TAND TP.HCM xét xử vụ đăng kiểm với 254 bị cáo
Phiên tòa dự kiến kéo dài 3 tháng
Sáng 18/7, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm 254 bị cáo liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 Trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Đây là vụ đại án, có số lượng người tham gia đặc biệt lớn: 254 bị cáo, hơn 200 luật sư và hơn 60 bị hại là cá nhân.
Phiên tòa bắt đầu từ ngày 18/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 18/10. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, những hoạt động khác tại TAND TP.HCM vẫn diễn ra bình thường.
Hội đồng xét xử vụ án gồm: Thẩm phán Huỳnh Văn Trực (Phó chánh tòa Tòa hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 Hội thẩm nhân dân. Đại diện VKS tham gia phiên tòa là các KSV Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền.
Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa, công tác an ninh được thắt chặt. Các lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông... túc trực ở các khu vực phía ngoài trụ sở TAND TP.HCM và bên trong Tòa án để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát người ra vào.
Phiên tòa được xét xử ở hai địa điểm, TAND TP.HCM là điểm cầu trung tâm và Trại tạm giam Chí Hòa (T30) Công an TP.HCM là điểm cầu thành phần. Ngày xét xử nhóm tội danh nào thì tòa sẽ thẩm vấn nhóm bị cáo đó tại trụ sở của tòa, những bị cáo còn lại sẽ theo dõi qua màn hình tại hội trường trại tạm giam T30.
Những người vào tham dự phiên tòa phải có giấy triệu tập, hoặc giấy mời của Tòa án. Các cơ quan báo chí được bố trí tác nghiệp ở phòng riêng biệt, có màn hình TV để theo dõi diễn biến phiên tòa. Nhà báo, phóng viên tham dự phiên toà phải đeo thẻ do TAND TP.HCM cấp.
Lực lượng an ninh làm việc bên ngoài TAND TP.HCM phục vụ đại án đăng kiểm
Theo cáo trạng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các phòng và trung tâm đăng kiểm đã cùng nhau thống nhất chủ trương, từ đó chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Trong đó, ông Trần Kỳ Hình được xác định khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm, chi cục đăng kiểm nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.
Do đó, ông Hình phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "nhận hối lộ" với số tiền 7 tỉ đồng và hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Đăng kiểm. Ông Hà không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi cho mình đối với số tiền tiêu cực, hối lộ phải là cao nhất.
Ông Hà còn chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phải tính tiền nộp cho mình căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm.
Do đó, ông Hà phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ của phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 là 31 tỉ đồng (ông Hà được chia 700.000 đồng/1 hồ sơ thẩm định thiết kế đạt, là mức cao nhất theo yêu cầu của Hà đối với số tiền nhận hối lộ của mỗi hồ sơ, số còn lại mới được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên văn phòng và quỹ).
Ngoài ra, ông Hà còn phải chịu trách nhiệm về số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022 là 7,7 tỉ đồng; số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D (khối tư nhân) là 680 triệu đồng.
Tổng hợp, ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "nhận hối lộ" với tổng số tiền là 40,3 tỉ đồng. Trong đó cá nhân ông này được xác định hưởng lợi 8,5 tỉ đồng.
Sau khi Công an vào cuộc điều tra, lo sợ bị bắt nên ông Hà đã chi tiền cho ông Nguyễn Văn Chung để nhờ tìm người thu thập thông tin vụ án. Tuy nhiên ông Chung không có khả năng thực hiện mà chiếm đoạt số tiền trên 100.000 USD.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Nguyễn Huế
Bài liên quan
-
Tin học hóa xét xử ở Tòa Phá án của Cộng hòa Pháp
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
Thời hạn tạm giam khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Bất cập và kiến nghị
-
TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án tại FLC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận