Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 7 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Vướng mắc, bất cập của quy định về pháp nhân thương mại trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và một số kiến nghị”, tác giả Vũ Văn Tư nêu nhận định: Trong những năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế- xã hội đất nước, nâng cao đời sống của người dân, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp mới ra đời với đa dạng các lĩnh vực hoạt động. Sự gia tăng của các loại hình doanh nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cho sự phát triển kinh tế, xã hội, thì còn không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách, bất chấp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời với việc bổ sung thêm chủ thể mới của tội phạm là pháp nhân thương mại. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, đặc biệt đối với các loại tội phạm mới vàchủ thể thực hiện tội phạm mới phát sinh trong thực tiễn.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có những quy định đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại. Đây là những điểm hoàn toàn mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích và chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đối với chủ thể tội phạm là pháp nhân thương mại, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Với bài viết: Tội xâm phạm tình dục - thực trạng và kiến nghị”, tác giả Nguyễn Quang Hiền cho rằng: Tội phạm xâm phạm tình dục là loại tội phạm nghiêm trọng kể cả trong trường hợp không xảy ra tổn thương về vật chất, bởi vì, nó đã xâm phạm đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về riêng tư, thân thể về tình dục, thông qua các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... Thực tiễn cho thấy, tội phạm xâm phạm tình dục đều thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp, nhằm thỏa mãn ham muốn, dục vọng của người thực hành. Hậu quả của tội phạm xâm phạm tình dục về cơ bản là không định lượng được, nó không chỉ gây tổn thương về tính mạng, sức khỏe, tinh thần, mà nó còn làm ảnh hưởng, tác động tiêu cực, thậm chí rất nghiêm trọng đến đời sống bình thường của bị hại, gia đình bị hại và cả xã hội. Chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm tình dục ngày càng đa dạng, phong phú, ngoài các điều kiện riêng của các tội phạm xâm phạm tình dục cụ thể, thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự của tội phạm xâm phạm tình dục là từ đủ 14 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên. 

Với việc tập trung phân tích các quy định của pháp luật về tội phạm xâm phạm tình dục tác giả chỉ ra một số bất cập khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viết: “Xác định dấu hiệu phản ánh thiệt hại trong quy định về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đào Lệ Thu cho rằng: Một trong những nội dung cần làm rõ và cũng trở thành cơ sở cho việc xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng là dấu hiệu phản ánh thiệt hại trong cấu thành tội phạm của các tội phạm tham nhũng  theo Bộ luật Hình sự  năm 2015. Nhìn từ góc độ luật hình sự, thì thiệt hại trong các vụ án tham nhũng chính là một trong những hình thức biểu hiện về hậu quả của các tội phạm tham nhũng, mà sự ghi nhận các thiệt hại này, chính là dấu hiệu phản ánh thiệt hại trong các cấu thành tội phạm tham nhũng. Việc phân tích, nhận thức đúng về hình thức cũng như bản chất của các dấu hiệu này theo quy định của Bộ luật Hình sự có thể giúp cho các cơ quan áp dụng pháp luật nhìn rõ thế nào là thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra, từ đó, có thể đưa ra cách thức xác định các loại hình thiệt hại này cho chính xác cũng như áp dụng các hình phạt, biện pháp tư pháp và thực hiện việc bồi thường thiệt hại một cách đúng đắn.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những dấu hiệu phản ánh thiệt hại của tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 2015; từ đó chỉ ra một số vấn đề trong thực tiễn áp dụng dấu hiệu phản ánh thiệt hại ở các tội phạm tham nhũng và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể.

Với bài viết:“Một số vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm nhiệm các chức danh tư pháp của hệ thống Tòa án nhân dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay ”, tác giả Hoàng Văn Toàn nêu quan điểm: Với vị trí đặc biệt của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án cần có tổ chức và hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân  được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới trong bối cảnh hiện nay.

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu làm rõ các chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân… và thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, chỉ ra những thành tựu và hạn chế trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm nhiệm các chức danh tư pháp của hệ thống Tòa án nhân dân.

          Trong bài viết: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định hình dấu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, tác giả Trần Việt Vân cho rằng: Giám định hình dấu là một chuyên ngành của giám định tài liệu, có vai trò quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo quy định của pháp luật, kết luận giám định được xem là nguồn chứng cứ phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử; kết luận giám định cùng với các nguồn thông tin khai thác được thông qua hoạt động giám định hình dấu trong nhiều vụ việc có ý nghĩa quyết định, bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học trong điều tra, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động giám định hình dấu còn không ít những thiếu sót, hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bài viết tập trung đi sâu phân tích một số vấn đề lý luận về giám định hình dấu, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó, đưa ra một số giải pháp góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định hình dấu trong thời gian tới.

Với bài viết: “Một số vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Đặng Thúy Quỳnh - Nguyễn Thị Vui nêu nhận định: Giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xem xét và đưa ra quyết định xử lý các bất đồng, mâu thuẫn của hai hay nhiều bên trong quan hệ hợp đồng chuyển nhượng trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Qua việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các quan hệ hợp đồng được điều chỉnh phù hợp với lợi ích của nhà nước, lợi ích xã hội và của người sử dụng đất, mang lại sự ổn định trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định của pháp luật đất đai có hiệu lực trong cuộc sống.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra một số vướng mắc, bất cập liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực tiễn giải quyết, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết: “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất ”, tác giả Trần Thanh Khỏe - Nguyễn Thành Phương nêu nhận định: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Nhìn chung, khái niệm này phần nào đã  khắc phục được những hạn chế so với văn bản trước đó, góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có những căn cứ tường minh hơn, khi tiến hành xác định hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cho thấy, khái niệm “lấn đất” vẫn tồn tại những “điểm mờ” nhất định, khi một số quan điểm cho rằng, với khái niệm trên, thì hành vi chuyển dịch mốc giới hoặc ranh để mở rộng diện tích đất chỉ cần Nhà nước hoặc người sử dụng đất hợp pháp đồng thuận sẽ không được xem là hành vi lấn đất. Điều này chưa hợp lý, vì lẽ người sử dụng đất hợp pháp suy cho cùng chỉ có quyền sử dụng đất, không được trao quyền quyết định mở rộng ranh giới hay thay mặt Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho một chủ thể khác. Quan điểm khác lại cho rằng, nếu hành vi chuyển dịch mốc địa giới ranh đất thuộc đất công chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, chính quyền địa phương mà chưa nhận được sự đồng thuận từ cơ quan có thẩm quyền là hành vi lấn đất. Ở chiều ngược lại, nếu đất trên đã trao quyền sử dụng cho một chủ thể, thì chủ thể khác có hành vi di dời ranh giới nhằm mở rộng thửa đất khi chưa nhận được đồng thuận của người có quyền sử dụng đất thì được xem là hành vi lấn đất. Từ đó cho thấy, cách hiểu và vận dụng pháp luật sẽ có nhiều quan điểm trái chiều khi áp dụng pháp luật trên thực tế.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK