Tạp chí Tòa án nhân dân số 03 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 03 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 02 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
     Với bài viết: “Một số vướng mắc trong giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án theo Bộ luật Lao động năm 2019", tác giả Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra của hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành với nhiều quy định mới như hình thức của hợp đồng lao động, các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động,… Khi giải quyết tranh chấp lao động, Tòa án cần phải lưu ý những điểm mới này để việc áp dụng pháp luật hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Bài viết nêu vướng mắc trong thực tiễn về một số trường hợp giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm áp dụng thống nhất pháp luật.

Trong bài viết: “Tội phạm bức cung, dùng nhục hình và sự phù hợp với Công ước chống tra tấn trong điều tra hình sự ở Việt Nam", tác giả Hoàng Ngọc Anh nêu nhận định: Có thể nói, chống tra tấn trong hoạt động điều tra là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam với vai trò là thành viên của Công ước Chống tra tấn, đồng thời đảm bảo việc thực thi có hiệu quả các cam kết bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chống mọi hành vi bức cung, dùng nhục hình theo quy định của Hiến pháp và các văn bản luật, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định trong đấu tranh phòng, chống tội phạm bức cung, tội dùng nhục hình là yêu cầu tất yếu và khách quan.

Bài viết tập trung trao đổi một số vấn đề về pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về chống tra tấn trong hoạt động điều tra hình sự ở Việt Nam trên cơ sở phân tích một số vấn đề liên quan về tội bức cung, tội dùng nhục hình; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Với bài viết: “Vai trò giải thích hợp đồng của Tòa án trong giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản", tác giả Đỗ Thị Bông cho rằng: Về nguyên tắc thì hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn thể hiện cụ thể ý chí và mục đích giao kết hợp đồng của các bên thông qua nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng này lại gồm những điều khoản chỉ do một bên soạn sẵn, bên còn lại chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận toàn bộ nội dung của hợp đồng. Hợp đồng theo mẫu được bên soạn thảo sử dụng nhiều lần với các đối tác khác nhau, nên đôi khi được soạn sơ sài, không rõ ràng, thiếu điều khoản quan trọng. Thêm vào đó, bởi hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng là một công cụ pháp lý phục vụ cho hoạt động kinh doanh của thương nhân nên khi thương nhân soạn thảo thường thiết kế những điều khoản có lợi nhất cho mình và được coi là bên mạnh thế về pháp lý so với chủ thể phía bên kia, là người nông dân. Bài viết phân tích những quy định cụ thể cho phép Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được giải thích, điều chỉnh những nội dung còn thiếu sót, chưa rõ ràng, để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên yếu thế hơn trong quan hệ hợp đồng giữa một bên là người nông dân và một bên là các doanh nghiệp. 

Trong bài viết: “Thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ", tác giả Nguyễn Phương Thảo tập trung phân tích các vấn đề về đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ tác động đến thời hiệu khởi kiện, quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Tòa án và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Với bài viết: “Vai trò của tòa án trong thủ tục phá sản", tác giả nguyễn Thị Thanh Ngọc cho rằng: Luật Phá sản của Việt Nam quy định Tòa án là cơ  quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của doang nghiệp, hợp tác xã, mất khả năng thanh toán. Tòa án nhân danh Nhà nước đưa ra các quyết định có tính chất pháp lý nhằm phục vụ việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, mặt khác, giúp chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và các chủ thể liên quan đạt được thỏa thuận trong phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phân chia tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bài viết đánh giá vai trò của Tòa án trong thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam, từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập còn tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Trong bài viết:“Bàn về thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án ", tác giả Bùi Ai Giôn - Trần Tuyết Trinh cho rằng: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 được thông qua là động thái tích cực trong thực hiện cải cách tư pháp, mang lại ý nghĩa lớn về mặt xã hội, giúp huy động nguồn lực xã hội có chất lượng cao tham gia công tác hòa giải. Đội ngũ Hòa giải viên là những người được lựa chọn rộng rãi từ những người làm công tác pháp luật, các cán bộ tư pháp đã nghỉ hưu, luật sư, Thẩm phán… những người này có kiến thức toàn diện, kinh nghiệm, kỹ năng, tâm huyết, sẽ góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác hòa giải, đối thoại. Để bảo đảm thực hiện đúng và thống nhất trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  trong thời gian qua, đã cho thấy, thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án còn một số vướng mắc, bất cập cần trao đổi. 
Bài viết trao đổi về các vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Với bài viết: “Giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân đồng tính: Kinh nghiệm từ Canada và gợi mở cho Việt Nam", tác giả Hồ Minh Thành - Nguyễn Thị Hồng Trinh cho rằng: Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính là những xu hướng tình dục, bản dạng giới và đặc điểm cơ thể tự nhiên của loài người. Các học thuyết, khái niệm về hôn nhân và gia đình, do đó, cũng đã thay đổi. Theo đó, quan hệ hôn nhân không chỉ giới hạn giữa một bên nam và nữ, mà đã được mở rộng ra thành mối quan hệ bình đẳng giữa các xu hướng tính dục mới. Từ thực tiễn của chế độ hôn nhân này, quan hệ hôn nhân đồng tính được pháp luật công nhận ở một số quốc gia. Tuy nhiên, các quốc gia không thể giới hạn mối quan hệ hôn nhân đồng tính trong biên giới của nước mình, bởi toàn cầu hóa về thương mại, du lịch và những sự hợp tác khác giữa các nước. Xung đột pháp luật về hôn nhân đồng tính xuất hiện là một tất yếu. Bài viết tập trung vào việc nghiên cứu các vấn đề lý luận xung đột pháp luật về hôn nhân đồng tính và thực tiễn xét xử tại một số nước, đặc biệt là Canada, từ đó, gợi mở một số giải pháp cho việc giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân đồng tính tại Việt Nam.

Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến số này, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Nguyễn Văn A và Trần Văn B phạm tội gì?". Bài viết này tác giả Đỗ Thanh Xuân đưa ra một tình huống cụ thể để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi. 

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 03 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./. 

* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).  
 

BTK