điểm a, b khoản 3 Điều 27 theo hướng "nếu giao dịch có ít nhất một bên là cá nhân thì phải được công chứng, chứng thực."

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) tán thành với ý kiến cho rằng quy định trong vòng 2 năm kể từ khi có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chưa được điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất được sử dụng đất bình thường, không bị hạn chế. Đây là quy định tiến bộ. Tuy nhiên trong dự thảo Luật mới sửa thời hạn 3 năm xuống còn 3 năm nhưng nội dung quy định vẫn như cũ. Điều này không khắc phục được tình trạng kéo dài dự án và quy hoạch, kế hoạch kéo dài. 

Đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh cần đổi mới mạnh mẽ kiên quyết hơn trong việc không thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Sang năm thứ 2 mà không thực hiện thì hủy bỏ. Kế hoạch sử dụng đất không có thời hạn thực hiện nên kéo theo các quyết định thu hồi đất không có thời hạn nên ảnh hưởng đến đời sống người dân thiếu ổn định và nhiều hệ lụy. Do đó, cần có quy định về thời hạn thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thông báo thu hồi đất và việc hủy kế hoạch sử dụng đất.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND Tp Hà Nội phát biểu - Ảnh: Qh.vn

THÚY QUỲNH