Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

         Trong bài viết: “Một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2019”, tác giả Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Đặng Nguyễn Phương Uyên nêu nhận định: Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ  mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng đồng thời là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Chính vì thế, Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Luật sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt những chuẩn mực tối thiểu theo yêu cầu của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc ký kết.

 Trong bài viết của mình, với việc phân tích cụ thể các quy định về cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; điều kiện bảo hộ của sáng chế; nhãn hiệu… các tác giả chỉ ra một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2019.

        Với bài viết: Mức độ tương thích giữa các quy định của pháp luật lao động Việt Nam về quấy rối tình dục tại nơi làm việc với Công ước của ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối (số 190), tác giả Trần Thị Huyền Trang cho rằng: Tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc ngày càng diễn ra phổ biến dưới nhiều thủ đoạn phức tạp và tinh vi, làm ảnh hưởng không ít tới môi trường làm việc, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nạn nhân bị quấy rối tình dục. Năm 2015, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khởi xướng quá trình thiết lập một tiêu chuẩn lao động quốc tế mới liên quan đến bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. ILO nhận định rằng, bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đe dọa đến nhân phẩm, an ninh, sức khỏe và hạnh phúc của con người. Mặc dù Việt Nam chưa chính thức trở thành thành viên của Công ước số 190, nhưng Việt Nam đã có những động thái cụ thể, để sẵn sàng gia nhập Công ước này trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của ILO về Phân biệt đối xử (Công ước 111), yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết bất bình đẳng giới, bao gồm các hành vi phân biệt đối xử về giới và Việt Nam cũng đã có những quy định phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động  năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích và đánh giá sự tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với quy định của Công ước số 190 về nội dung “quấy rối” tình dục tại nơi làm việc.

 Trong bài viết: “Một số cấu thành tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 - hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng”, tác giả Lê Đăng Doanh - Lê Đăng Khoa nhận định: Để thực hiện chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội, Nhà nước ban hành pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự, nhằm răn đe, phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân. Việc quy định một hành vi cùng các dấu hiệu cụ thể là tội phạm, khoa học luật hình sự coi đó là các cấu thành tội phạm. Có thể hiểu, cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý quy định những dấu hiệu, những hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà Nhà nước coi là tội phạm và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tuyệt đại đa số các cấu thành tội phạm đã phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm nhất định, có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong phạm vi bài viết, các tác giả tập trung phân tích một số cấu thành tội phạm với nội dung quy định chưa có sự thống nhất, ảnh hưởng đến việc áp dviệc áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

           Với bài viết:“ Bàn về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 , tác giả Bùi Ai Giôn nêu quan điểm: Bộ luật Hình sự  năm 2015 kế thừa nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật Hình sự năm 1999, nên đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, theo hướng cụ thể hơn và khẳng định nguyên tắc: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Theo đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người phạm tội dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này, nhằm mục đích để người phạm tội dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

          Với việc phân tích các quy định về điều kiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; tác giả chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện đối với vấn đề này.

          Trong bài viết: Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về quyền nuôi con và kiến nghị hoàn thiện ”, tác giả Trương Như Thủy cho rằng: Trẻ em là tương lai của đất nước, là đối tượng được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật có liên quan; nhất là trẻ em có hoàn cảnh pháp lý đặc biệt như: mồ côi cha mẹ, có cha mẹ ly hôn và trẻ em khuyết tật… thì càng phải được quan tâm, hỗ trợ và có những chính sách hợp lý để bảo đảm tốt nhất việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, trong đó có chính sách về quyền nuôi con. Quyền nuôi con ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em bởi nếu được chăm sóc, giáo dục tốt thì các em mới có thể phát triển và trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội trong tương lai. Hiến pháp xác định rõ, trẻ em là đối tượng được Nhà nước ưu tiên bảo vệ bằng những chính sách đặc biệt để đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc và phát triển một cách toàn diện. Thể chế hóa nội dung nêu trên của Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Nuôi con nuôi và các luật khác có liên quan đã có những quy định cụ thể về quyền nuôi con.

Nhìn chung, các quy định về quyền nuôi con đã tạo được cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng cho các chủ thể thực hiện quyền, tạo cơ chế linh hoạt, phù hợp trong việc bảo vệ các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần phải được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của thực tiễn.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích để chỉ ra một số vướng mắc trong quy định của pháp luật liên quan đến quyền nuôi con, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

           Với bài viết: “Lẽ công bằng và một số vướng mắc khi áp dụng lẽ công bằng vào hoạt động xét xử của Tòa án”, tác giả Nguyễn Như Hiển nêu nhận định: Thể chế hóa nội dung nêu trên của Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nhà làm luật quy định về lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với ý nghĩa là một nguyên tắc trong luật dân sự và nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, nhằm đảm bảo giá trị pháp lý tiệm cận giá trị đạo đức, phong tục tập quán và thực tiễn đời sống xã hội; đảm bảo sự tiến bộ của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Việc hiểu đầy đủ, đúng bản chất, ý nghĩa của lẽ công bằng trong hoạt động áp dụng pháp luật nói chung, hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp, đảm bảo công tác xét xử của Tòa án đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện tại chưa có cách hiểu thống nhất, dẫn đến chưa áp dụng thống nhất quy định về “lẽ công bằng” trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, bình luận để chỉ ra những khó khăn trong quá trình áp dụng quy định về lẽ công bằng vào thực tiễn xét xử của Tòa án, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của quy định trên thực tiễn.     

             Việc xác định thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một vấn đề còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong thực tiễn. Trong nội dung bài viết: “Một số vướng mắc về thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các vụ án dân sự, hành chính, với việc chỉ ra một số vướng mắc, bất cập thông qua việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính cụ thể, tác giả Trần Quang Cường đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nội dung này.

Trong bài viết: “Chủ thể vi phạm hành chính và một số nội dung cần hoàn thiện ”, tác giả Nguyễn Chí Hiếu tập trung phân tích những nội dung cơ bản về chủ thể vi phạm hành chính; từ đó chỉ ra một số bất cập của quy định pháp luật liên quan đến chủ thể vi phạm hành chính và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.    

    Trên Tạp chí TAND số này, trong chuyên mục Trao đổi ý kiến chúng tôi xin giới thiệu bài viết: " Nguyễn Thị H phạm tội gì?”, của tác giả Đào Minh Hiếu. Đây là một tình huống cụ thể còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc định tội danh đối với Nguyễn Thị H, để bạn đọc cùng phân tích,  trao đổi các  ý kiến.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2021.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK