Tạo lập và áp dụng án lệ trong quá trình giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ
Việc tạo lập án lệ thông qua chức năng giải thích Hiến pháp của Toà án luôn là một chủ đề quan ở nhiều nước trên thế giới.[1] Đối với hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ có đặc trưng của hệ thống thông luật và có mô hình nhà nước Liên bang, chức năng xét xử của Toà án tối cao Hoa Kỳ bao gồm thẩm quyền giải thích Hiến pháp Liên bang.
Kết quả là những án lệ được tạo ra thông qua quá trình giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ luôn có giá trị bắt buộc và là nguồn luật của nhiều lĩnh vực pháp luật trên toàn Liên bang và các tiểu bang. Bài viết này sẽ phân tích về chức năng hiến định quyền giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ và thực tiễn tuân thủ, thay đổi các án lệ hình thành trong giải thích Hiến pháp bởi chính Toà án tối cao liên bang. Những luận giải của bài viết nhằm mục đích để người đọc hiểu được tính linh hoạt trong sự hình thành các án lệ thông qua giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ. Bài viết cũng đưa ra những gợi ý cho việc nâng cao tư duy án lệ ở Việt Nam.
Toà án tối cao Hoa Kỳ và chức năng giải thích Hiến pháp của nó khi tạo lập án lệ
Quyền tài phán Hiến pháp Toà án tối cao Hoa Kỳ: Hoa Kỳ là một thể chế nhà nước Liên bang, Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1878 là bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới. Nội dung của nguyên tắc phân chia quyền lực đã được thể hiện triệt để theo Hiến pháp 1787.[2] Hoa Kỳ có mô hình nhà nước Liên bang với sự tồn tại của hai hệ thống pháp luật liên bang và hệ thống pháp luật của các tiểu bang (50 tiểu bang). Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án Hoa Kỳ [3] “Quyền tư pháp ở Hoa Kỳ được trao cho một Toà án tối cao và những toà án cấp dưới sẽ được Nghị viện thiết lập và trao thẩm quyền”. Trên cơ sở qui định này ta thấy, Toà án tối cao Hoa Kỳ là toà án duy nhất được thiết lập trực tiếp từ các qui định của Hiến pháp. Nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật cơ quan tư pháp năm 1789 trong đó thiết lập hệ thống toà án liên bang cấp dưới của Toà án tối cao gồm: Toà án phúc thẩm liên bang (the federal circuit courts), Toà án liên bang quận (the federal district courts). Tổ chức cơ quan tư pháp của Hoa Kỳ về bản chất như một hình chóp. Trên đỉnh chóp là Toà án tối cao liên bang, nó có thẩm quyền xét lại quyết định của tất cả các toà án cấp dưới. Vấn đề về việc Toàn án tối cao liên bang giải thích Hiến pháp như thế nào có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi vì Tòa án này có thẩm quyền (judicial review) giám sát tư pháp đối với các văn bản pháp luật. Ở nước Mỹ, tất cả các toà án từ Toà án cấp tiểu bang cho đến Toà án Liên bang đều có thẩm quyền và trách nhiệm đưa ra quyết định về các vấn đề hợp hiến hoặc vi hiến. Nhưng quyết định cuối cùng thuộc về thẩm quyền của Toà án tối cao Liên bang.[4]
Hiện nay, Toà án tối cao Hoa Kỳ bao gồm 9 thẩm phán. Trong số này có một vị Chánh án và các thẩm phán cộng sự khác. Các thẩm phán của Toà án tối cao Mỹ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời bởi Tổng thống Mỹ. Toà án này xét xử các vụ án với một Hội đồng gồm toàn thể thẩm phán. Theo qui định của pháp luật Hoa Kỳ [5], số thẩm phán cần thiết để xét xử một vụ án tại Toà án tối cao gồm ít nhất phải là 6 thẩm phán cùng tham dự trong hội đồng xét xử. Toà án tối cao Hoa Kỳ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải thích Hiến pháp, thông qua các án lệ của nó các qui phạm mang tính nguyên tắc của Hiến pháp sẽ được phân tích chi tiết, phù hợp hoá với sự phát triển không ngừng của xã hội. Hiến pháp Hoa Kỳ là một nguồn luật đặc trưng và quan trọng. Nó có đặc trưng là khái quát, không hoàn thiện và thường không rõ (unclear) và có thể lạc hậu. Cho đến nay Hiến pháp Mỹ đã qua 27 lần sửa đổi kể từ khi dự thảo, 10 lần trong số đó là luật về các quyền vào năm 1791.[6] Chính vì vậy mà các án lệ của Toà án tối cao liên bang gây được sự chú ý đáng kể cho bất cứ ai muốn nghiên cứu học thuyết án lệ trong pháp luật nước Mỹ.
Thực tiễn thiết lập án lệ thông qua giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ
Liên quan đến án lệ là một hình thức pháp luật, ở Hoa Kỳ một phạm vi rất rộng các lĩnh vực pháp luật vẫn dựa vào các nguồn luật là án lệ được phát triển hàng trăm năm qua hoạt động xét xử của các toà án ở các bang. Vai trò của án lệ thực sự là một nguồn luật quan trọng trong pháp luật Hoa Kỳ và nó cũng là một yếu tố không thể thiếu trong phương pháp pháp luật ở Hoa Kỳ. Cũng chính từ khía cạnh này, René Davíd đã viết ‘‘khi không có án lệ về một vấn đề pháp luật cụ thể, các luật gia Hoa Kỳ sẽ nói không có pháp luật về vấn đề này’’ Điều này thực sự đúng với việc hiểu các qui định của Hiến pháp Hoa Kỳ.[7]
Nguyên tắc về sự tuân theo án lệ vẫn là nền tảng trong pháp luật Hoa Kỳ, nó có vai trò quan trọng trong quá trình xét xử của tòa án của đất nước này. Hay nói cách khác “học thuyết về sự tuân theo án lệ (Stare decisis) đã bám rễ sâu và nổi bật trong lý luận luật học của Hoa Kỳ”.[8] Điều hiển nhiên là, Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua bởi một Quốc hội lập hiến đặc biệt vào năm 1787. Nhưng sự giải thích đối với Hiến pháp lại thuộc về thẩm quyền của hệ thống tòa án. Trong khía cạnh này Tòa án tối cao Hoa Kỳ có thẩm quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề liên quan đến giải thích Hiến pháp. Các án lệ của Tòa án tối cao Hoa Kỳ luôn có vai trò và sự ảnh hưởng rộng rãi của nó đếm mọi khía cạnh pháp luật của Hoa Kỳ.
Về mặt lý thuyết và thực tiễn có hai loại án lệ trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, đó là: án lệ trên cơ sở luật thông luật (Common law) và án lệ xuất phát từ hoạt động giải thích luật thành văn gồm cả Hiến pháp ( The U.S Constitution). Liên quan đến dạng án lệ thứ hai thì các án lệ hình thành trên cơ sở giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ luôn là những án lệ quan trọng có vai trò ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực pháp luật.
Thực tiễn thiết lập và dụng án lệ về giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ luôn có hai xu hướng. Thứ nhất, khi toà án Tối cao Hoa Kỳ thiết lập các án lệ trong giải thích các qui định của Hiến pháp Hoa Kỳ thì chính Toà án tối cao phải tuân thủ án lệ của chính nó và các toà án cấp dưới phải tuân theo. Thứ hai, các án lệ của Toà án tối cao liên bang Mỹ có thể thay đổi khi các điều kiện xã hội thay đổi. Sau đây là những minh hoạ về một số án lệ tiêu biểu.
- Thực tiễn tuân thủ án lệ về giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ: Trong thông luật có nguyên tắc Stare decisis được hiểu là toà án phải tuân theo án lệ. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã thiết lập các quy tắc Stare decisis áp dụng trong việc bảo vệ sự tuân thủ các án lệ do chính Toà án tối cao Hoa Kỳ tạo ra. Không thể kể hết hàng trăm án lệ được thiết lập từ việc giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ. Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu.
Án lệ Reynolds v. Sims, 377 U.S. 533 (1964) giải thích quyền bình đẳng “equal protection” trong quyền bầu cử theo Hiến pháp Hoa Kỳ
Bảo vệ Bình đẳng được đảm bảo bởi các Tu chính án thư 5 và 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ. The đó Hiến pháp qui định mỗi người phải được đối xử bình đẳng về quyền bầu cử của mình. Nhưng thực tiễn việc hiểu quyền bình đẳng trong thi hành luật bầu cử của Liên bang và các tiểu bang cần giải thích kỹ hơn điều khoản nguyên tắc chung của Hiến pháp Hoa Kỳ với yêu cầu quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ không thể bị hạn chế vì lý do chủng tộc, màu da, tình trạng nô lệ trước đây, giới tính hoặc tuổi tác (18 tuổi trở lên); Ban đầu, Hiến pháp Hoa Kỳ được viết ban đầu không thiết lập bất kỳ một qui định nào chi tiết về cách hiểu nguyên tắc “mỗi người một phiếu” “the one man, one vote principle”. Toà án tối cao Hoa Kỳ đã giải thích nếu một bang cho phép một người bỏ phiếu cho "nhánh đông đảo nhất" của cơ quan lập pháp bang đó, thì bắt buộc phải cho phép người đó bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cho thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ.
Trong án lệ Reynolds v. Sims, 377 U.S. 533 (1964) là vụ kiện mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, trong đó Tòa án ra phán quyết rằng các khu vực bầu cử của phòng lập pháp tiểu bang phải có dân số bằng nhau. Từ năm 1964 đến nay, Toà án tối cao Hoa Kỳ luôn tuân thủ sự luận giải nguyên tắc “Under the one-person, one-vote principle” của Án lệ Reynolds v. Sims. Điều này được minh chứng trong án lệ năm 2016 vụ án Evenwel v. Abbott, 578 U.S. (2016), Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng thiết lập các khu vực lập pháp, cơ quan lập pháp của bang có thể sử dụng tổng dân số của các khu vực trong bang, thay vì bị hạn chế sử dụng dân số đủ điều kiện bỏ phiếu.
Án lệ Miranda v. Arizona, 384 U.S. 436 (1966) liên quan đến giải thích Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ (The Fifth Amendement) để tạo ra quyền im lặng của người bị buộc tội trong tố tung hình sự.
Án lệ Miranda v. Arizona, 384 U.S. 436 (1966), là một quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, trong đó Tòa án ra phán quyết rằng cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ phải cảnh báo một người về các quyền hiến định của họ trước khi thẩm vấn họ, nếu không thì lời khai của người đó không thể được sử dụng làm bằng chứng tại phiên tòa của họ. Cụ thể, Tòa án giải thích rằng theo Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, Chính phủ không thể sử dụng lời khai tự nhận tội (self incrimination) của một người khi đang bị cảnh sát giam giữ làm bằng chứng tại phiên tòa hình sự của người đó. Quyền được tham khảo ý kiến của luật sư trước và trong khi thẩm vấn, cũng như quyền chống lại việc tự buộc tội trước khi bị cảnh sát thẩm vấn, và bị cáo không chỉ hiểu rõ các quyền này mà còn tự nguyện từ bỏ các quyền này trước khi trả lời các câu hỏi.
Vụ án Miranda v. Arizona có tình tiết bị cáo Miranda bị bắt về tình nghi thực hiện tội phạm bắt cóc và hiếp dâm đã tự nhận tội trong quá trình thẩm vấn. Bị cáo Miranda đã không được thông báo có quyền được im lặng, quyền mời Luật sư trợ giúp, quyền được có Luật sư chỉ định khi bị bắt và giam giữ. Đây là sự vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng. Sự hình thành thuật ngữ pháp lý quyền im lặng ‘Right to remain silent’ ở án lệ Miranda v. Arizona là kết quả không thể bác bỏ rằng các quyền con người trong Hiến pháp Mỹ đã được cụ thể hoá trong các án lệ gắn với quyền giải thích Hiến pháp của Toà án tối cao Hoa Kỳ. [9]
Khi đã thiết lập các án lệ thì chính Toà án Tối cao Hoa Kỳ và các toà án cấp dưới, các cơ quan nhà nước, công chức công vụ, công dân phải tuân thủ. Điều này được khẳng định trong vụ Dickerson v. United States 430 U.S. vào năm 2000, Tòa án tối Hoa Kỳ từ chối thay đổi thủ tục trong luật tố tụng về ‘quyền được im lặng của bị cáo ‘the right to remain silent’, những gì khai báo với cảnh sát có thể là chứng cứ chống lại bị cáo. Vì vậy, bị cáo có quyền mời luật sư đại diện khi bị thẩm vấn’ các quyền này được gọi với tên gọi của án lệ “Miranda”[10] được thiết lập từ năm 1966. Thủ tục Miranda đã trở thành điều kiện không thể thiếu trong hoạt động của cảnh sát Hoa Kỳ để bảo vệ quyền con người của người bị tình nghi là tội phạm. Thủ tục Miranda đã thực sự trở thành một phần trong văn hóa pháp lý Hoa Kỳ và nó thỉnh thoảng được thể hiện trên tivi và phim ảnh.[11]
Qua hai vụ án trên chúng ta thấy, nguyên tắc tuân theo án lệ đã thực sự ăn sâu vào nhận thức trong hoạt động xét xử của tòa án ở Hoa Kỳ. [12] Việc giải thích Hiến pháp đã tạo lập ra các án lệ và các án lệ này có tính ổn định rất cao. Án lệ có chỉ có thể bị thay đổi khi điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá.. đòi hỏi Toà án tối cao Hoa Kỳ cần phải giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ theo xu hướng tiến bộ hơn.
Thực tiễn Toà án tối cao Hoa Kỳ thay đổi, bãi bỏ những án lệ về giải thích Hiến pháp để thiết lập những án lệ mới: Hiến pháp Hoa Kỳ được ban hành từ năm 1787, đã được bổ sung bởi 27 Tu chính án nó có sức sống hơn 200 năm tính đến nay. Bởi vì chính Toà án tối cao Hoa kỳ đã giải thích Hiến pháp và tạo lập ra các án lệ và bổ sung, thậm chỉ bãi bỏ các án lệ để thiết lập các án lệ mới phù hợp với các điều kiện văn hoá, kinh tế xã hội theo lịch sử của Hoa Kỳ. Một nghiên cứu dựa trên các phán quyết của Toà án tối cao Hoa Kỳ trong 46 năm (từ năm1960 đến năm 2005) đã chỉ ra ít nhất 74 lần Toà án này bãi bỏ các án lệ của chính nó.[13] Thực tiễn này cho thấy Toà án tối cao Hoa Kỳ không ngần ngại thay đổi sửa chữa những sai lầm qua rất nhiều các án lệ đã bị bãi bỏ. Những ví dụ sau đây sẽ cho thấy Toà án này đã bãi bỏ các án lệ như thế nào. Trong đó, nhiều vụ án, phải đợi một thời gian rất dài để Toà án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố từ bỏ sai lầm của họ trong các án lệ. Những minh hoạ sau sẽ phản ánh thực tiễn này:
Án lệ Brown v.(kiện)Board of Education (1954). Toà án tối cao Hoa kỳ giải thích về quyền bình đẳng trong Tu chính án thứ 14 (The Fourteenth Amendment) của Hiến pháp Hoa Kỳ
Như chúng ta đã biết Toà án tối cao nước Mỹ có vai trò quan trọng trong việc bảo về các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Mỹ. Quyết định của vụ Brown v. Board of Education (1954) luôn được xem là vụ án điểm hình trong việc Toà án tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ các án lệ của nó liên quan đến sự phân biệt đối xử.
Trong Án lệ Plessy v. Ferguson (1896), Toà án tối cao Hoa Kỳ đã tuyên “phân biệt giữa người da trắng và da màu, nhưng vẫn đảm bảo bình quyền”. Quyết định này đã bị bãi bỏ bởi quyết định của vụ Brown v. Board of Education (1954). Câu hỏi về vấn đề pháp luật gây tranh cãi đã nảy sinh từ án lệ của vụ Plessy v. Ferguson (1896) liên quan đến văn bản sửa đổi Hiến Pháp lần thứ 14 về bảo vệ sự bình quyền theo pháp luật.
Quyết định của vụ án Plessy v. Ferguson (1896) đã tạo ra học thuyết về “phân chia nhưng bình đẳng” (separate but equal). Quan điểm này đã kéo dài hơn nửa thế kỷ cho đến tận năm 1954, khi nó bị bãi bỏ trong quyết định của vụ Brown v. Board of Education (1954). Thẩm phán Harlan, người đã đưa ra quyết định phản đối án lệ Plessy v. Ferguson (1896) đã nhận định: “Hiến pháp bây giờ xoá bỏ sự phân biệt màu da, vì vậy Chính phủ không thể dùng màu da để quyết định quyền của họ”. Tuy nhiên, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định lại học thuyết ‘separate but equal’.Ví dụ: trong vụ án Berea College v. Kentucky (1899), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ủng hộ hình phạt của bang Kentuchy với một trường học tư nhân vì đã để cho sinh viên da trắng và da màu học cùng một lớp học.[14]
Quan điểm của Toà án tối cao Hoa Kỳ trong việc giải thích văn bản sửa đổi Hiến pháp lần thứ 14 đã thay đổi rõ ràng trong vụ Brown v. Board of Education (1954), vì vậy toà đã đi đến quyết định bãi bỏ phán quyết trong vụ Plessy v. Ferguson (1896). Kết quả là học thuyết về “phân chia nhưng bình đẳng” separate but equal” đã bị bãi bỏ. Toà án tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố “Sự phân chia nhưng bình đẳng không còn nữa trong môi trường giáo dục”.[15] Lý do cho Toà án tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ học thuyết “phân chia nhưng bình đẳng” dựa trên sự thay đổi thái độ của xã hội đối với sự bình đẳng chủng tộc. Quan điểm tiến bộ này được ủng hộ bởi các nhà xã hội học, nhân chủng học,[16] các quan điểm phản bác về sự phi lý, sai luật trong quyết định của án lệ Plessy v. Ferguson (1896). Lý do này lý giải vì sao Toà án đã không tuân thủ án lệ của vụ Plessy v. Ferguson (1896).
Một yếu tố cần nhấn mạnh là: trong vụ Brown v. Board of Education (1954), Toà án tối cao Hoa Kỳ đã thông qua quyết định với sự đồng thuận của toàn bộ thành viên 9 thẩm phán trong hội đồng xét xử. Toà án đã tuyên bố phân biệt đối xử trong nhà trường là hành vi vi phạm Hiến pháp. Đây được coi là thắng lợi cho sự đấu tranh vì bình đẳng quyền công dân theo Bản sửa đổi Hiến pháp lần thứ 14 và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Án lệ Roper v. Simmons[17] (2005), Toà án Tối cao Hoa Kỳ giải thích Tu chính án thứ 8 và thứ 14(The Eight and Fourteenth Amendment)
Án lệ Roper v. Simmons(2005) của toà án Tối cao Hoa Kỳ đã bãi bỏ án lệ cũ trong vụ Stanford v. Kentucky[18] (1989). Toà đã ra tuyên bố việc thi hành hình phạt tử hình của những người chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm phạm tội có hình phạt tử hình bị cấm theo Luật sửa đổi Hiến pháp lần thứ 8 và lần thứ 14 vì thế bãi bỏ án lệ vụ Stanford v. Kentucky (1989).
Tình tiết vụ Roper v. Simmons(2005) có thể được tóm tắt như sau : Simmons là bị đơn, người đã giết một phụ nữ bằng cách ném và nhấn chìm cô ta từ trên một cây cầu xuống nước. Simmons đã bị kết tội phạm tội giết người cấp độ 1 (first degree murder), lúc đó Simmons đã 17 tuổi và bị tuyên hình phạt tử hình bởi Toà án bang Missouri. Sau đó Toà án tối cao bang Missouri đã ủng hộ quyết định tử hình Simmons của toà án cấp dưới. Vụ án được chuyển lên xét xử tại Toà án tối cao Hoa Kỳ. Năm 2005, Toà án tối cao liên bang đã đưa ra quan điểm việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi tại thời điểm họ thực hiện hành vi phạm tội là bị cấm bởi Luật sửa đổi Hiến pháp lần thứ 8 và lần thứ 14. Bằng cách này, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã từ bỏ án lệ lỗi thời của vụ Stanford v. Kentucky (1989).
Một số gợi mở đến tư duy án lệ ở Việt Nam
Việc tiếp nhận tư duy án lệ chọn lọc từ nước ngoài vào Việt Nam là một sự thành công trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam.[19] Để án lệ thật sự bán rễ sâu trong văn hoá pháp lý của Việt Nam thì chúng ta cần phải tiếp nhận cả lý luận và thực tiễn về án lệ ở nước ngoài một cách chọn lọc vào Việt Nam. Những phân tích của bài viết trên đây cho thấy những điều cần làm rõ trong tư nguyên tắc thiết lập án lệ của Toà án ở nước ta
Thứ nhất, những án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC công bố và áp dụng thì Hội đồng thẩm phán TANDTC cần có định hướng áp dụng pháp luật tuân theo chính những án lệ đã thiết lập.
Thứ hai, án lệ không cứng nhắc vì vậy Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thể tạo lập những án lệ mới thông qua xét xử để bác bỏ những án lệ đã có khi tính hợp lý của các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội đòi hỏi một sự điều chỉnh pháp luật phù hợp hơn.[20]
Thứ ba, với những hệ thống toà án trong hệ thống pháp luật của các nước có truyền thống áp dụng án lệ thì mỗi án lệ không tồn tại độc lập. Thực tiễn xét xử theo thời gian sẽ tạo ra các sê ri án lệ cùng loại để củng cố và cụ thể hoá hơn những nguyên tắc, đường lối, giải pháp mà toà án đã thiết lập trong án lệ khi giải thích án lệ.
Thư tư, bài học từ việc tiếp cận thực tiễn án lệ của Hoa Kỳ cũng như nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới cho thấy. Việc đào tạo luật và nghề luật ở Việt Nam cần phải lưu ý đến việc phân tích án lệ để tạo ra những kiến thức pháp lý sâu sắc giữa lý thuyết và thực tiễn pháp lý.
[1] Mô hình tài phán Hiến pháp hiện nay được phân chi thành 3 loại. Thứ nhất là mô hình phi tập trung ( The Disfuse system of Judicial Review) với đặc trưng là tất cả các toà án trong hệ thống tư pháp đều có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của văn bản luật. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về giải thích Hiến pháp luôn thuộc về toà án tối cao trong hệ thống toà án của mỗi nước. Tiêu biểu cho mô hình tản quyền là hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ, Hy Lạp ở Châu Âu, một số nước Châu Mỹ La tinh như Argentina, Mexico; Thứ hai, là mô hình tập trung (The Concentrated System of Judicial Review) sẽ có một toà án duy nhất trong hệ thống toà án có chức năng giải thích Hiến pháp: tiêu biểu là Toà án Hiến pháp của Cộng hoà Liên Bang Đức, Toà án Hiến pháp của Tây ban Nha hay Hội đồng Bảo hiến của Cộng hoà Pháp; Thứ ba, là mô hình hỗn hợp về quyền tài phán Hiến pháp (The Mixed System of Judicial Review) được thiết lập trong hệ thống toà án các nước Bồ Đào Nha, Colombia, Venezuala. Xem: Allan R.Brewer Carias, Judicial Review in Comparative Law, (1989), Cambridge University Press.
[2] Margaret Z. John & Rex R. Perschbacher, The United States Legal System: An Introduction, Carolina Academic Press,2002,p.80.
[3] https://www.senate.gov/civics/resources/pdf/US_Constitution-Senate_Publication_103-21.pdf
[4] Jay M.Feinman, Law 101: Everything You Need to Know about the American Law System, Oxford University Press, 2000, p.24.
[5] 28 U.S.C.§ 1.
[6] Ralf Michaels, American law (United States), in Elgar Encyclopedia of Comparative law, 2006, p.68.
[7] David, René., John E.C.Brierley, Major Legal Systems In The World Today, Third Edition, Stevens, 1985, tr.402.
[8] Bruce E. Altschuler, Celia A. Sgroi and Margaret R. Ryniker, Understanding Law in a Changing Society, Third edition, Paradigm Publishers, 2005,p.133.
[9] Xem thêm: Nguyễn Văn Nam, Quyền im lặng dưới góc nhìn so sánh, https://lsvn.vn/quyen-im-lang-trong-to-tung-hinh-su-duoi-goc-nhin-so-sanh1653668112.html.
[10] Miranda v. Arizona , 436,86 S.Ct.1602 ( 1966 ) ( established the right of criminal subjects to certain warning before interrogation).
[11]Mortimer N.S. Seller, The Doctrine of Precedent In The United States of America, 54 Am.J.Comp. L.67, 2006.
[12] Bruce E. Altschuler, Celia A. Sgroi and Margaret R. Ryniker, Understanding Law in a Changing Society, Third edition, Paradigm Publishers, 2005.
[13] www.rbs2.com/overrule.pdf ( p.35/37)
[14] John E. Nowak, Ronald D. Rotunda, Constitutional Law, Handbook series, Seventh Edition, Thomson West, p.748.
[15] John E. Nowak, Ronald D. Rotunda, Constitutional Law, Handbook series, Seventh Edition, Thomson West, p.754.
[16] John E. Nowak, Ronald D. Rotunda, Constitutional Law, Handbook series, Seventh Edition, Thomson West, p.p.754-755.
[17] Roper v. Simmons 534 U.S.551,125 S.Ct.1183.
[19] Xem thêm: Nguyễn Văn Nam, Phát triển án lệ trong bối cảnh cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học và giáo dục An ninh, số 12/2023.
[20] Xem thêm: Điều 09, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về Qui trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Bài liên quan
-
Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hành chính của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
Pháp luật Nhật Bản về kiểm soát khí thải công nghiệp - Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận